Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai ngoại giao kinh tế
10/03/2023 08:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều tối 9/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với đầu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ tưởng các ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Báo cáo về công tác ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong năm 2023 và thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế tập trung vào sáu trọng tâm gồm: tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị số 15-CT/TW và Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm trong các hoạt động của Lãnh đạo Cấp cao; đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học - công nghệ... với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập và liên kết quốc tế; chú trọng tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu và đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh sáng tạo, nâng cao hiệu quả để tạo chuyển biến thực chất trong triển khai ngoại giao kinh tế.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng với lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận sâu rộng, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Theo đó, các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy ngoại giao kinh tế cần sự liên kết, gắn kết giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp; có cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều để thường xuyên thảo luận trao đổi các vấn đề cần giải quyết; mở rộng hợp tác với các nước, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới mà Việt Nam có thế mạnh và các đối tác có nhu cầu và phải xác định được các trọng tâm, trọng điểm đối với các lĩnh vực, thị trường; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút đầu tư...
Hội nghị trực tuyến đến các điểm cầu trong và ngoài nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, cơ bản nhất trí báo cáo trung tâm và ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu tại hội nghị vì mục tiêu xây dựng đất nước hung cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trong bối cảnh thế giới rất nhiều khó khăn, thách thức, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được thực hiện đúng hướng, triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, thực chất, là một điểm sáng trong thành công chung của cả nước.
Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh toàn diện với tất cả các nước lớn và hầu hết các đối tác chủ chốt với nội dung thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu. Đối ngoại đa phương đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Đặc biệt, ngoại giao vaccine góp phần quan trọng tạo “lá chắn” bảo vệ sức khỏe Nhân dân trước dịch bệnh. Đất nước từng bước chủ động, linh hoạt chuyển trọng tâm sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, ngoại giao kinh tế chuyển biến mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng.
Theo Thủ tướng, có được kết quả trên là nhờ có cách tiếp cận đúng; bám sát chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; bám sát yêu cầu thực tiễn quốc tế và trong nước, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đề cao sự chân thành, cầu thị, chia sẻ, bao dung. Bên cạnh đó, có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; giữa ngoại giao kinh tế với các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ; giữa song phương và đa phương...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cùng với phân tích tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khan, thách thức trong năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện ngoại giao kinh tế phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chương trình, đề án khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
“Quan trọng là các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp phải căn cứ tình hình, chức năng nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch của mình, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chương trình, của Đảng, Nhà nước bằng những việc làm cụ thể; trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ”, trong bất cứ hoàn cảnh nào các chủ thể có liên quan đều phải có trách nhiệm để cùng nhau vượt qua”, Thủ tướng nhắc nhở.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước; tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại và tích cực bám sát, đôn đốc, triển khai các thỏa thuận, nội dung hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác; tổ chức thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu, bám sát diễn biến thực tiễn; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
Cùng với đó, tận dụng hiệu quả mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA); mở rộng thị trường sang khu vực mới và nghiên cứu thiết lập các khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại lâu dài, ổn định với các đối tác tiềm năng; chủ động nắm bắt cơ hội thị trường, thông tin về các mặt hàng nước bạn có nhu cầu và ta có khả năng xuất khẩu, kịp thời phổ biến các quy định mới về thương mại của sở tại cho doanh nghiệp và người sản xuất; tăng cường xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Thủ tướng, phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ thu hút đầu tư chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia, tranh thủ xu thế chuyển dịch và nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trên cơ sở bảo đảm yếu tố phát triển bền vững, ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, các dự án có giá trị gia tăng cao, phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh; tiếp tục thúc đẩy các ngành kinh tế đối ngoại, nhất là du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động; tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, tiếp tục chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược; đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng các xu thế mới của kinh tế thế giới và cách mạng khoa học - công nghệ; cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai ngoại giao kinh tế, đặc biệt là tăng cường gắn kết giữa các trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa các cơ quan đối ngoại Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp; trong nước với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa, quốc phòng - an ninh; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển, trong đó có phục vụ giao giao kinh tế...
Đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đối ngoại với trọng tâm là ngoại giao kinh tế; tập trung truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam. Trong đó, khẳng định Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đối với việt Nam, càng khó khăn càng đoàn kết; càng áp lực, càng nỗ lực.
Các Cơ quan đại diện làm cho bạn bè quốc tế biết về đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; trước mắt thực hiện 3 đột phá chiến lước gồm: hạ tầng, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với đó, Việt Nam kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đồng thời cam kết duy trì môi trường kinh doanh ổn định nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, trong đó, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục tin tưởng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng nhau thúc đẩy phát triển, cũng như tháo gỡ khó khan, vướng mắc phát sinh, đảm bảo thấu tình đạt lý, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp…
Theo TTXVN
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Toàn Ngành BHXH Việt Nam hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
Phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin “Giám định bảo ...
BHXH Việt Nam: Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?