Chế tài nghiêm khắc với doanh nghiệp đóng thiếu, trốn đóng BHXH

28/03/2023 01:45 PM


Ngày 28/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TP.HCM và dự thảo Luật BHXH.

 

Chủ trì hội nghị có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Huỳnh Lê Như Trang.

Tại hội nghị, đóng góp cho dự thảo Luật BHXH tập trung vào trọng tâm những vấn đề mà dư luận, người lao động đặc biệt quan tâm, góp phần giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập và đảm bảo lợi ích của người dân. Các đại biểu cho rằng đối với các doanh nghiệp không đóng đủ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần có chế tài nghiêm khắc như truy thu, phạt vi phạm hành chính, lãi chậm nộp và bồi thường thiệt hại…

Đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: VT

Đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Internet

Đối với dự thảo Luật BHXH, các đại biểu cho rằng cần xem xét lại một số vấn đề như đa dạng về mức đóng và hưởng BHXH tự nguyện để người dân lựa chọn; nghiên cứu lại việc giảm tuổi về hưu thay vì giảm số năm đóng BHXH… để hài hòa giữa chính sách với quyền lợi của người dân.

Cụ thể, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm dẫn tới việc mức lương hưu của người lao động sẽ thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động sau này. Do đó, dự thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH...

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Theo một số đại biểu, thời gian qua, tình trạng một số doanh nghiệp có đóng BHXH nhưng không đóng đủ theo số lượng người lao động làm việc tại doanh nghiệp, không đóng đủ mức tiền lương người lao động nhận được trở nên phổ biến; một số doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động theo quy định.

Các đại biểu cho rằng đối với các doanh nghiệp vi phạm trong việc đóng BHXH cần có chế tài nghiêm khắc như truy thu, phạt vi phạm hành chính, lãi chậm nộp và bồi thường thiệt hại…

Trường hợp doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH nhiều lần và kéo dài hoặc đã trích từ lương của người lao động nhưng không nộp, chiếm dụng, có thể xem xét đến trách nhiệm hình sự của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với các cá nhân đóng BHXH, các cơ quan chức năng cũng cần phải lắng nghe ý kiến, hỗ trợ kịp thời những vướng mắc của người dân. Tùy theo từng đối tượng cụ thể mà tư vấn và có lựa chọn phù hợp để tham gia BHXH một cách an toàn và hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến tiếp thu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: VT

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến tiếp thu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Internet

Tiếp thu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến cho biết việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc này đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những khó khăn, tồn tại trong thực tiễn, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH.

Bà Yến cho biết những ý kiến, góp ý trong hội nghị sẽ được tổng hợp để gửi đến cơ quan soạn thảo dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

PV