Bảo hiểm y tế: Khẳng định vai trò “điểm tựa” và là người bạn đồng hành tin cậy của người bệnh
01/07/2025 08:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trải qua gần 33 năm hình thành và phát triển, chính sách, pháp luật về BHYT ngày càng được hoàn thiện, mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân đã được tiệm cận. BHXH Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT được triển khai hiệu quả nhất, nhằm đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nhân Ngày BHYT Việt Nam (1/7/2025), Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam về những kết quả nổi bật của BHXH Việt Nam trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
TS. BS Nguyễn Đức Hòa
PV: Chính sách BHYT được Đảng, Nhà nước đưa vào triển khai thực hiện từ năm 1992. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, xin ông cho biết những kết quả nổi bật của BHXH Việt Nam trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT thời gian qua?
TS.BS Nguyễn Đức Hòa: Trải qua hơn ba thập kỷ hình thành và phát triển, chính sách BHYT luôn đóng vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội và thực sự trở thành "điểm tựa" của người tham gia BHYT khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Hệ thống, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Đơn cử có ba thành tựu nổi bật nhất gồm:
Một là, độ bao phủ BHYT tăng nhanh qua từng năm, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Nếu như các năm 2009 và 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số; thì đến năm 2024 đã có trên 95 triệu người tham gia BHYT, với độ bao phủ đạt 94,2% dân số. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 5/2025, toàn quốc đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 96,46% dân số. Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu về độ bao phủ đề ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới (năm 2025 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT). Theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm.
Hai là, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Nếu như năm 2009, cơ quan BHXH ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT với 2.088 cơ sở, thì đến nay, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 3.016, tăng hơn năm 2009 là 928 cơ sở. Ngoài ra, có hơn 10.000 cơ sở là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực… được ký hợp đồng KCB BHYT thông qua các đầu mối.
Cơ hội tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng nhanh. Với hàng chục nghìn dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT…; hàng nghìn hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm vị thuốc đông y, thuốc từ dược liệu bao gồm cả các thuốc tim mạch, điều trị ung thư đắt tiền…; hàng nghìn loại vật tư y tế bao gồm cả vật tư y tế thay thế như: máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo… được quỹ BHYT đảm bảo chi trả cho người tham gia. Phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.
Ba là, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
BHXH Việt Nam đã thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc và đưa Hệ thống Thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động hiệu quả, thống suốt. Qua đó, một mặt kiểm soát được chi phí KCB BHYT, nâng cao hiệu quả công tác giám định, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; mặt khác, thông qua đó đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT. Hiện, đang BHXH Việt Nam tiếp tục hoàn thiện việc số hóa hầu hết các thủ tục tham gia BHYT, cấp thẻ BHYT,… để phục vụ người tham gia BHYT ngày một thuận lợi hơn.
Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT cũng được BHXH Việt Nam vận hành ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; đảm bảo cân đối quỹ bền vững, phục vụ lâu dài cho người dân. Những kết quả này không chỉ góp phần chăm lo sức khỏe Nhân dân mà còn khẳng định vai trò trụ cột của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia và quyết tâm chính trị trong công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.
PV: BHXH Việt Nam luôn là một trong những cơ quan được đánh giá cao về công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Ông có nhận định như thế nào về hiệu quả công tác chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT của cơ quan BHXH?
TS.BS Nguyễn Đức Hòa: Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của BHXH Việt Nam đã mang lại những thay đổi rất rõ nét và tích cực trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công nghệ, từng bước hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ về BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người tham gia và kết nối liên thông với các cơ sở KCB BHYT.
Từ ngày 24/6/2016, Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam chính thức được đưa vào hoạt động, thực hiện kết nối với các cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc. Trung bình mỗi năm, cơ quan BHXH các cấp xử lý trên 180 triệu hồ sơ KCB BHYT qua Hệ thống này. Hoạt động của Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã góp phần thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ của cơ quan BHXH mà cả ngành Y tế, đặc biệt là các cơ sở KCB. Với các thông tin được cập nhật, công khai minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí KCB mỗi năm, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Từ ngày 16/11/2020, BHXH Việt Nam chính thức công bố và đưa vào sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số nhằm thiết lập kênh giao tiếp số, cung cấp cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT các thông tin, tiện ích, thực hiện các dịch vụ công về BHYT một các tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Từ ngày 01/6/2021, người tham gia BHYT được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để làm các thủ tục KCB BHYT. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.
BHXH Việt Nam cũng được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nổi bật là: Phối hợp với Bộ Công an và các cơ sở KCB BHYT triển khai sử dụng đa nền tảng trong KCB BHYT thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử VneID và ứng dụng VssID - BHXH số. Tính đến tháng 6/2025: 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 227,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công, phục vụ làm thủ tục KCB BHYT; toàn hệ thống BHXH đã xử lý 1.796.564 hồ sơ cấp thẻ BHYT trực tuyến cho trẻ em dưới 06 tuổi qua Cổng Dịch vụ công; phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế trong việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử, toàn quốc với 342.542.922 lượt gửi dữ liệu từ các cơ sở KCB BHYT lên Hệ thống của BHXH Việt Nam (trong đó, đã có 245.620.060 lượt tra cứu thành công của hồ sơ khám sức khỏe, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại được liên thông sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tích hợp lên ứng dụng VneID).
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, BHXH Việt Nam liên tục đứng trong top đầu các bộ, ngành về chỉ số chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.
PV: Thưa ông, được biết trong thời gian qua, quỹ BHYT luôn đảm bảo chi trả kịp thời cho người tham gia. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về công tác chi trả, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT thời gian qua của BHXH Việt Nam? Việc chi trả đó đã góp phần hỗ trợ, bảo vệ người tham gia BHYT như thế nào trong bối cảnh chi phí y tế ngày càng gia tăng hiện nay?
TS.BS Nguyễn Đức Hòa: Trong những năm qua, công tác chi trả chi phí KCB BHYT luôn được BHXH Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi KCB chính đáng của người tham gia theo đúng quy định của pháp luật. Quỹ BHYT luôn được quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả và minh bạch. Theo đó, các cơ sở y tế được thanh toán kịp thời, đúng quy định; người có thẻ BHYT giảm gánh nặng tài chính đáng kể khi không may ốm đau, bệnh tật.
Tính riêng trong năm 2024, quỹ BHYT đã chi trả chi phí KCB cho trên 184 triệu lượt người, với tổng số chi BHYT trên 140.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, điều trị dài ngày, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng người có thẻ BHYT chỉ phải chi trả rất ít, hoặc được quỹ BHYT thanh toán toàn bộ chi phí KCB theo đúng mức hưởng. Điều này không chỉ giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế cơ bản, hiện đại, mà còn thể hiện rõ vai trò "điểm tựa" của tấm thẻ BHYT với người tham gia và cả gia đình.
Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí y tế gia tăng, việc chi trả kịp thời, đúng quy định của quỹ BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Quỹ BHYT không chỉ góp phần hỗ trợ tài chính kịp thời cho người bệnh, mà còn tạo điều kiện để các cơ sở KCB được hoạt động ổn định, có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ.
Đơn cử, một người bệnh sinh năm 2019 (tỉnh Hải Dương) đã được quỹ BHYT chi trả cao nhất trong năm 2024 là hơn 4,4 tỷ đồng sau khi được chẩn đoán bệnh chính là "Tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận". Có thể thấy, với chi phí tham gia BHYT chưa đến 1 triệu đồng/ năm, thì chi phí KCB mà quỹ BHYT chi trả không chỉ giúp người bệnh an tâm điều trị lâu dài, được tiếp cận với thuốc đặc trị và các kỹ thuật y học hiện đại, nâng cao hiệu quả điều trị; mà còn góp phần giúp người bệnh và gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính, giảm rủi ro rơi vào “nghèo hóa” vì điều trị bệnh.
Hiện nay, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu KCB của người bệnh với hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Trong bối cảnh giá dịch vụ y tế ngày càng tăng cao (đặc biệt là chi phí điều trị các bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo,…) vai trò của chính sách BHYT ngày càng trở nên thiết thực, quan trọng đối với người tham gia. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn người dân chủ động và tích cực tham gia, duy trì thẻ BHYT liên tục, để khi chẳng may ốm đau, bệnh tật có quỹ BHYT cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn.
PV: Được biết, từ ngày 01/7/2025, nhiều chính sách mới về BHYT được quy định tại Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT năm 2024 ) có hiệu lực thi hành. Xin ông cho biết, Luật BHYT năm 2024 này sẽ có tác động như thế nào đối với công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong thời gian tới?
TS.BS Nguyễn Đức Hòa: Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách BHYT theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia và phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Luật BHYT năm 2024 sẽ góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các nhóm người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường tính bền vững của quỹ BHYT,….
Luật BHYT năm 2024 có nhiều điểm mới quan trọng, sẽ tạo ra những tác động tích cực đến quá trình thực hiện chính sách BHYT trong thời gian tới. Trước hết, Luật đã mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhất là nhóm bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo. Cụ thể, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, điều trị nội trú chuyên sâu sẽ được quỹ BHYT chi trả 100%, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh. Ngoài ra, việc BHYT chi trả cả cho dịch vụ KCB tại nhà, từ xa, phục hồi chức năng… là bước tiến rất nhân văn, phù hợp với xu hướng y tế hiện đại. Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi cơ chế tham gia BHYT hộ gia đình theo hướng thuận lợi hơn, khuyến khích sự tham gia tự nguyện, chủ động của người dân, nhất là các nhóm ngoài khu vực chính thức.
Đặc biệt, Luật cũng quy định rõ hơn về các giải pháp quản lý quỹ BHYT an toàn, bền vững, gắn với đổi mới phương thức chi trả, nâng cao hiệu quả quản lý chi phí KCB. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý BHYT, kết nối dữ liệu đồng bộ giữa BHXH Việt Nam, ngành Y tế và các cơ sở KCB tiếp tục giúp việc quản lý chi phí KCB BHYT được minh bạch, hiệu quả.
Có thể nói, những điểm mới của Luật lần này tiếp tục củng cố các cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người tham gia, hướng tới hoàn thiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, hiện đại.
PV: Nhân dịp kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam (1/7), ông có thông điệp gì muốn gửi tới người dân, cũng như các cấp, ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT, thưa ông?
TS.BS Nguyễn Đức Hòa: Có thể khẳng định rằng, sau nhiều năm triển khai, chính sách BHYT đã ngày càng khẳng định được vai trò trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giúp hàng chục triệu người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm bớt gánh nặng tài chính khi không may ốm đau, bệnh tật. Tỷ lệ bao phủ BHYT hiện đã tiệm cận mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Điều này là minh chứng cho sự chung tay, vào cuộc chủ động và tích cực trong toàn xã hội đối với công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo và toàn bộ viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như sự đồng thuận, ủng hộ từ các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội để chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân.
Tôi mong rằng, mỗi người dân hãy tiếp tục tham gia BHYT, đảm bảo duy trì qua trình tham gia BHYT liên tục cho bản thân và gia đình để được hưởng các quyền lợi đầy đủ, nhân văn của chính sách BHYT. Đây chính là sự bảo vệ thiết thực nhất cho người dân khi chẳng may ốm đau, bệnh tật, đồng thời cũng thể hiện sự sẻ chia với cộng đồng, sự tương trợ nhân văn của mỗi người dân, góp phần xây dựng quỹ BHYT bền vững, gia tăng cơ hội điều trị, đảm bảo sức khỏe cho nhiều người bệnh có thẻ BHYT. Đề nghị các cơ sở KCB BHYT tiếp tục quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng và quyền lợi chính đáng của người bệnh.
Chúng tôi luôn xác định phương châm hoạt động, lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách làm trung tâm phục vụ và cam kết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với ngành Y tế và các Bộ ngành liên quan để hoàn thiện lộ trình hướng tới mục tiêu miễn viện phí toàn dân theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và sự mong đợi của người dân cả nước. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng, cân đối quỹ BHYT, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong tổ chức thực hiện BHYT nhằm đáp ứng tốt hơn sự mong đợi, tin tưởng của Nhân dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chi tiết >>
Những điểm mới của chính sách BHXH tự nguyện theo ...
Những đối tượng mới tham gia BHXH bắt buộc theo ...
Video Đại hội đại biểu Đảng bộ BHXH Việt Nam lần ...
Từ ngày 01/7/2025: Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài chính
BHXH khu vực I: Phát động cuộc thi, tổ chức tọa đàm, tặng ...
BHXH Khu vực XI: Đồng hành, bảo đảm quyền lợi của người ...
Đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia, thụ hưởng BHXH, ...
BHXH Việt Nam: Sẵn sàng triển khai nhiệm vụ phục vụ chính ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?