Tăng cường công tác thanh tra-kiểm tra, bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch, hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao

24/09/2021 07:50 PM


Sáng 24/9, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác thanh tra, kiểm tra. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có lãnh đạo một số đơn vị liên quan; tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo, cán bộ thanh tra, kiểm tra của BHXH các tỉnh, thành phố.

Điểm sáng về công tác thanh tra chuyên ngành 

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Thanh tra-Kiểm tra cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội, đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế đất nước cũng như hoạt động của các DN. Từ đó, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của toàn Ngành, trong đó có hoạt động thanh tra-kiểm tra nói riêng.

Kết quả, trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn Ngành đã thực hiện thanh tra-kiểm tra theo kế hoạch tại 5.423 đơn vị, đạt 32,01% kế hoạch. Trong đó gồm: Thanh tra chuyên ngành đóng 2.036 đơn vị, đạt 35,7% kế hoạch; kiểm tra 2.818 đơn vị; thanh tra-kiểm tra liên ngành 569 đơn vị, đạt 17,4% kế hoạch. Ngoài việc thực hiện thanh tra-kiểm tra theo kế hoạch, toàn Ngành cũng đã thực hiện được 1.165 cuộc thanh tra-kiểm tra đột xuất tại 1.596 đơn vị, trong đó riêng thanh tra chuyên ngành đóng được 1.214 đơn vị...

Nhận định về kết quả trên, ông Trần Đức Long- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra cho rằng, việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra-kiểm tra năm 2021 của toàn Ngành hiện nay còn chậm, không đúng tiến độ, đặc biệt có một số địa phương ỷ lại vào tình hình dịch bệnh đã không chủ động, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao, chưa tích cực chuyển đổi phương thức thanh tra-kiểm tra. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra-kiểm tra còn rất hạn chế, nhiều đơn vị chưa được trang bị đầy đủ máy tính xách tay để thực hiện nhiệm vụ thanh tra-kiểm tra.

Đáng chú ý, đến nay cả nước mới chỉ có 9 tỉnh, thành phố tích cực thực hiện thanh tra-kiểm tra và đạt tỷ lệ trên 60% kế hoạch được giao, gồm: Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Tây Ninh, Yên Bái. Trong khi đó, có 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thực hiện dưới 20% kế hoạch được giao; 15 tỉnh chưa thực hiện kiểm tra đơn vị SDLĐ; 25 tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra cơ sở KCB BHYT; 30 tỉnh chưa thực hiện phối hợp thanh tra-kiểm tra liên ngành…

Cũng theo ông Long, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác thanh tra-kiểm tra của Ngành vẫn có một số điểm sáng đáng ghi nhận. Đơn cử: Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tiếp tục cho thấy hiệu quả khi phát hiện 7.735 NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 47.322,5 triệu đồng… “Ngay trong thời gian thực hiện thanh tra-kiểm tra, tỷ lệ thu hồi nợ BHXH, BHYT trong toàn Ngành đạt 44,5% số tiền nợ, cho thấy hiệu quả tích cực khi cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT”- ông Long nhận định.

Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra-kiểm tra, nhiều địa phương đã phát hiện và kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH, BHYT với số tiền lớn. Riêng công tác chi trả chế độ BHXH, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 4.725,6 triệu đồng do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định. Đối với công tác chi trả chế độ BH thất nghiệp, đã yêu cầu thu hồi về quỹ BH thất nghiệp số tiền 874,6 triệu đồng do thanh toán, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp không đúng quy định. Ngoài ra, các địa phương cũng đã kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại 133 cơ sở KCB BHYT và kiến nghị thu hồi về quỹ BHYT số tiền 25.184 triệu đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định…

Nhiều kinh nghiệm thực tế từ cơ sở

Tại Hội nghị, Vụ Thanh tra-Kiểm tra và Trung tâm CNTT đã hướng dẫn các địa phương thực hiện phương pháp thanh tra truyền thống kết hợp phương pháp rà soát CSDL; đồng thời, các đơn vị, địa phương cũng tập trung thảo luận về những khó khăn của hoạt động thanh tra-kiểm tra trong thời gian tới và kiến nghị giải pháp khắc phục và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Nhận định công tác thanh tra-kiểm tra là một trong những “mắt xích” quan trọng để địa phương có thể cân bằng được việc quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, ông Phạm Xuân Toan- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận cho rằng, nếu chúng ta kết hợp được thanh tra-kiểm tra và ứng dụng CNTT cùng với CSLD của Ngành thì chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao.

