Cải thiện chính sách tiền lương giúp đội ngũ nhà giáo an tâm công tác

21/05/2019 11:17 PM


Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã chỉnh lý có bố cục gồm 10 Chương, 119 Điều quy định về về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh quochoi.vn

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại các phiên họp lần thứ 31 và 32, UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi, tiếp thu ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về dự án Luật.

Trong  quá  trình thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến, theo đó, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, như: Vấn đề triết lý giáo dục; phân luồng và liên thông trong giáo dục; chương trình, sách giáo khoa; độ tuổi của giáo dục phổ thông; về nhà đầu tư và Hội đồng trường; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; về chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; về chính sách không thu học phí đối với giáo dục bắt buộc và miễn học phí đối với giáo dục phổ cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm đến các chính sách cho nhà giáo. Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, để thu hút được học sinh, sinh viên giỏi có phẩm chất đạo đức tốt vào ngành sư phạm góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo có đức, có tài thì các quy định về chính sách đối với nhà giáo tại Điều 77 dự thảo luật chưa đủ mạnh. “Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung chính sách có liên quan đối với nhà giáo. Ví dụ: con em nhà giáo được cấp thẻ BHYT miễn phí, con em nhà giáo được miễn học phí các cấp học” - Đại biểu Lê Quang Trí nói.

Theo Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) Điều 76, Điều 77 dự thảo luật có quy định "nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm; lao động nghề nghiệp được hưởng ưu tiên phụ cấp đặc thù theo quy định của Chính phủ". Đồng thời Điều 77 cũng quy định về các phụ cấp và các chính sách ưu đãi khác. Hiện nay Chính phủ rất khẩn trương trong việc hoàn thiện đề án về tiền lương liên quan, gắn với vị trí việc làm. Do đó, Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị: Trong Điều 76, Điều 77 chỉ nên quy định chung, không quy định cụ thể các khoản phụ cấp đặc thù theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho biết, về chính sách đối với người học và người công tác trong ngành sư phạm, dự thảo luật đã cụ thể hóa Nghị quyết số 29 ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó coi trọng vấn đề con người với nhiều quy định về sinh viên sư phạm và nhà giáo. Theo Đại biểu Triệu Thanh Dung, để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết là chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm, chất lượng của những người công tác trong ngành sư phạm cần phải có chính sách đổi mới mạnh mẽ hơn và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng, giáo viên có thể có mức sống cao từ đồng lương của mình, từ đó yên tâm công tác, cống hiến.

Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Còn theo Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Cần Thơ), nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục do đó cải thiện chính sách tiền lương giúp đội ngũ nhà giáo an tâm công tác xét thấy rất cần thiết. “Vì vậy, đề nghị bỏ từ "ưu tiên" tại Điều 76 của dự thảo luật về tiền lương mà viết lại là "nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ" để khẳng định chính sách tiền lương và phụ cấp đặc thù cho nhà giáo là điều rất cần thiết” - Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghị nói.

Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng  cho rằng, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu  đều cơ bản đều nhất trí với những nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;  đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua./.

PV