Tiếp tục điều hành đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô
27/12/2017 02:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 26/12 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp quý IV/2017 của Hội đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp quý IV/2017 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Các thành viên Hội đồng đánh giá, cả nước đã hoàn thành và vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, là năm thành công về các chỉ số kinh tế vĩ mô với các kỷ lục mới như: Kim nghạch xuất nhập khẩu đạt mức 410 tỷ USD, xuất siêu gần 3 tỷ USD; kỷ lục về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân vốn đầu tư, chỉ số thành lập doanh nghiệp (có hơn 120.000 doanh nghiệp thành lập mới); thu hút gần 13 triệu khách du lịch. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tốt với động lực dẫn dắt là công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc; chất lượng tăng trưởng có dấu hiệu cải thiện…
Hội đồng đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt thận trọng, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khoá.
Về chính sách tiền tệ, Hội đồng khuyến cáo Chính phủ, mà trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, giải quyết mối quan hệ giữa lãi suất huy động và cho vay, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Cung ứng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế, quản lý chặt chẽ cơ cấu (tín dụng dài hạn-ngắn hạn, tín dụng nội tệ - ngoại tệ, giữa các lĩnh vực ưu tiên và quản lý rủi ro, kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho bất động sản) và chất lượng tín dụng.
Hội đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam theo hướng kiểm soát tốt tín dụng tiêu dùng.
Về nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thì tăng cường củng cố vốn cho các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại Nhà nước trong năm 2018.
Đánh giá năm 2018 kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cho biết, thị trường tài chính, chứng khoán dự báo sẽ có điều chỉnh; các bất ổn địa-chính trị và bảo hộ mậu dịch cần được Chính phủ nhìn nhận, đánh giá kỹ trong điều hành chính sách vĩ mô.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị Chính phủ làm rõ các khó khăn trong năm 2017 là cân đối ngân sách Trung ương, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, kỷ cương, kỷ luật tài khóa và hiệu lực của chính sách còn yếu… để từng bước khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, Chính phủ cần ưu tiên chống thất thu thuế, mở rộng cơ sở thuế hơn là tăng mức thu thuế; tích cực khẩn trương lập dự toán thu ngân sách trên cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội; thực hiện chi theo dự toán và mức độ thu ngân sách; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong huy động trái phiếu Chính phủ; sớm sửa Luật Đầu tư công, xử lý hài hoà mối quan hệ của các bên trong hình thức hợp tác đối tác công-tư, tăng cường trách nhiệm giải trình.
Về thị trường vốn, Chính phủ cần có động thái phát triển thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, chống các giao dịch nội gián và giao dịch làm giá trên sàn giao dịch chứng khoán, khẩn trương hoàn thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Theo VGP
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...