Lấy ví dụ tại địa phương, ông Toan cho biết, nếu như trước đây Bình Thuận là một trong 20 tỉnh có quỹ KCB BHYT rơi vào tình trạng bội chi lớn (lên tới 200 tỷ đồng), thì nhờ làm tốt công tác thanh tra-kiểm tra, nên tới điểm hiện tại, quỹ KCB BHYT tại tỉnh đã có kết dư. Theo đó, trước tình trạng phát hiện nhiều vi phạm tại các cơ sở KCB, BHXH tỉnh đã giao Phòng CNTT thu thập dữ liệu, nếu phát hiện chi phí KCB BHYT bình quân tại cơ sở y tế nào có dấu hiệu tăng bất thường sẽ lập tức báo cáo lãnh đạo, để chỉ đạo bộ phận giám định và thanh tra đột xuất.

“Với CSDL mà Phòng CNTT cung cấp cho Phòng Thanh tra-Kiểm tra trước khi thực hiện thanh tra đột xuất, sẽ giúp cán bộ thanh tra-kiểm tra nắm rõ được từng dấu hiệu, để thanh tra đúng trọng tâm và có kết quả. Cũng từ những kết quả này, BHXH tỉnh sẽ có văn bản chấn chỉnh nội bộ và chỉ ra các cơ sở KCB cụ thể để Phòng Giám định BHYT bám sát, thường xuyên nhắc nhở, không để tái vi phạm…”- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận chia sẻ.

Là một trong những tỉnh có số lượng DN và NLĐ lớn, công tác thanh tra-kiểm tra trong thời gian qua đã giúp BHXH tỉnh Quảng Ninh phát hiện được nhiều sai phạm, trong đó chủ yếu là tình trạng NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, đơn vị SDLĐ đóng thiếu mức quy định cho NLĐ… Đặc biệt là việc lợi dụng khe hở để trục lợi chính sách bằng cách nhờ tham gia BHXH tại các DN.

“Nhờ vào việc chủ động rà soát CSDL của Ngành cũng như dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, BHXH tỉnh đã chỉ đạo thanh tra-kiểm tra đột xuất những DN có dấu hiệu vi phạm. Kết hợp cùng nghiệp vụ của cán bộ thanh tra-kiểm tra như đối chiếu hồ sơ DN cung cấp với bảng lương, bảng tính công, bảng phân công nhiệm vụ… Đồng thời, đối chiếu dữ liệu KCB tại các cơ sở KCB trong thời gian NLĐ đến khám. Qua đó, đấu tranh, khai thác, tìm vết và chứng minh được NLĐ có làm việc tại DN đó hay không. Trong 8 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã thu về quỹ BHXH số tiền 351,9 triệu đồng do chi sai chế độ BHXH”- ông Nguyễn Khắc Thời- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Cảnh- Trưởng phòng Thanh tra-Kiểm tra (BHXH tỉnh Lâm Đồng), việc phối hợp với các đơn vị liên ngành để thanh tra-kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm được địa phương rất chú trọng. Theo đó, đối với những đơn vị được thanh tra-kiểm tra khi phát hiện vi phạm nhưng không có cam kết hoặc tiếp tục vi phạm, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Công an tỉnh mời chủ DN vi phạm tới trụ sở Công an để làm việc, đồng thời tuyên truyền về Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao); qua đó yêu cầu chủ DN cam kết không được tái phạm.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong thanh tra-kiểm tra

