Bình đẳng trong cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ - Thực trạng và đề xuất

12/11/2017 08:07 AM


Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 nêu rõ: Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo đề xuất về việc xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau ngày 01/01/2018 theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, để bảo đảm bình đẳng trong cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất cụ thể.

Lương hưu của nam - nữ đã từng được quy định bình đẳng

Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2002, chế độ hưu trí được thực hiện theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ với cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và nữ bình đẳng, theo công thức: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 2%, tối đa là 75%. Thời kỳ này, cả lao động nam và nữ đều phải đóng BHXH đủ 30 năm mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%.

Sau quá trình tổ chức thực hiện ngày 09/01/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2003/NĐ-CP sửa đổi Điều lệ BHXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2003, từ đó đến nay, lao động nữ được ưu tiên hơn lao động nam trong cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo công thức: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; mỗi năm đóng BHXH tiếp theo thì lao động nữ được tính thêm 3%,lao động nam được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. 

Nay áp dụng lại quy định đã có trước đây

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014, tại Điểm b Khoản 2 Điều 56 và Điểm b Khoản 2 Điều 74 quy định: từ ngày 01/01/2018 cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ và nam đều có sự thay đổi theo hướng tăng dần số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75%, trong đó có quy định công thức tính lương hưu đối với lao động nữ. Đây không phải là quy định mới mà là thực hiện theo quy định đã có từ trước ngày 01/01/2003, cụ thể:

Đối với lao động nữ: Nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75% thì lao động nữ phải có từ đủ 30 năm đóng BHXH trở lên. So với Luật 2006 thì thời gian đóng BHXH tăng lên 5 năm nhưng lại tăng ngay tức thì mà không có lộ trình như đối với lao động nam nên chị, em có có sự so sánh. 

 Đề xuất

Do Luật BHXH năm 2014 không quy định lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75% đối với lao động nữ giống như quy định có lộ trình đối với lao động nam (lao động nam quy định tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% theo lộ trình sau: Nghỉ hưu năm 2018 là 16 năm, nghỉ hưu năm 2019 là 17 năm, nghỉ hưu năm 2020 là 18 năm, nghỉ hưu năm 2021 là 19 năm, nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi là 20 năm; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75% đối với lao động nam nghỉ hưu năm 2018 là đủ 31 năm đóng BHXH, năm 2019 là đủ 32 năm, năm 2020 là đủ 33 năm, năm 2021 là đủ 34 năm, từ 2020 là đủ 35 năm) nên cần nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp, vừa bảo đảm tính thực thi pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi của phụ nữ bình đẳng với nam giới theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng nhưng phải bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ BHXH.

Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát lại các quy định về công thức tính lương hưu trước và sau ngày 01/01/2018 và tình hình thực tế để tổng hợp, đề xuất phương án xử lý chênh lệnh giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau ngày 01/01/2018 theo quy định của Luật BHXH năm 2014 trình Chính Phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 56, và Điểm b Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 cho phù hợp theo hướng sau:

“Lao động nữ có đủ 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, sau đó nếu:

- Nghỉ hưu trong năm 2018 thì 8 năm tiếp theo kể từ năm thứ 16 tính thêm 3%, sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% (tương ứng đủ 26 năm đóng BHXH);

- Nghỉ hưu trong năm 2019 thì 6 năm tiếp theo kể từ năm thứ 16 tính thêm 3%, sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% (tương ứng đủ 27 năm đóng BHXH);

- Nghỉ hưu trong năm 2020 thì 4 năm tiếp theo kể từ năm thứ 16 tính thêm 3%, sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% (tương ứng đủ 28 năm đóng BHXH);

- Nghỉ hưu trong năm 2021 thì 2 năm tiếp theo kể từ năm thứ 16 tính thêm 3%, sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% (tương ứng đủ 29 năm đóng BHXH);

- Nghỉ hưu từ 01/01/2022 trở đi thì mỗi năm tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% (tương ứng đủ 30 năm đóng BHXH)”.

Theo phương án này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75% thì số năm đóng BHXH của lao động nữ tăng dần theo lộ trình, cụ thể: Nghỉ hưu trong năm 2018 là 26 năm; năm 2019 là 27 năm; năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.

Phương án này hoàn toàn tương đồng, phù hợp với cách tính lương hưu đối với lao động nam theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 56, và Điểm a Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 đều tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75%, theo lộ trình hợp lý bình đẳng đối với cả lao động nam và lao động nữ. Khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều có số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm so với quy định của Luật BHXH năm 2006./.

Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam