An sinh xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc khu vực Tây Nguyên
19/11/2017 01:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 18/11, tại Gia Lai, BHXH Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”.
Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn và Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn đồng chủ trì Hội thảo.
Đoàn chủ trì Hội thảo.
Đạt được nhiều kết quả
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh, chiếm 16,8% diện tích tự nhiên cả nước với trên 5,5 triệu dân, 47/54 thành phần dân tộc, trong đó 46 dân tộc thiểu số với gần 2 triệu người. Tính đến ngày 30/9/2017, khu vực Tây Nguyên có 335,6 nghìn người tham gia BHXH, chiếm khoảng 12% so với lực lượng lao động trong khu vực. Trong đó: Có 329 ngàn người tham gia BHXH bắt buộc; 6,6 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ trọng 2,97% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước, tăng 955 người so với năm 2016. Số người tham gia BHYT của 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên là 4,7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,6% so với dân số khu vực, vượt 1,4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 221 ngàn người (tương ứng tăng 6,5% so với năm 2016), chiếm tỷ trọng 6% so tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Trong đó, có 588 ngàn người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm tỷ trọng khoảng 4,48%/ tổng số người tham gia BHYT HGĐ cả nước). Trong đó, có 03 tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Gia Lai (88%), Kon Tum (90,1%), Đắk Lắk (81,7%).
Thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở khu vực Tây Nguyên, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, đạt được kết quả đó là do có sự tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn; ban hành Kế hoạch và tăng cường quán triệt, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT; coi công tác phát triển đối tượng tham gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, được đưa vào chỉ tiêu kinh tế - tế hội hàng năm để Hội đồng nhân dân các cấp thông qua, ban hành thành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2014 đã mở ra rất nhiều chính sách thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, như: Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện; không quy định trần tuổi đóng BHXH tự nguyện, hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng; linh hoạt trong phương thức đóng…; Các Sở, ngành có liên quan đã phối hợp chặt chẽ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và tích cực vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Các cơ quan quản lý đối tượng đã phối hợp kịp thời cùng cơ quan BHXH trong thực hiện lập danh sách đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Nhận thức của nhân dân, người lao động cũng được nâng cao hơn do làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến từng khu phố, được đổi mới hình thức, nội dung phù hợp hơn.
Điều đó cũng thể hiện nỗ lực của cơ quan BHXH trong tổ chức công tác phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương; thực hiện tốt phân cấp quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho BHXH cấp huyện; Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính của cơ quan BHXH, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hồ sơ đăng ký tham gia BHXH, BHYT, thực hiện giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa BHXH phục vụ người tham gia và thụ hưởng chế độ thuận tiện nhất. BHXH các tỉnh thực hiện mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT, tổ chức mạng lưới nhân viên đại lý, các điểm thu rộng rãi đến các cấp xã, mỗi xã có từ 02 đại lý, điểm thu trở lên. Kịp thời đào tạo, phổ biến chính sách, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT.
Còn nhiều khó khăn
Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng nhấn mạnh, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng tại Tây Nguyên đã đạt được kế hoạch Chính phủ và BHXH Việt Nam giao, tỷ lệ bình quân chung đạt cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước, tuy nhiên, về số tuyệt đối còn thấp so với tiềm năng, tỷ lệ số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp (khoảng 12%); số người tham gia BHYT chủ yếu thuộc nhóm đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng (chiếm 82%) nên thiếu tính bền vững, tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ gia đình mới đạt 11% trên tổng số đối tượng tham gia BHYT, còn lại số người chưa tham gia BHYT.