Theo kế hoạch, BHXH Việt Nam sẽ xem xét ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra-kiểm tra chuyên ngành và thanh tra-kiểm tra liên ngành năm 2021; đồng thời hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện giai đoạn 2 phần mềm "Quản lý hoạt động thanh tra-kiểm tra 1.0" để có thể xử lý, phân tích CSDL; từ đó khoanh vùng, cảnh báo, rút ngắn được thời gian thanh tra-kiểm tra trực tiếp và đem lại hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, Vụ Thanh tra-Kiểm tra cũng đề nghị BHXH các địa phương tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra-kiểm tra; thường xuyên phối hợp với các đơn vị CNTT, Giám định BHYT trong việc cung cấp và khai thác CSDL trên hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, để chủ động rà soát, phân tích phục vụ các đoàn thanh tra-kiểm tra. Đồng thời, thông qua việc phân tích, rà soát CSDL để tích cực chuyển đổi phương thức thanh tra-kiểm tra cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, hạn chế thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị mà vẫn mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác giám sát hoạt động các đoàn thanh tra-kiểm tra bằng việc nghiêm túc thực hiện chế độ ghi nhật ký thanh tra, báo cáo những nội dung kết quả đã thực hiện, những phản ánh về vướng mắc để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, qua đó hạn chế những tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. BHXH các tỉnh, thành phố cũng cần quan tâm, bảo đảm trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác, để cán bộ làm công tác thanh tra-kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: Máy tính xách tay, thiết bị mạng không dây…

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động từ dịch Covid-19, nhưng công tác thanh tra-kiểm tra của Ngành vẫn đạt được một số kết quả nhất định. Đặc biệt, thông qua kết quả thanh tra-kiểm tra đã giúp BHXH Việt Nam có cái nhìn trực diện, đánh giá đúng điểm yếu, điểm mạnh của hoạt động này. Đáng chú ý, các địa phương cũng đã mạnh dạn chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

“Khó khăn là vậy, nhưng ngành BHXH Việt Nam luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, cùng chung tay với đất nước trong thời điểm phòng chống dịch cấp bách như hiện nay. Do đó, mỗi đồng chí Giám đốc BHXH tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra-kiểm tra tại địa phương, cùng với đó bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch để hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao…”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực tiếp điều hành công việc thanh tra-kiểm tra. Trong đó, đưa ra chỉ đạo dựa trên cảnh báo, để Phòng Thanh tra-Kiểm tra chủ trì phối hợp với các phòng nghiệp vụ khác tiến hành thanh tra-kiểm tra nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, công tác này cần được chú trọng vào chất lượng, không được bám theo số lượng nếu không cho hiệu quả. Trong thời điểm dịch bệnh, các địa phương cũng cần tập trung theo dõi dữ liệu Ngành để phát hiện ra những đơn vị, cá nhân có dấu hiệu trục lợi chính sách để có hướng xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra-kiểm tra tại địa phương, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH Việt Nam sẽ xem xét, căn cứ từng vùng đang thực hiện theo chỉ thị phòng chống dịch nào của Thủ tướng để phân vùng và giảm số lượng thanh tra-kiểm tra tương ứng. Về việc khai thác dữ liệu của Ngành phục vụ cho công tác thanh tra-kiểm tra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, dựa trên hướng dẫn của BHXH Việt Nam để đưa ra những giải pháp, phương pháp phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. 

Đặc biệt, thông qua tình hình địa phương, từ những phân tích, rà soát dữ liệu của Ngành, các địa phương cũng cần tích cực chuyển đổi phương thức thanh tra-kiểm tra cho phù hợp với tình hình dịch bệnh như việc kết hợp thanh tra-kiểm tra theo mô hình điện tử... Từ đó, tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc, giảm nhân lực, thời gian tiến hành các đoàn thanh tra, rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp tại các đơn vị SDLĐ. Ngoài ra, các địa phương cũng cần linh hoạt điều phối công việc, tránh tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các phòng nghiệp vụ, phân quyền, phân cấp đúng người, đúng việc, đảm bảo hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao.

PV