Giải quyết những bất cập và hướng tới một chính sách BH thất nghiệp hiệu quả hơn

18/09/2018 04:33 PM


Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, số lượng người tham gia và đóng BH thất nghiệp tăng qua các năm. Năm 2017 có gần 11,8 triệu người tham gia tăng 6,4% so với năm 2016. Tổng số tiền thu BH thất nghiệp năm 2017 là 13.517 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2016. Hiện kết dư Quỹ BH thất nghiệp tính đến cuối năm 2017 là 67.320 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ BH thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Mặc dù đạt kết quả trên, song chính sách BH thất nghiệp vẫn tồn tại không ít bất cập. Một trong bất cập được các địa phương chỉ ra đó là dù BH thất nghiệp có đối tượng thụ hưởng đa dạng, trong đó có cả người sử dụng lao động nhưng hiện chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Về mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hiện nay là 1 triệu đồng/người/tháng chỉ mới đáp ứng được với chi phí học các nghề đơn giản, trong các trường công lập. Tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập thì mức học phí này còn cao hơn rất nhiều. Nghề được hỗ trợ học chưa đa dạng, phong phú, nên khó thu hút người học. Hơn nữa hiện nay, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp phát sinh một số trường hợp mà người lao động không thể có một trong các văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như: Trường hợp người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng doanh nghiệp.

Xuất phát từ thực tế trên, Bộ LĐTBXH đã xây dựng dự thảo và bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp. 

Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm 4 điều, trong đó tập trung vào những nội dung chính như: Về đóng BH thất nghiệp bổ sung quy định về các trường hợp được coi là người đang đóng BH thất nghiệp bao gồm cả trường hợp người lao động có tháng liền trước của tháng có ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Bổ sung quy định thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH được tính là thời gian đóng BH thất nghiệp. Bổ sung quy định về thời gian đóng để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong trường hợp người lao động có thời gian đóng BH thất nghiệp trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa được xác nhận trong sổ BHXH do người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng BH thất nghiệp.

Về các chế độ BH thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng mở rộng các trường hợp được coi là bất khả kháng. Nâng mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ban hành quyết định hỗ trợ học nghề từ 15 ngày lên 20 ngày để phù hợp với điều kiện được hỗ trợ học nghề. Sửa đổi, bổ sung nghề được hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa hơn.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về văn bản xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc và hình thức văn bản. Bổ sung quy định người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được bảo lưu do có việc làm, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên nhưng không thực hiện thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm./.

Trần Thắng