Cần giải pháp "kích cầu" đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

09/10/2018 03:48 PM


Kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ năm 2008 đến nay cho thấy, mặc dù đối tượng tham gia ngày càng tăng, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia còn rất chậm. Theo các chuyên gia, cần phải có những giải pháp “kích cầu” đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Dù đối tượng tham gia BHXH tăng đều qua các năm nhưng con số này vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Hiện nay, diện bao phủ BHXH mới đạt khoảng 29%. Điều đó đồng nghĩa với việc có tới 71% số lao động nằm ngoài lưới an sinh xã hội, chủ yếu là lao động nông thôn và lao động phi chính thức.

Số người tham gia khiêm tốn

Theo Ban Thu - BHXH Việt Nam, từ 6.110 người tham gia vào năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện), đến nay con số này là hơn 231.000 người. Trong đó, đã giải quyết cho 3.432 người hưởng lương hưu hàng tháng, 43 người là thân nhân người lao động hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, 3.485 người hưởng BHXH một lần và 202 người hưởng trợ cấp tuất một lần. Mặc dù, đối tượng tham gia BHXH tăng đều qua các năm nhưng con số này vẫn rất hạn chế so với lực lượng lao động phi chính thức. Đáng lưu ý, số người tham gia BHXH chủ yếu là nhóm đang đóng BHXH bắt buộc nghỉ việc tham gia tiếp BHXH tự nguyện để hưởng hưu trí.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức nói chung và nông dân nói riêng chưa hào hứng với BHXH tự nguyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Nguyên nhân chính là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định. Họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe giảm sút. An sinh xã hội của họ không được chăm lo, dẫn tới nhiều bất lợi trong đời sống. Ngoài ra, bản thân người lao động ở khu vực này cũng không có kiến thức, nếu thủ tục đóng - hưởng phức tạp, họ rất ngại làm giấy tờ”.

Bên cạnh đó, vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ, gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - tai nạn nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Trong khi BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất.  

Hỗ trợ thích đáng từ Nhà nước

Theo một khảo sát về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, có tới 35,2% số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện mong muốn tham gia. Đặc biệt, 8,5% số lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định theo hướng hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH.

Để bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới bao phủ toàn dân Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với chính sách BHXH, BH thất nghiệp như bảo hộ Quỹ BHXH để đảm bảo việc chi trả các chế độ cho người lao động. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn theo 3 mức tương ứng với 3 nhóm đối tượng (30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; 10% đối với tất cả các đối tượng còn lại). Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH cho phù hợp.

Theo các chuyên gia lao động muốn BHXH tự nguyện thu hút được nhiều đối tượng mới, một mặt cần tăng tính hấp dẫn trong các chính sách, mặt khác cần có những biện pháp tuyên truyền riêng và ưu tiên tiếp cận đối với những lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 đến dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng cho đại lý thu cũng như rà soát, thống kê, phân loại theo tính chất công việc, điều kiện kinh tế gia đình khá, để tập trung tuyên truyền vận động các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện.

Mở rộng diện bao phủ 

Bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong nỗ lực cải thiện chính sách an sinh xã hội nói chung, cải cách BHXH nói riêng Nghị quyết số 28-NQ/TW mới được thông qua đã đề ra nhiều giải pháp để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.  

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân với mục tiêu theo lộ trình 2021, 2025 và dự kiến đến 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó lao động khu vực phi chính thức khoảng 5%; 45% số người lao động tham gia BH thất nghiệp, 60% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội. Nhiều nội dung cải cách và giải pháp hướng tới mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đưa ra. 

Trong đó, đáng chú ý là sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Lần cải cách này, các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt cũng sẽ được nghiên cứu nhằm giúp người dân thêm nhiều sự lựa chọn. Cụ thể, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để đủ điều kiện được hưởng lương hưu cũng được điều chỉnh, từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm nhằm tạo điều kiện hơn, khuyến khích người lao động tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, việc liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách BH thất nghiệp cũng sẽ được nghiên cứu. Từ đó, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, thay vì nhận BHXH một lần, để được hưởng lương hưu. Việc thiết kế nhiều gói BHXH như vậy sẽ phù hợp với đặc điểm, điều kiện và khả năng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện. 

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân với mục tiêu theo lộ trình 2021, 2025 và dự kiến đến 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong đó lao động khu vực phi chính thức khoảng 5%; 45% số người lao động tham gia BH thất nghiệp, 60% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo Báo ANTĐ