Thủ tục cấp, cấp lại, đổi thẻ BHYT theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP

29/01/2019 03:15 PM


Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 7291/QĐ-BYT về việc công bố TTHC mới trong lĩnh vực BHYT, thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế - được quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.

Quy trình, thủ tục cấp lại, đổi thẻ BHYT theo Nghị định 146 thuận lợi hơn với người dân (Ảnh minh họa).

Theo đó, Quyết định số 7291/QĐ-BYT sẽ được công bố cùng 9 TTHC mới ban hành, gồm: Cấp thẻ BHYT lần đầu; cấp lại thẻ BHYT; đổi thẻ BHYT; thủ tục KCB BHYT; ký hợp đồng KCB BHYT lần đầu; ký hợp đồng KCB BHYT đối với cơ sở KCB được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung chức năng, nhiệm vụ, phạm vi chuyên môn, hạng BV trong việc thực hiện KCB; ký hợp đồng KCB BHYT hàng năm; thanh toán chi phí KCB giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH; thanh toán trực tiếp chi phí KCB giữa cơ quan BHXH và người tham gia BHYT.

Thủ tục cấp thẻ BHYT

Cụ thể, đối với thủ tục cấp thẻ BHYT được thực hiện trực tiếp tại cơ quan BHXH tỉnh, huyện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia BHYT. Thành phần hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (của tổ chức, cá nhân đối với người tham gia BHYT) do BHXH Việt Nam ban hành và Danh sách đối tượng tham gia BHYT của tổ chức, cá nhân lập theo Mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP; Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình và Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT lập theo Mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Đối với người tham gia BHYT lần đầu ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT và Mẫu số 2 hoặc Mẫu số 3 (đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình) ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP cho các nhóm đối tượng sau:

1. Người sử dụng lao động lập danh sách tham gia BHYT cho người lao động quy định tại Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

2. Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 15 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

3. Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 1 Điều 1; khoản 13 Điều 3 và Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

4. Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH căn cứ giấy ra viện do cơ sở KCB nơi người hiến bộ phận cơ thể cấp cho đối tượng này để cấp thẻ BHYT.

5. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng quy định tại Điều 2; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 16, 17 Điều 3; các khoản 1, 2, 4 Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Bước 2: Người tham gia BHYT nộp cơ quan BHXH và chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Bước 3: Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT; ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và ký (vào ô người tiếp nhận hồ sơ và đưa Mẫu 4 tới người tham gia BHYT ký vào ô người nộp hồ sơ).

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức BHYT phải chuyển thẻ BHYT cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia BHYT.

Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc.

Thẻ BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định của Luật BHYT. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.

Thủ tục cấp lại thẻ BHYT

Đối với thủ tục cấp lại thẻ BHYT, gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT do BHXH Việt Nam ban hành; giấy tiếp nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146). Trường hợp thẻ BHYT được cấp lại khi người tham gia BHYT bị mất thẻ; trường hợp thẻ BHYT bị lỗi do cơ quan BHXH hoặc cơ quan lập danh sách. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Khi tiến hành thủ tục đổi thẻ BHYT, người tham gia BHYT ghi thông tin vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT do BHXH Việt Nam ban hành và nộp hồ sơ tại bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH tỉnh, huyện nơi đăng ký, chờ ký trong giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146).

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người tham gia BHYT cần cấp lại thẻ BHYT đến cơ quan BHXH tỉnh, huyện; ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (do BHXH Việt Nam ban hành); nộp bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện; chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Bước 2: Cơ quan BHXH

- Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT; ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và ký (vào ô người tiếp nhận hồ sơ và đưa Mẫu 4 tới người tham gia BHYT ký vào ô người nộp hồ sơ).

- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp lại thẻ BHYT, cơ quan BHXH phải cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia BHYT.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua đường bưu điện.

Thẻ BHYT được cấp lại cho người tham gia BHYT.

Đổi thẻ BHYT

Thủ tục đổi thẻ BHYT được thực hiện trực tiếp tại cơ quan BHXH tỉnh, huyện cho các tổ chức, cá nhân, thành viên hộ gia đình tham gia BHYT. Thành phần hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT BHXH Việt Nam ban hành; Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đổi thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Thẻ BHYT (Rách, nát hoặc hỏng; Thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu; Thông tin ghi trong thẻ không đúng).

Thẻ BHYT được đổi trong trường hợp: Rách, nát hoặc hỏng; Thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu; Thông tin ghi trong thẻ không đúng.

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Người tham gia BHYT cần đổi thẻ BHYT đến cơ quan BHXH tỉnh, huyện; ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT do BHXH Việt Nam ban hành; nộp bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện; chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Bước 2:

- Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT, ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đổi thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và ký (vào ô người tiếp nhận hồ sơ và đưa Mẫu 4 tới người tham gia BHYT ký vào ô người nộp hồ sơ).

- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Tổ chức BHYT phải đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT.

Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua đường bưu điện.

Trong thời gian chờ đổi thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT./.

PV