Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương

13/10/2023 03:30 PM


Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 13/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Tờ trình về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày và nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến áp dụng quy định của một số luật chuyên ngành, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bổ sung một số giải pháp chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 5 nhóm giải pháp được đề xuất là: Về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; về sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chủ trì liên kết (doanh nghiệp, hợp tác xã), nhóm hộ gia đình thực hiện phát triển sản xuất và việc quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ; về giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hàng năm; cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: TH.

Báo cáo nội dung này tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm – Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý chủ trương đối với nội dung đề xuất của Chính phủ, cho phép quy định các nội dung về giải pháp, cơ chế đặc thù trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội mà không ban hành Nghị quyết riêng.

Về thời gian thực hiện, thống nhất với đề xuất của Chính phủ là chỉ áp dụng quy định đến hết năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Về việc đề xuất trình Quốc hội quyết định “cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia’’, Đoàn Giám sát thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa nội dung này vào Nghị quyết giám sát trình Quốc hội và thực hiện đến hết năm 2025.

Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, chất lượng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh bày tỏ ủng hộ cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy kết quả tích cực của các Chương trình đối với sự nghiệp giảm nghèo, bảo đảm đời sống người dân.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng điều quan trọng là quá trình chuẩn bị các nội dung để bảo đảm quy trình, đồng thời đánh giá chặt chẽ khi thiết kế các nội dung giải pháp để đảm bảo khả thi tạo thay đổi cơ bản, thực chất.

Về việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết việc kéo dài thời gian vốn của năm 2022 sang năm 2024 là không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến, xem xét tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách bày tỏ thống nhất với đề xuất của Đảng giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với lại nguồn vốn này để đến hết năm 2024.

Toàn cảnh Phiên họp. 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, cần nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đây là những biện pháp ngắn hạn để xử lý tình huống trước mắt. Trong thực tiễn giám sát, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức, triển khai, chỉ đạo, thực hiện các quy định, Nghị định, Thông tư, hướng dẫn không chỉ vướng ở một khâu này. Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thể tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đã đề ra.

“Nếu giải ngân không có “van”, có “khóa”, không có kiểm tra, giám sát thì không đảm bảo phân bổ đúng mục đích, dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, lãng phí, do vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ nhất trí với các biện pháp, đề xuất Đoàn giám sát đã đưa ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề thực tế đang đặt ra hiện nay, cần được triển khai để thực hiện hiệu quả các Chương trình này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có sự thay đổi trong cách quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia này, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao vốn cho địa phương chịu trách nhiệm lồng ghép, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư. Hiện nay, chúng ta vẫn quản lý Chương trình này theo hướng rất chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong tổ chức thực hiện, cần phân định rõ giữa khoản đầu tư và khoản hỗ trợ của ngân sách. Đây là một chương trình hỗ trợ người dân, cần có quy định rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy tắc hỗ trợ, nếu ràng buộc bằng các quy định về đầu tư công, quản lý tài sản công thì không phù hợp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm đề xuất sửa các quy định có liên quan đến nguồn hỗ trợ để đảm bảo giám sát chặt chẽ được các nguồn hỗ trợ từ ngân sách, đồng thời có thủ tục phù hợp với từng loại hình, hình thức hỗ trợ, đầu tư…/.

PV