Nhìn lại 9 năm triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản liên quan
16/11/2017 12:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực ngày 1/1/2007.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Luật Phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 chương và 50 điều quy định về hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS bao gồm: các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Luật Phòng, chống HIV/AIDS là văn bản pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS các cơ quan đã 60 văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên hiện này còn 46 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực được ban hành trong giai đoạn 2007-2016. Theo đánh giá của Bộ Y tế, nhìn chung, công tác ban hành văn bản hướng dẫn Luật phòng, chống HIV/AIDS tương đối kịp thời và đầy đủ. Bên cạnh đó, mặc dù Luật không có quy định giao cho các Bộ, ngành hướng dẫn nhưng để đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước về truyền thông và huy động cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong việc phối hợp liên ngành để tổ chức thực hiện Luật, liên bộ đã ban hành một số văn bản như Thông tư liên tịch số 20/2010/TTLT-BTTTT-BYT ngày 20/8/2010 về việc hướng dẫn việc ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, Thông tư liên tịch 29/2013/TTLT-BVHTTDL-BYT-BCA-BLĐTBXH ngày 30/9/2013 hướng dẫn việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Ngoài ra, tính kịp thời trong ban hành văn bản còn thể hiện ở việc ban hành văn bản thay thế khi có sự thay đổi về chính sách pháp luật như Thông tư số 42/2013/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2013/TT-BYT ngày 24/5/2013 hướng dẫn bảo đảm chất lượng thực hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV và điều kiện đối với cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế…
Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước khi có Luật để bảo đảm tính phù hợp với văn bản cấp trên mới ban hành và yêu cầu thực tiễn chưa thực sự kịp thời. Chẳng hạn như các văn bản quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp tại Điều 46 và chế độ đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở y tế của Nhà nước, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trại giam, trại tạm giam tại Điều 47 còn chậm ban hành các văn bản thay thế các văn bản đã được ban hành trước khi Luật phòng, chống HIV/AIDS được ban hành.
Tính chưa kịp thời trong việc ban hành các văn bản còn thể hiện ở việc nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc Luật đã quy định nhưng chưa rõ ràng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động truyền thông và huy động cộng đồng chưa được hướng dẫn kịp thời. Ví dụ: Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định "Cơ quan, tổ chức có hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS đối với người lao động, người đi học" (Khoản 4 Điều 16) nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đối với người đi lao động, học tập tại nước ngoài. Cơ sở pháp lý quan trọng năng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng, chống HIV/AIDS Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truyền thông và huy động cộng đồng gồm Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản dưới luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đối với một số vấn đề cụ thể, hiệu lực quản lý nhà nước và tính tuân thủ quy định chưa được như mong muốn bắt nguồn từ những hạn chế nhất định về tính phù hợp và khả thi của văn bản ban hành.
Đối với vấn đề thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS: Quyết định số 96/2007/QĐ-TTg về việc quản lý chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV và phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam có quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhưng không cụ thể về hình thức và tần xuất thực hiện hoạt động này đối với từng hình thức tổ chức nên đã dẫn đến tình trạng các cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cụ thể, đối với các trại giam lớn gồm nhiều phân trại thì không thể tổ chức hoạt động truyền thông theo hình thức tập trung của toàn trại giam mà phải tổ chức truyền thông cho từng phân trại nhưng do thiếu các quy định cụ thể nên khi lập kế hoạch kinh phí các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn và cũng không đủ lực lượng để tổ chức thực hiện. Đối với các trại tạm giam thì lại không thể thực hiện việc truyền thông trực tiếp do theo quy định của Quy chế tạm giam, tạm giữ thì các đối tượng này bắt buộc phải cách ly để phục vụ cho hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, nếu áp dụng hình thức truyền thông qua hệ thống loa phóng thanh thì trên thực tế là hiệu quả không cao do đặc thù của đối tượng truyền thông tại các cơ sở là các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, do thiếu quy định về cơ chế phối hợp giữa ngành y tế và ngành công an cũng như ngành quốc phòng nên chưa tận dụng hết được khả năng hỗ trợ trong việc thực hiện truyền thông của các đơn vị thuộc ngành y tế.
Thông tư liên tịch số 20/2010/TTLT-BTTTT-BYT ngày 20/8/2010 về việc hướng dẫn việc ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS quy định các thông điệp truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ quan truyền thông đều hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình nên nếu thực hiện truyền thông miễn phí thì sẽ tốn một khoản kinh phí không nhỏ và điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối tài chính của các cơ sở truyền thông.
Đối với vấn đề can thiệp giảm tác hại, pháp luật về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV quy định việc hạn chế mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP: không áp dụng điều trị thay thế trong các cơ sở trại giam, trại tạm giam do ngành công an và quốc phòng quản lý, trong các cơ sở chữa bệnh do ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý). Trong khi đó, căn cứ nhu cầu triển khai điều trị thay thế của các tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, nhu cầu điều trị của những người nghiện ma túy, căn cứ mục tiêu điều trị cho 80.000 người nghiện ma túy vào năm 2015 đã được quy định tại Quyết định số 5146/QĐ-BYT ngày 27/12/2010 do Bộ Y tế ký ban hành theo ủy quyền của Chính phủ, việc hạn chế mở rộng điều trị thay thế tại Nghị định số 108 vừa không phù hợp với thực tế triển khai điều trị thay thế vừa hạn chế sự tham gia của các ngành, đặc biệt là ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành công an và quốc phòng trong việc cung cấp dịch vụ điều trị thay thế cho các đối tượng có nhu cầu. Do đó, Nghị định 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã ra đời bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế triển khai hoạt động điều trị thay thế tại các địa phương trên cả nước.
Điều 21 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội” và Nghị định số 108/2007/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tiễn với các quy định pháp luật hiện nay, gây khó khăn cho việc mở rộng phạm vi các biện pháp trên. Đặc biệt trong bối cảnh cần tăng cường xã hội hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đối với vấn đề về chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, việc quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí xét nghiệm tại Điều 35 của luật còn chưa bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khi hiện nay cơ chế tự chủ đang được triển khai rộng rãi.
Bên cạnh đó, việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV còn chưa thực sự phù hợp với đối tượng người nhiễm HIV, cụ thể: Điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế quy định về các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế bao gồmkhám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác và khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra. Tuy nhiên, theo các điều tra về dịch tễ học HIV/AIDS ở Việt Nam thì hầu hết người nhiễm HIV hiện nay thuộc nhóm đối tượng nghiện ma túy hoặc bán dâm.
Chính vì vậy, quy định tại khoản 11 và 12 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế hiện đã tạo ra rào cản đối với người nhiễm HIV trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế bảo hiểm y tế bởi các cơ quan có liên quan đến việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh có sự nhầm lẫn khi đồng nhất việc điều trị các bệnh mà người nhiễm HIV mắc phải với việc điều trị cai nghiện ma túy hoặc coi các bệnh mà người nhiễm HIV mắc phải là hậu quả của hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc là hậu quả của việc bán dâm. Đến nay, thì quy định tại Khoản 12 Luật Bảo hiểm y tế đã bãi bỏ.
Đối với vấn đề về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh hoặc đấu tranh với những đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS, các quy định này được ban hành từ năm 2003 tuy nhiên đến nay chế độ đối với các quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.
Theo Bộ Y tế, nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã tạo nên một cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp, khắc phục tình trạng được những tồn tại của hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội tốt hơn, giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về HIV. Bên cạnh những ưu điểm trên thì các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV vẫn còn những bất cập xuất phát từ bản thân các văn bản và từ toàn bộ hệ thống pháp luật và từ thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội và thực tiễn công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Tiếng chuông
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh