Kon Tum: Quyết liệt xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT

10/11/2017 04:01 PM


Thủ trưởng các đơn vị, địa phương thụ hưởng ngân sách hiện đang nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình trả nợ cụ thể và cam kết trả dứt điểm nợ cũ từ nay đến 20/12/2017 và không để phát sinh nợ mới; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về sai sót của đơn vị, địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tình trạng nợ đọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa chủ trì cuộc họp xử lý nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

UBND 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh cần xác định mục tiêu BHYT toàn dân là quyết tâm chính trị của toàn hệ thống chính trị, khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và phát triển đối tượng tham gia BHYT trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy chỉ đạo nhằm phát triển đối tượng tham gia BHYT, phấn đấu năm 2018 đạt tỷ lệ bao phủ toàn tỉnh tăng từ 2% trở lên so với năm 2017.

Đó là một số nội dung trọng tâm mà Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa kết luận tại cuộc họp chuyên đề bàn về giải pháp xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, do UBND tỉnh vừa tổ chức.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng chủ thể liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:

BHXH tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH BHYT, BH thất nghiệp cho doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (SDLĐ) và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cách thức tham gia, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng quy chế phối hợp để đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với những DN có khả năng nhưng để nợ đọng dây dưa, kéo dài; đối với các DN không có khả năng chi trả các khoản nợ, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý phù hợp để giải quyết dứt điểm chế độ chính sách cho NLĐ; nghiên cứu quy định về thực hiện chính sách BHYT hộ gia đình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân có cơ hội tiếp cận chính sách này. Trường hợp phát hiện những quy định bất cập, khó khăn, vướng mắc, khẩn trương nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp; đôn đốc, theo dõi chính xác và trước ngày 31/12/2017 tổng hợp báo cáo tình hình nợ đọng của các đơn vị, địa phương gửi về UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đơn vị theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp quản lý số DN đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia các chế độ bảo hiểm bắt buộc; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong việc thực hiện các chế độ bảo hiểm bắt buộc, yêu cầu DN tham gia các chế độ bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ; hàng năm, chậm nhất vào ngày 15/12, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hoàn thành việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn, người sống vùng đặc biệt khó khăn, cận nghèo gửi cơ quan BHXH cùng cấp để kịp thời phát hành thẻ BHYT, đảm bảo ngày 01/01 năm sau liền kề đối tượng có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh (KCB).

Sở Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh cùng tháo gỡ vướng mắc, tồn tại trong công tác KCB; nâng cao chất lượng KCB, tăng tiếp cận dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT; chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện nghiêm các quy định về KCB BHYT, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ các địa phương trong xây dựng Kế hoạch nhằm phát triển đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên.

Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động phối hợp BHXH tỉnh và các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH BHYT, BH thất nghiệp (mở chuyên trang, chuyên mục; giải đáp các chế độ, chính sách…) nhằm giúp các đơn vị SDLĐ, NLĐ và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về các chế độ, chính sách này; tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chế độ chính sách, kịp thời phê phán những hành vi tiêu cực, cố tình vi phạm… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, người dân.

Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo các tổ chức công đoàn tăng cường tuyên truyền, vận động NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường công tác giám sát việc thi hành pháp luật tại các đơn vị, DN; thực hiện khởi kiện ra Tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tham gia các chính sách BHXH, BHYT; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân để kiến nghị, đề xuất, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và chỉ tiêu BHYT theo kế hoạch đề ra; nghiên cứu  phát động phong trào toàn dân tham gia BHYT gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đưa tiêu chí tham gia BHYT của dân cư để bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; đồng thời, quan tâm cân đối và hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng được nhà nước hỗ trợ đóng một phần kinh phí./.

T.Đ.H