Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: Phải xem nợ BHXH là nợ xấu

15/09/2018 10:06 PM


Tại buổi làm việc với Liên đoàn Lao động thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặt câu hỏi: "Tại sao nợ xấu không tính cả nợ BHXH”.

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa.

Ngày 14/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, các sở ban ngành về công tác công đoàn và chăm lo đời sống của công nhân, người lao động đang làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, hiện nay thành phố có 19.970 doanh nghiệp với tổng số 353.082 lao động, trong đó có 167.973 lao động nữ. Có gần 74.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Trong thời gian qua, công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của đoàn viên, người lao động đã được các cấp công đoàn quan tâm bằng những chương trình cụ thể, thiết thực. Ngoài các hoạt động chăm lo tết, xây dựng Mái ấm công đoàn, nguồn Quỹ trợ vốn, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người lao động.

Đối với 45% công nhân ngoại tỉnh, công đoàn đã vận động thành lập mới và duy trì 50 tổ công nhân tự quản khu nhà trợ với 5.300 công nhân lao động tham gia. Bước đầu, mô hình này đã hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự cũng như từng bước nâng cao đời sống tinh thần của công nhân.

Liên quan đến công tác đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động, ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết: 6 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 3 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Đến hết tháng 8/2018, có 2.318 doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm của người lao động với tổng số tiền 201 tỷ đồng.

Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với LĐLĐ thành phố.

Đã xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm 4 người chết, nguyên nhân do chủ doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn lao động. Việc thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp tăng về số lượng nhưng quy trình thương lượng, thỏa ước tại nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện đúng, chưa có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Có doanh nghiệp vi phạm quyền và lợi ích của người lao động chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, dẫn đến tình trạnh bức xúc, tranh chấp lao động tập thể.

Liên quan đến nợ BHXH của người lao động, ông Trương Quang Nghĩa đề nghị công đoàn thành phố phối hợp chặt chẽ với các khu công nghiệp, các cơ quan chuyên môn để thường xuyên phối hợp và theo dõi việc đóng BHXH cho người lao động. Theo ông Nghĩa, việc này không chỉ của riêng BHXH thành phố lo: "Tránh trường hợp như thời gian qua, có doanh nghiệp nước ngoài nợ BHXH. Khi chủ doanh nghiệp bỏ về nước, cơ quan bảo hiểm mới đề nghị công an cửa khẩu có chế tài".

Ông Nghĩa cho biết: BHXH là số tiền sau quá trình lao động người công nhân phải được hưởng. Nếu không thu được, ngân sách nhà nước sẽ phải chi. Do đó, nợ BHXH sẽ trở thành nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay cách tính nợ xấu không tính nợ BHXH. 

“Tại sao nợ xấu của chúng ta không tính cả nợ BHXH?”  ông Nghĩa đặt câu hỏi, “Nợ xấu không thể bỏ BHXH ra ngoài. Kiểu gì nhà nước cũng phải chi” ông Nghĩa cho biết và nhắc nhở LĐLĐ thành phố, cơ quan ban ngành phải có trách nhiệm không chỉ với công nhân, người lao động, mà còn là trách nhiệm với nhà nước. Do đó cần xây dựng cơ chế kiểm soát tốt vấn đề BHXH.

PV (Theo Tiền phong)