Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp chiến lược ứng phó với già hoá dân số

20/05/2019 03:26 PM


Tăng tuổi nghỉ hưu giúp huy động nguồn nhân lực có chất lượng, tạo động lực cho phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tăng tuổi nghỉ hưu còn là giải pháp vĩ mô, mang tính chiến lược để chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực như một số nước từng trải qua.

Đây là nhận định của một số chuyên gia tại cuộc tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Lao động đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần qua.

Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp chiến lược thích ứng với già hoá dân số

Ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất quy định mốc tuổi nghỉ hưu 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ với lộ trình điều chỉnh tăng chậm kể từ 1/1/2021 theo 2 phương án.

Phương án 1: Đến năm 2028 thì nam đạt tuổi nghỉ hưu 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Đến năm 2026, nam đạt tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi và đến năm 2030, nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).

Theo ông Thiện, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được nguồn lao động có chuyên môn, trình độ quản lý. Nếu huy động được nguồn lực này vào nền kinh tế quốc dân thì quản lý nhà nước sẽ tốt hơn. Một nghiên cứu đã được công bố tại Việt Nam của Viện Y học lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam nhằm đánh giá khả năng lao động của người Việt ở một số ngành nghề và ở các nhóm tuổi khác nhau, thì nhóm tuổi 21 - 30 có điểm WAI cao nhất. Tuy nhiên, nhóm tuổi 51 - 60 vẫn còn 53,3% đối tượng có chỉ số WAI loại rất tốt và tốt. Nghiên cứu của Viện Khoa học - Lao động và Xã hội năm 2014 cũng chỉ ra cứ thêm 1% số lao động lớn tuổi làm việc sẽ giúp tăng 0,068% GDP của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Thiện cũng nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp vĩ mô, mang tính chiến lược nhân lực để chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực như một số nước từng trải qua. Đây là vấn đề có tính quy luật, nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi hoặc 67 tuổi và tất nhiên nước ta không thể nằm ngoài quy luật đó.

Ông Thiện dẫn chứng, từ kinh nghiệm các nước như Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ... cho thấy, người trẻ có thêm việc làm khi người lớn tuổi vẫn làm việc, không phải điều ngược lại như nhiều người lo lắng. Cụ thể, cứ mỗi người lao động lớn tuổi còn làm việc sẽ có thêm 1,05 việc làm cho lao động trẻ. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là hành động giáo dục cho thế hệ trẻ hăng say làm việc hơn. Hạn chế tác động tài chính của quỹ hưu trí, trong khi mức đóng và tuổi nghỉ hưu không thay đổi thì khi tuổi thọ tăng lên sẽ đồng nghĩa với việc thời gian hưởng lương hưu cũng tăng lên, theo đó sẽ tác động tiêu cực đến yếu tố tài chính của quỹ hưu trí.

Về lý do chọn lộ trình tăng chậm, ông Thiện cho rằng, hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng cũng đồng thời đối mặt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, song có  đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Như vậy, lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai và cần một giải pháp vĩ mô có lộ trình để ứng phó.

Đồng thời, căn cứ vào chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam đang ngày càng tăng và hiện cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (là 72 tuổi): Hiện tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi.

“Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xác định mốc tuổi nghỉ hưu 60 tuổi với nữ và nam 62 tuổi, đây là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới nhưng bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam”- ông Thiện chia sẻ.

PV