04 căn cứ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

21/05/2019 04:01 PM


Sáng 21/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp cùng BHXH Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp. Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Tham gia Chương trình có: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp; ông Điều Bá Được - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam); ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Khách mời tham gia giải đáp câu hỏi của độc giả tại buổi giao lưu

Trả lời một số câu hỏi, băn khoăn của bạn đọc về việc vì sao phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam mà đã và đang được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới. Lý do của việc điều chỉnh này có nhiều, nhưng tập trung vào 4 lý do chính:

Thứ nhất, thế giới bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Dẫn chứng, 15 năm năm trước mỗi năm ở nước ta lực lượng lao động tăng 1,2 triệu người nhưng 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ tăng 400 nghìn người, tức là chỉ tăng bằng 1/3 so với trước. Cho thấy, Việt Nam sắp kết thúc thời kỳ dân số vàng và nếu không mở rộng tuổi nghỉ hưu thì sẽ phải đối mặt với thiếu hụt lao động tương lai. Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải được tiến hành sớm trước khi bước sang giai đoạn già hoá dân số.

Thứ hai, bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại tiến tới bằng nhau.  Ở Việt Nam, hiện nay, tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi và nam là 60 tuổi, chênh lệch 5 tuổi. Vì vậy, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề nghị thu hẹp khoảng cách này còn 2 tuổi và tiến tới ngang bằng. Tuổi nghỉ hưu của nữ thấp sẽ hạn chế cơ hội làm việc, thăng tiến của phụ nữ. Bên cạnh đó, nghỉ hưu sớm thì thời gian tham gia BHXH ngắn hơn khiến cuộc sống phụ nữ khi hết tuổi lao động khó khăn hơn nam giới do lương hưu thấp.

Thứ ba, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với sức khoẻ và nhu cầu của người lao động hiện tại. Theo thống kê mới nhất (năm 2018) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số năm sống khoẻ mạnh sau tuổi 60 của người Việt Nam là 17 năm, xếp hạng 41 trên 142 quốc gia. Điều này cho thấy những thành tựu to lớn của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nước ta và việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi là khả thi.

Thứ tư, hài hòa quyền lợi tham gia BHXH và cân đối quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH của người lao động cũng tăng lên kéo theo quyền lợi thụ hưởng được cải thiện; bên cạnh đó, cũng bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng BHXH.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng 1/3 số nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là dưới 60 tuổi, 1/3 số nước quy định tuổi nghỉ hưu của nữ từ 60 - 62 tuổi và khoảng 1/3 số nước còn lại thì quy định tuổi nghỉ hưu của nữ từ 63 tuổi trở lên.

Đối với nam thì trong 176 quốc gia chỉ có 13 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60 tuổi, 83 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 - 62 tuổi và 80 quốc gia còn lại thì quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.

Xu hướng chung của các nước trên thế giới là sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên từ 65 - 67 tuổi. Cụ thể, gần Việt Nam là Malaysia và Indonesia đã bắt đầu điều chỉnh để đến năm 2045 tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau, tăng lên 65 tuổi. Còn theo lộ trình đề xuất của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì Việt Nam đến năm 2036 tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi. Trong khi đó, số năm khỏe mạnh sau tuổi 60 của người Việt Nam hiện đang “vượt trội” so với Indonesia và Malaysia.

Cung cấp thêm thông tin cho độc giả, ông Điều Bá Được - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, theo thống kê của BHXH Việt Nam, số tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động đang có chiều hướng tăng lên: Năm 2017 là 55 tuổi và năm 2018 là 56 tuổi. Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi. Bên cạnh đó, năm 2017, có 64% số người hưởng lương hưu nghỉ đúng tuổi; đến năm 2018, đã tăng lên 70% số người hưởng lương hưu đúng tuổi. Điều này cho thấy, ngày càng có nhiều người lao động mong muốn và có điều kiện làm việc dài hơn.

Về băn khoăn của một số lao động trẻ trong cơ hội việc làm khi tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội số lượng việc làm sẽ ngày càng được mở rộng; mặt khác Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hoá dân số, lực lượng lao động đang tăng chậm lại nên khi việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình chậm đi kèm thực hiện một số chính sách khác về lao động, tuyển dụng thì vấn đề giải quyết việc làm cho lao động trẻ sẽ được giải quyết thoả đáng./.

Phạm Chính