Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức

30/08/2018 09:32 PM


Là tiêu đề Hội thảo Khoa học do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều ngày 30/8/2018, tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực và Nguyễn Hữu Dũng đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cải cách hành chính; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể...

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, với phương châm xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, công tác CCHC nhất là cải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực trọng tâm, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh nỗ lực, cố gắng và những kết quả tích cực đã đạt được thì cần phải thẳng thắn nhìn nhận công tác CCHC thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện chính sách, pháp luật, lẫn tổ chức thực hiện. Đặc biệt, phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác cải cách hành chính.

Hiện nay, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang thực hiện 02 chương trình phối hợp giám sát về CCHC: Chương trình đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, được ký phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ năm 2016; Chương trình giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vấn đề đặt ra là nên làm thế nào để có sự vào cuộc thực sự của MTTQ, các đoàn thể và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy CCHC.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Một vấn đề lớn liên quan đến đông đảo người dân đó là về chất lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế như giá dịch vụ, học phí, giá thuốc, lợi dụng, lãng phí trong sử dụng BHYT, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và vai trò của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017. Hội thảo sẽ đưa ra các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để phát huy vai trò giám sát của MTTQVN và các đoàn thể nhằm CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, từ những chương trình giám sát đang triển khai, cần có những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể hằng năm; cần làm rõ nội dung, kế hoạch và chương trình giám sát, nhất là các lĩnh vực liên quan đến vấn đề dân sinh như giá dịch vụ, giá thuốc, học phí, vấn đề đạo đức nghề nghiệp…

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày chỉ số cải cách hành chính – PAR INDEX. Theo đó, mục tiêu của chỉ số CCHC là nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Cụ thể, xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với đặc điểm, tính chất QLNN của bộ, tỉnh; xác định được tham điểm đánh giá cho từng tiêu chí; thiết kế được bộ câu hỏi khảo sát phù hợp với từng đối tượng. Thông qua chỉ số CCHC công tác đánh giá kết quả CCHC hàng năm đã được định lượng bằng những con số cụ thể, có sự so sánh, xếp hạng giữa các bộ, các tỉnh; khắc phục tình trạng đánh giá chung chung, định tính. Tác động tích cực đến nhận thức, hành động của người đứng đầu các bộ, các tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành CCHC, thúc đẩy tiến trình CCHC. Thông qua Chỉ số, xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu; tõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức từ đó đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC tại bộ, tỉnh; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong tổ chức triển khai CCHC tại các bộ, các tỉnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng, sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ là kết quả đầu ra của mỗi cơ sở y tế, là thước đo đánh giá sự phù hợp của những dịch vụ y tế được cung cấp so với nhu cầu và mong đợi của người dân, là bằng chứng giúp từng đơn vị nhận biết những bất cập khiến bệnh nhân chưa hài lòng, trên cơ sở đó thúc đẩy việc cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ và các yếu tố có liên quan. Bởi vậy, chỉ số hài lòng cần phải được sử dụng như là một chỉ số chiến lược để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mỗi cơ sở y tế và là thế mạnh cạnh tranh với những cơ sở y tế khác. 

“Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tại các tuyến trên ở nước ta đều đang trong tình trạng quá tải thì việc tiến hành đo lường sự hài lòng của khách hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết, bởi lẽ đây sẽ là những bằng chứng hữu ích giúp lãnh đạo các đơn vị chấn chỉnh lại từng công đoạn trong quy trình cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng và củng cố uy tín của cơ sở cũng như của toàn ngành”, ông Nguyễn Tuấn Hưng nói.

Đề cập đến những tồn tại trong triển khai giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay, tại một số tỉnh, thành phố, vấn đề liên quan đến khoa học - công nghệ chưa được giải quyết kịp thời và hiệu quả; tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống chưa nhiều, một số công nghệ và ứng dụng có tính phổ biến, nhân rộng chưa cao; chính sách kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp chưa hiệu quả; chưa tạo được môi trường thực sự hấp dẫn để thu hút những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý có kinh nghiệm về phục vụ địa phương; đội ngũ cán bộ khoa học tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa tương xứng…

Từ những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, cần có giải pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khoa học, công nghệ và doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; đồng thời có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn của Nhà nước sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trong nước sản xuất từ việc áp dụng công nghệ mới, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, các ban, đơn vị liên quan sẽ bổ sung, tập hợp ý kiến tại Hội thảo để từ đó đề xuất những nội dung cụ thể trong triển khai các chương trình giám sát trong thời gian tới.

Từ những bất cập và kiến nghị đại biểu đã nêu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng các chương trình giám sát cần bám sát và tập trung vào công khai, minh bạch, giải trình các nội dung và đơn giản hóa các thủ tục, tăng khả năng tiếp cận, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đảm bảo tính thiết thực trong triển khai thực hiện.

 

PV