Khôi phục lại quy định về quyền thanh tra lao động không báo trước

06/09/2018 02:55 PM


Đây là một trong những nội dung lớn đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Hiện Bộ này đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật và dự kiến Bộ luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo quy định của Công ước 81 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì "thanh tra lao động có quyền vào thanh tra bất kỳ thời điểm nào mà không cần báo trước". Đây là quy định mang tính đặc thù của thanh tra lao động để phòng ngừa và bảo vệ sự xâm hại của người sử dụng lao động với NLĐ tại nơi làm việc, bảo đảm phòng chống và xóa bỏ cưỡng bức lao động. Bởi, nếu tiến hành thanh tra mà thanh tra lao động phải thực hiện báo trước thì sẽ không đảm bảo hiệu quả, không bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của NLĐ.

Trước đó, nội dung này đã được quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động năm 1994. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động năm 2012, quy định này đã bị lược bỏ để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010: Thanh tra lao động khi tiến hành thanh tra sẽ phải báo trước với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, thực tế hoạt động thanh tra lao động trong thời gian vừa qua cho thấy, việc phát hiện và bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của NLĐ chưa kịp thời; có DN còn chống đối, không "mở cổng" cho thanh tra lao động vào thực thi nhiệm vụ.

Trước thực trạng đó, tại lần sửa đổi Bộ Luật Lao động này, ban soạn thảo đã khôi phục lại quy định về quyền của thanh tra lao động như Điều 187 Bộ Luật lao động năm 1994: “Thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước”.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, chỉ tính riêng việc xâm phạm chế độ an sinh cho NLĐ của các DN, đơn vị với hành vi nợ đóng, chiếm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp,BHXH Việt Nam cho biết, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 6.700 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng số thu. Hành vi này của các DN, đơn vị làm ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh cơ bản của hàng ngàn lao động.

Hy vọng, với việc khôi phục lại quy định về quyền của thanh tra lao động như trên, trong đó có công tác thanh tra về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN, đơn vị sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đối tượng này, góp phần đảm bảo tối đa quyền lợi an sinh của NLĐ./.

Trọng Nguyễn