Cần xây dựng tiêu chuẩn về lao động giúp việc gia đình
10/11/2017 04:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các báo cáo về lao động giúp việc gia đình đã chỉ ra, đây là một trong những ngành lao động dễ bị bóc lột và lạm dụng nhất. Thúc đẩy các quốc gia bảo vệ lao động giúp việc gia đình, Việt Nam đã khuyến nghị các nước thành viên ASEAN phê chuẩn Công ước của ILO về người giúp việc gia đình và xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể để bảo vệ nhóm lao động dễ bị tổn thương này.
Ảnh minh họa.
Không được hưởng sự bảo vệ
Hiện có khoảng 10 triệu người giúp việc gia đình ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Hơn 2 triệu trong số đó là lao động di cư và phần lớn là phụ nữ. Tại Việt Nam, theo Bộ LĐ-TB&XH, số lượng người lao động giúp việc gia đình nói chung, và lao động giúp việc di cư nói riêng, được dự báo sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Bộ LĐ-TB&XH ước tính vào năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 350.000 lao động nghề giúp việc gia đình.
Các thị trường chính hiện tiếp nhận lao động giúp việc gia đình Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc), Ả-rập Xê-út, Macao (Trung Quốc) và đảo Síp. Tính tới tháng 8/2017, có khoảng 20.000 lao động giúp việc gia đình Việt Nam tại Đài Loan với 113 doanh nghiệp phái cử lao động; gần 2.300 lao động đi giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út thông qua 26 doanh nghiệp. Mức lương của lao động giúp việc tại Đài Loan tối thiểu là 17.000 Đài tệ/tháng (khoảng 12,7 triệu VNĐ) và tại Ả-rập Xê-út là 1.300 Ria/tháng (khoảng 7,8 triệu VNĐ).
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trên toàn cầu, giúp việc gia đình là một trong những ngành có tỷ lệ lao động cưỡng bức cao nhất. Lao động giúp việc di cư lại càng dễ rơi vào tình cảnh bị bóc lột và lạm dụng, do họ phần lớn phụ thuộc vào người tuyển dụng và người sử dụng lao động, làm việc trong sự cô lập và thiếu các mối quan hệ xã hội. Điều tra gần đây của ILO chỉ ra rằng, người lao động giúp việc di cư tại 2 nước ASEAN trung bình làm việc 14 tiếng mỗi ngày, chỉ 40% trong số họ có một ngày nghỉ trong tuần và phần lớn bị trả công dưới mức lương trung bình.
Bà Tomoko Nishimoto, Phó Tổng Giám đốc ILO và Giám đốc ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Trên thực tế, tại hầu hết các nước thành viên ASEAN, các điều khoản trong luật lao động không áp dụng cho người giúp việc gia đình, và vì thế họ không được hưởng sự bảo vệ dành cho những người lao động khác như BHXH, mức lương tối thiểu, và giới hạn số giờ làm.
Xây dựng tiêu chuẩn nghề giúp việc
Nghiên cứu mới đây cho thấy, 61% người giúp việc gia đình tại Châu Á hoàn toàn nằm ngoài tầm bảo vệ về lao động và chỉ có 3% được hưởng các hình thức bảo vệ như những người lao động khác.
Dự báo, nhu cầu cần người giúp việc gia đình tại ASEAN sẽ ngày càng tăng do dân số già đi, tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng, và sự suy giảm số lượng gia đình đa thế hệ. Đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cùng các bên liên quan tại Việt Nam đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN phê chuẩn Công ước của ILO về người giúp việc gia đình và xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể để bảo vệ nhóm lao động dễ bị tổn thương này.
Đây là một trong những khuyến nghị mà Việt Nam đem tới diễn đàn ASEAN về Lao động di cư lần thứ 10 với chủ đề “Hướng tới việc làm bền vững cho lao động giúp việc trong khu vực ASEAN”.
Các khuyến nghị cụ thể bao gồm: Ký kết các thỏa thuận song phương về cơ chế khiếu nại nhằm bảo vệ quyền của người lao động có và không có giấy tờ hợp pháp, thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc gia nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình, và xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia cho nghề giúp việc gia đình. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ASEAN xây dựng hợp đồng tiêu chuẩn cho người giúp việc gia đình và các tiêu chuẩn an sinh xã hội tối thiểu đối cho nhóm đối tượng này, thiết kế giáo trình cho các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho người giúp việc gia đình. Các doanh nghiệp tuyển dụng cần tăng cường nhận thức và năng lực về các điển hình tuyển dụng công bằng, đào tạo, hỗ trợ lao động di cư làm giúp việc gia đình và lựa chọn đối tác, trong khi người lao động giúp việc di cư cũng cần phải tự xây dựng mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm./.
Theo baodansinh.vn
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh