Để BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh
06/09/2018 01:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đưa ra nhiều nội dung cải cách để bảo hiểm xã hội (BHXH) thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Sự quan tâm của Đảng
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn để thực hiện chính sách BHXH và đã sửa đổi luật rất nhiều lần. Nhưng đến nay mới có 29% lực lượng lao động tham gia hệ thống BHXH. Chúng ta thực hiện chính sách đảm bảo lương hưu và các phúc lợi khác khá tốt, nhưng tại sao xu hướng người dân tham gia BHXH không nhanh, tốc độ lại chậm. Đây chính là thách thức cho hệ thống an sinh xã hội.
Tham gia BHXH sẽ giúp người lao động đảm bảo cuộc sống khi tuổi già.
“Để khắc phục tình trạng trên, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH. Việc Đảng, Nhà nước cải cách, mở rộng chính sách BHXH nhằm mở thêm cơ hội cho toàn dân tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội và hướng tới BHXH toàn dân”, ông Lợi nhấn mạnh.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, Nghị quyết 28-NQ/TW đã mở ra thời kỳ mới cho mọi người được tham gia vào hệ thống BHXH. Đảng, Nhà nước rất coi trọng việc chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Theo đại diện BHXH Việt Nam, để Nghị quyết 28-NQ/TW đi vào cuộc sống, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến cải cách chính sách BHXH. Các công việc phải làm rất nhiều, cụ thể như sau:
Một là, Quốc hội cần sớm nghiên cứu thể chế hóa quan điểm, mục tiêu và các nội dung cải cách về BHXH trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; rà soát các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Trong giai đoạn 2019 - 2025, chú trọng hoàn thiện chính sách BHXH có liên quan trong quá trình xem xét, sửa đổi các văn bản: Bộ luật Lao động, Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Việc làm, Luật BHXH…
Hai là, cần phải làm thay đổi nhận thức của người lao động và toàn xã hội về chính sách BHXH theo mục tiêu của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp 2013 về an sinh xã hội. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của người lao động để bảo đảm cuộc sống trước những rủi ro trong và sau thời gian lao động.
Ba là, ngoài những đối tượng đang phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH 2014 thì tới đây, sẽ mở rộng đối tượng bắt buộc đóng bao gồm: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp; người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Nhà nước sẽ tiến hành giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới chỉ còn 10 năm để được hưởng lương hưu.
Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH, nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tới đây, chính sách BHXH sẽ có bước sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động. Có nghiên cứu, đánh giá dựa trên cơ sở bằng chứng khoa học về nguyên tắc đóng - hưởng, trong đó làm rõ mức đóng và tỷ lệ hưởng đảm bảo cân đối và tính bền vững của Quỹ BHXH, nhưng đồng thời phải có cơ chế xử lý đảm bảo nguyên tắc có chia sẻ trong cùng thế hệ và giữa các thế hệ trong đóng, hưởng BHXH.
Bốn là, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, cụ thể: hoàn thiện pháp luật và nâng cao tính tuân thủ pháp luật; hoàn thiện tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam với chức năng cơ quan dịch vụ công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật; bảo đảm bền vững của hệ thống BHXH gắn chặt với nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và đẩy mạnh cải cách ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống cơ quan BHXH, hiện đại hóa công nghệ thông tin.
Năm là, đảm bảo cân đối tài chính Quỹ BHXH, đầu tư có hiệu quả theo nguyên tắc bảo tồn quỹ, thực hiện cơ chế công khai minh bạch. Bảo đảm sự liên kết, chia sẻ giữa quỹ ngắn hạn và quỹ hưu trí dài hạn.
Sáu là, quá trình cải cách chính sách BHXH phải gắn chặt với cải cách chính sách tiền lương, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhận định, việc cải cách sâu rộng sẽ tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt, với những cơ quan có liên quan đến công việc này, khối lượng công việc lớn hơn, tinh thần thái độ làm việc phải tốt hơn, quy trình nghiệp vụ hướng đến người dân thuận lợi hơn. “Nếu chúng ta triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW, chắc chắn quyền lợi người dân tăng lên rất nhiều”, bà Minh nói.
Theo Báo Đầu tư
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Hà Nội công bố thanh tra 20 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?