Kiến nghị có hỗ trợ với sinh viên mới ra trường nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp

29/01/2019 03:06 PM


Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn số 194/LĐTBXH-VP gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, theo cử tri tỉnh Đồng Nai, hiện nay, tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp khó xin được việc làm, vì phần lớn các nhà tuyển dụng đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cần tuyển dụng thì họ mới tuyển dụng. Do vậy, cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần có chính sách pháp luật, biện pháp tuyên truyền để các doanh nghiệp, người sử dụng lao động hiểu rõ và có sự hỗ trợ trong việc tuyển dụng đối với sinh viên mới ra trường, nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp xảy ra.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, vấn đề thất nghiệp của thanh niên, nhất là sinh viên tốt nghiệp ra trường là vấn đề mà xã hội đang hết sức quan tâm. Mỗi năm, cả nước có khoảng 600.000-700.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm (Bản tin thị trường lao động hàng quý đều công bố có khoảng 150.000-200.000 lao động có trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp, trong đó có không ít sinh viên mới tốt nghiệp ra trường). Số lượng liên tục được bổ sung thêm vào thị trường lao động, trong khi số thất nghiệp gần như không đổi (quý III/2018 đã có xu hướng giảm), chứng tỏ thị trường lao động vẫn tiếp nhận và sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường. Vấn đề chính ở đây là tìm việc khó khăn và làm việc trái ngành nghề.

Nguyên nhân chính do chất lượng dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; cơ cấu đào tạo chưa hợp lý; chất lượng đào tạo còn thấp, chưa gắn hoặc chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên còn hạn chế; một bộ phận thanh niên, sinh viên chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm; thiếu các kỹ năng làm việc, tìm việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng lao động với yêu cầu kinh nghiệm, điều mà hầu hết lao động trẻ nói chung và sinh viên mới ra trường nói riêng còn thiếu.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm cho các DN; đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể như: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của DN, thị trường; có chính sách khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề; tăng thời lượng thực hành, thực tập tại DN, giúp sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được việc làm sớm và tham gia ngay vào quá trình sản xuất; nâng cao chất lượng phân tích, dự báo cung - cầu lao động, tạo cơ sở cho việc đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, sinh viên tốt nghiệp, rút ngắn thời gian thất nghiệp và tìm việc làm của nhóm này.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt là tư vấn lựa chọn ngành nghề, việc làm, kết nối cung - cầu, rút ngắn thời gian tìm việc và thời gian tuyển dụng. Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; đưa một bộ phận lao động trẻ đi làm việc ở các thị trường tốt với thu nhập, trình độ cao và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này khi về nước.

Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm và tính chủ động trong việc làm của thanh niên, sinh viên./.

PV