Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật BHXH sửa đổi

23/11/2023 08:53 AM


Sáng 23/11, Quốc hội lần đầu thảo luận ở hội trường về dự án Luật BHXH sửa đổi. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Sau phần thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp 

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: (1) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; (2) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; (3) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); (4) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; (5) Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm:

(1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng;

(2) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;

(3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

(4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện;

(5) Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm;

(6) Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần;

(7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH;

(8) Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;

(9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW;

(10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả;

(11) Về chi phí quản lý BHXH.