Phân tích nguyên nhân chủ yếu, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, do đặc điểm địa hình vùng cao, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại xa, khó khăn, khí hậu 2 mùa; kinh tế trong khu vực đang được đầu tư, hình thành và phát triển; văn hóa tỉ lệ người dân chưa biết đọc, biết viết còn cao nên chưa hiểu đẩy đủ về chính sách, thiếu thông tin về chính sách pháp luật. Việc làm, thu nhập của người dân chủ yếu làm nương, rẫy, trồng trọt; tính chất công việc chủ yếu theo mùa, vụ; do vậy việc làm không thường xuyên, thu nhập thấp, không ổn định; điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Quang cảnh Hội thảo.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện; một số nơi chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; mới chỉ tập trung vào đối tượng được nhà nước đóng, hỗ trợ đóng. Công tác tuyên truyền đã được quan tâm nhưng phương pháp, nội dung tuyên truyền chưa phù hợp với đặc thù văn hóa vùng miền, chưa tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng nên chưa làm chuyển biến được nhận thức của người dân, để người dân thấy được hệ thống an sinh xã hội của nước ta, nên chưa đạt hiệu quả sát với tiềm năng. Người dân chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Hệ thống đại lý thu, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, các điểm thu còn thiếu, còn xa khu dân cư, thiếu thông tin; thủ tục hành chính cũng còn nhiều bất cập...
Phó Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Lan đưa ra một số kiến nghị: Phải đặt công tác tuyên truyền là trọng tâm, bằng nhiều hình thức vừa đối thoại trực tiếp, vừa hình ảnh phù hợp từng đối tượng, dễ hiểu, dễ thấy; Tiếp tục phát huy vai trò, kinh nghiệm của Hội Nông dân các cấp cũng như vai trò của các Đại lý thu BHXH, BHYT trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình Hội viên, đoàn viên các cơ quan đoàn thể; cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện; đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương bảo đảm tính ổn định, bền vững; mở rộng hệ thống Đại lý thu BHXH, BHYT; ngành y tế tập trung nâng cao chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tại các cơ sở KCB BHYT…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận tập trung vào thực trạng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình... Ý kiến của người thụ hưởng BHYT, người lao động tham gia BHXH tự nguyện, vai trò của già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia BHXH, BHYT.... Từ đó, tìm ra những giải pháp hiệu quả đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực Tây Nguyên để người dân trong khu vực có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT; từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT khu vực Tây Nguyên đã được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện. Và đáng chú ý là toàn bộ hoạt động của ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương đã thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Chính điều này đã góp phần đảm bảo để việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu kết luận Hội thảo.
Cùng với việc khẳng định những kết quả đã đạt được trong công tác mở rộng độ bao phủ BHYT và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, các đại biểu còn chỉ rõ những khó khăn, trở ngại, những hạn chế bất cập trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở khu vực Tây Nguyên.
Để khắc phục tình trạng này, bước hướng tới việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu về BHXH, BHYT, mà Nghị quyết số 21NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, góp phần tạo an sinh xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng trong thời gian tới, cần phải tập trung triển khai một số giải pháp.
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết quan trọng này trong 5 năm qua, và đề ra giải pháp cho giai đoạn từ nay đến năm 2020. Ngay trong cuối năm, đề nghị BHXH các tỉnh phải chủ động, kịp thời tham mưu, báo cáo với cấp ủy và đề xuất với HĐND các cấp đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thành chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2018. Đồng thời, kiến nghị để cấp ủy Đảng các cấp coi nội dung này là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về BHXH, BHYT tại địa phương.
Hai là, BHXH các địa phương, cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư; tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Ủy ban dân tộc và các tổ chức Đoàn thể các cấp, cũng như vai trò của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín và Đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình, từng nhóm đối tượng. Đồng thời, quan tâm tới nhóm đối tượng đích là những người lao động khu vực nông thôn, người dân có tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: kinh doanh, dịch vụ tại các đô thị, các khu du lịch, lao động tự do, lao động trong các làng nghề, Hợp tác xã… có mức thu nhập ổn định, và các gia đình có thu nhập từ sản xuất kinh tế trang trại, đồi rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…
Ba là, chủ động hơn nữa việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của Ủy ban Dân tộc; cũng như của các đoàn thể, các đại lý thu BHXH và đặc biệt là các Già làng, Trưởng bản, người có uy tín tại mỗi địa phương và ở từng địa bàn dân cư.
Bốn là, cùng với BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách nhất là ban hành những quy định để đảm bảo việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền lợi mà người tham gia BHXH, BHYT được thụ hưởng. Kịp thời xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước ta về an sinh xã hội./.
TA
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh