Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT

27/12/2017 02:24 PM


Chiều ngày 25/12/2017, BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trao đổi, đánh giá về công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhận định những khó khăn thách thức và đề xuất các giải pháp tháo gỡ từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện.

Quang cảnh Tọa đàm.

Tham gia trao đổi tại buổi Tọa đàm có Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bắc Ninh Trần Thị Hằng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương; PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, ĐBQH TP Hà Nội; Tiến sĩ Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; TS.BS Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.

Các vị khách mời cùng trao đổi, đưa ra những đánh giá về công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trong năm 2017 với nhiều kết quả tích cực. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn thông tin về những kết quả đạt được của Ngành trong thời gian vừa qua. Cụ thể, hiện có trên 13,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện, trên 81 triệu người tham gia BHYT – đạt tỷ lệ bao phủ 86,4% dân số, vượt 03% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1167-QĐ/TTg. Trong năm 2017, BHXH Việt Nam xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đang cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; giảm từ 115 thủ tục hành chính năm 2016 xuống còn 28 thủ tục trong năm 2017. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chỉ số xếp hạng về thu thuế và BHXH, Việt Nam hiện đứng 68/190 nước, tăng 80 bậc so với năm trước....

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.

Sau khi Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn thông tin về những kết quả đạt được của Ngành, các đại biểu đã cùng thảo luận, nêu ra những khó khăn cũng như đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng nhận định: Chiến lược phát triển Ngành BHXH đến năm 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% tham gia BH thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tham gia BHXH của người lao động vẫn rất thấp so với tổng số lực lượng lao động cả nước. Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp. Đến hết năm 2014, cả nước có gần 4.415 triệu người từ 55 tuổi trở lên hưởng an sinh tuổi già (gồm 2,2 triệu người hưởng chế độ hưu trí, 1,6 triệu người già trên 80 tuổi và 670.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp tuổi già). Tỉ lệ người hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng khoảng 3% dân số, nhưng đời sống còn khó khăn do mức trợ cấp thấp. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện Luật BHXH gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện mức độ tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt 60%- 70% so với quy định pháp luật… Những điều này đặt ra rất nhiều thách thức cho việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp xây dựng chính sách và qua giám sát, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng: Chúng ta đang đứng trước những thách thức hết sức khó khăn đối với 2 chính sách về an sinh xã hội. Đối với BHXH, thách thức lớn nhất là độ bao phủ. Trong khu vực có quan hệ lao động hiện nay, gọi là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH nhưng mới có được gần 14 triệu người tham gia và mới đáp ứng được 60 - 70% tổng lực lượng lao động đang làm việc. Vẫn còn 5 - 6 triệu người thuộc đối tượng này không tham gia. Đây là thách thức quá lớn, buộc chúng ta phải có giải pháp tích cực. Hiện nay, chúng ta có 70% lực lượng lao động phi chính thức, nhưng chỉ có 250 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện.

Thách thức thứ hai là từ 1.1.2018, bắt đầu áp dụng một số đối tượng phải thực hiện chính sách xã hội: người lao động từ một tháng trở lên có hợp đồng lao động, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia vào chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phân tích thêm: Diện bao phủ BHXH của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ lao động hưởng BHXH một lần cao, tỷ lệ đóng và hưởng đang có độ vênh dẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH; chính sách pháp luật về BHYT, BHXH chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chế tài xử lý vi phạm còn bất cập và ý thức chấp hành của doanh nghiệp, ý thức tham gia của người dân chưa cao; làm thế nào để giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; bảo đảm cân đối Quỹ BHXH, BHYT…

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương: Giải pháp quan trọng nhất phải xuất phát từ chính nội tại của cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH, BHYT cần rà soát, đánh giá và từ đó đưa ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thay đổi, lấp đầy những lỗ hổng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Còn đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đưa ra 04 vấn đề “cần” là: Cần tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về BHYT, BHXH; cần làm rõ cho người dân hiểu được đâu là vấn đề có tính chất ngắn hạn, đâu là vấn đề có tính chất dài hạn, đâu là vấn đề chia sẻ và đâu là vấn đề không chia sẻ; cần rà soát lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT; cần kiện toàn tổ chức; cần tiếp tục đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, kiện toàn một cách hết sức chặt chẽ, đầy đủ các hệ thống dữ liệu về các đối tượng chính sách để chúng ta triển khai kết nối mạnh mẽ hơn nữa.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ở góc độ của cơ quan lập pháp, TS. Bùi Sĩ Lợi đưa ra 02 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là về xây dựng pháp luật: Rà soát toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật trong hệ thống an sinh xã hội. Trong đó cần có hai lưu ý quan trọng là Luật BHXH và Luật BHYT để có thể xử lý vướng mắc và tạo ra sự năng động, linh động với mục tiêu mở rộng đối tượng bao phủ, giúp BHXH bao phủ như BHYT, làm sao tiến tới BHXH, BHYT toàn dân. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải lấy chất lượng để tạo sự hài lòng, để độ hấp dẫn của BHXH, BHYT mang lại hiệu quả. Thứ hai là coi việc mở rộng đối tượng, thực hiện chính sách an sinh xã hội phải là trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước bảo hộ. Đừng để tình trạng người dân nói là tham gia BHXH không bằng gửi tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua BHYT không bằng tự đi khám chữa bệnh.

Phải thiết lập một sàn an sinh xã hội, và trong BHXH gọi là sàn lương hưu tối thiểu; trong BHYT gọi là nhóm dịch vụ tối thiểu cơ bản để chăm sóc cho người dân. Công tác truyền thông phải thay đổi tích cực hơn nữa để người dân nhận thức được rõ bản chất nhân văn và lợi ích thiết thực của BHXH, BHYT.

Từ góc nhìn của cơ quan tổ chức thực hiện, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Thời gian tới, để vượt qua những khó khăn được được dự báo, công tác truyền thông sẽ tiếp tục được cơ quan BHXH đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trước những yêu cầu mới; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tiến tới sẽ cấp thẻ BHYT điện tử…. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kiến nghị: Chính sách, pháp luật cần được xây dựng để thu hút, hấp dẫn người dân tham gia tích cực hơn, nhất là với BHXH tự nguyện. Các điều chỉnh chính sách, quy định mới cũng cần được thực hiện theo lộ trình, qua đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai trong thực tiễn của cơ quan BHXH./.

PV