Cần có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp khó thi hành án nợ BHXH

24/04/2019 05:10 PM


Nằm trong chuỗi hoạt động Tháng Công nhân 2019, Đoàn giám sát của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam do ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh vào ngày 23/4.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát (nguồn internet)

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, các ý kiến cho rằng, dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng nhận thức của một số chủ doanh nghiệp và kỹ năng hoạt động của một số cán bộ Công đoàn cơ sở ở vài nơi vẫn còn hạn chế, dẫn đến tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc chưa cao, chất lượng các thỏa ước lao động tập thể có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, tỉ lệ thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp còn thấp, tình trạng doanh nghiệp vi phạm luật lao động, Luật BHXH còn phổ biến nhưng chưa được xử lý rốt ráo ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Công đoàn TP.Hồ Chí Minh đã kiện thành công một số vụ nợ BHXH. Tuy nhiên, việc khó thi hành án do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, trong khi tài sản không còn nên dù thắng kiện, người lao động ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng, trong khi Công đoàn chỉ có thể chăm lo cho họ bước đầu. Vì vậy, cần phải có biện pháp cụ thể để xử lý trong những trường hợp như vậy.

Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc bảo vệ cán bộ Công đoàn cũng là một vấn đề lớn. Dù luật đã có các quy định về bảo vệ cán bộ Công đoàn nhưng rất khó áp dụng trong thực tế. Điều này khiến cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở khó có thể thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Từ thực tế này, ông Vũ đề nghị tổ chức Công đoàn Việt Nam dành riêng khoản chi phí để làm công tác bảo vệ cán bộ trong những trường hợp bị xử ép.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh, trong giai đoạn này, nhất là khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, tổ chức Công đoàn phải tiên phong đổi mới, trong đó tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo, đại diện, bảo vệ đoàn viên. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, Tổng LĐLĐ đồng tình với kiến nghị của TP.Hồ Chí Minh và sẽ nghiên cứu thành lập Quỹ Bảo vệ cán bộ Công đoàn (với nguồn kinh phí bằng 2%), là chỗ dựa để cán bộ Công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Cũng trong chuỗi hoạt động giám sát, trước đó, Đoàn giám sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có buổi giám sát hoạt động của Công đoàn cơ sở tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh./.

PV