Tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho chất lượng y tế cơ sở

30/08/2018 05:06 PM


Bộ Y tế và Báo Người Lao Động vừa phối hợp tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ để "Giải pháp cho chất lượng y tế cơ sở". Các khách mời tham gia Giao lưu trực tuyến gồm: Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; PGS-TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM; Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Phú, TP HCM; Bác sĩ Đinh Trọng Phụ - Phó trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Các đại biểu tham gia giao lưu.

Mạng lưới y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Mạng lưới y tế cơ sở, gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, đảm bảo mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 đã đặt ra với ngành y tế.

Hiện cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản… Những năm qua, y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân: Tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng… Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo – nơi cách xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa thực sự thích ứng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của nhân dân.

Trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Để y tế cơ sở từ chỗ chỉ là "tuyến dưới", trở thành "trung tâm" và giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, ngành y tế đang tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Ông Nguyễn Nam Liên tại cuộc giao lưu trực tuyến.

Trả lời bạn đọc về nhân lực cho y tế cơ sở, đặc biệt vùng sâu vùng xa, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nhân lực y tế cho vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn trước hết phải thực hiện nghiêm, đúng quy định tại Quyết định 14/2013/QĐ-TTg thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang triển khai dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" với mục tiêu đào tạo và cử bác sĩ trẻ về các huyện đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Đặc biệt để thu hút và giữ chân cán bộ y tế làm việc ở vùng khó khăn, các tỉnh phải có chính sách hỗ trợ, thu hút bác sĩ về công tác ở vùng khó khăn.

Trong lộ trình cải cách hành chính, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập; việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ dẫn đến tăng số dân của một xã đạt chuẩn. Trao đổi về với chức năng của trạm y tế hiện nay có còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27-10-2015 "hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn" hay không, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, về cơ bản chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã sẽ không thay đổi, đó là truyền thông, giáo dục để dự phòng, nâng cao sức khỏe, theo dõi, quản lý sức khỏe cá nhân, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, sơ cấp cứu và khám, chữa bệnh theo phân tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu có điểm nào chưa phù hợp thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vì vậy không nên đổi thành “bệnh xá".

Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, danh mục dịch vụ kỹ thuật của trạm y tế xã đã được quy định tại Thông tư 43 về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; danh mục thuốc được quy định tại Thông tư 40 năm 2014, Thông tư 36 năm 2015, Thông tư 05 về danh mục thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra, Thông tư 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản đã quy định các trạm y tế xã phải thực hiện tối thiểu 76 dịch vụ y tế và cung cấp 241 thuốc. Riêng về quy định trạm y tế xã chỉ được sử dụng tối đa 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú thì Bộ Y tế sẽ sửa đổi sau khi chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 105 về BHYT.

 Trao đổi với bạn đọc về vai trò và nhiệm vụ của y tế cơ sở hiện nay, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, y tế cơ sở ở nước ta gồm y tế quận/huyện, thị xã, y tế xã phường thị trấn và y tế thôn bản, là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất có nhiệm vụ quản lý sức khỏe cộng đồng bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ngay tại nơi cư trú không phải lên tuyến trên. Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo thực hiện chương trình đổi mới hoạt động của y tế cơ sở đảm bảo y tế cơ sở làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.

“Nhiều người quan niệm cơ sở phải làm tốt công tác khám chữa bệnh, tuy nhiên, y tế cơ sở có chức năng nhiệm vụ rất rộng. Đầu tiên phải truyền thông giáo dục nâng cao sức khoẻ của người dân để người dân có ý thức tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mình. Triển khai các hoạt động như tiêm chủng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, công tác dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Cùng đó, quản lý sức khỏe, theo dõi, điều trị một số bệnh không lây nhiễm mãn tính, như: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... trên địa bàn. Về khám chữa bệnh, cần thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu, khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật, tư vấn cho người dân trong việc chuyển tuyến khám chữa bệnh” – ông Nguyễn Nam Liên nói.

Nhiều giải pháp phát triển cho y tế cơ sở

Trước ý kiến của bạn đọc về cần có cơ chế tài chính và chính sách đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở,  ông Nguyễn Nam Liên cho biết, về đầu tư, các địa phương bố trí vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư cho các trạm y tế xã chưa đạt tiêu chí quốc gia. Bộ Y tế cũng đã đề nghị Chính phủ quan tâm, cho phép triển khai, vay vốn của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á để đầu tư cho một số trạm y tế xã thuộc tỉnh khó khăn. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích hợp tác công tư để có nguồn đầu tư cho trạm.

Về cơ chế tài chính, cần phải xây dựng định mức hoặc khoán ngân sách theo kết quả hoạt động đối với các trạm y tế xã, khoán định suất trên đầu thẻ BHYT đăng ký KCB tại trạm y tế xã.

Việc củng cố phát triển mạng lưới y tế cơ sở để y tế cơ sở làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, là tuyến y tế gần dân nhất, thực sự là "người gác cổng" của hệ thống y tế là một việc làm lâu dài. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy phải cần từ 10- 15 năm, với nhiều cơ chế chính sách cụ thể. Đó là đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích bác sĩ công tác tại y tế cơ sở. Ngoài ra, cần phải có nguồn tài chính để y tế cơ sở làm tốt công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao sức khỏe, dự phòng, tiêm chủng...

Quỹ BHYT cũng phải thanh toán cho các dịch vụ mà tuyến y tế cơ sở làm được, đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị của người dân tại y tế cơ sở.

Còn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, ngành Y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động đồng bộ: Sáp nhập bệnh viện quận, huyện vào trung tâm y tế quận, huyện; luân phiên bác sĩ xuống trạm y tế để đảm bảo mỗi trạm có ít nhất 2 bác sĩ; mô hình phòng khám đa khoa của bệnh viện quận đặt tại trạm y tế; mô hình xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý trạm y tế; kết nối trạm y tế với bệnh viện...

Đối với nhân viên y tế ở trạm, sẽ không còn cảm giác lẻ loi một mình khi có mạng lưới các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện quận, huyện hoặc thành phố hỗ trợ phía sau. Sở Y tế sẽ hình thành mạng lưới tư vấn chuyên môn bằng nhiều hình thức như điện thoại, ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến để kịp thời hỗ trợ trong chẩn đoán, xử trí cho các bác sĩ ở trạm y tế.

Ngoài ra, trong kế hoạch đào tạo liên tục của Sở Y tế, các bác sĩ đang công tác ở trạm là một trong những đối tượng ưu tiên để được đào tạo cập nhật các kiến thức chuyên môn cần thiết.

Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Bộ Y tế từng triển khai thí điểm đề án bác sĩ gia đình. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 240 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân. Bộ Y tế cũng đang khuyến khích phát triển mô hình này để cùng với mạng lưới y tế cơ sở công lập làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Đối với hơn 11.000 trạm y tế xã, Bộ Y tế đang đẩy mạnh đào tạo nguyên lý y học gia đình cho bác sĩ, viên chức y tế tại các trạm y tế xã để họ có đủ năng lực thực hiện.

Bác sĩ Đinh Trọng Phụ tại Giao lưu trực tuyến.

Y học gia đình dù vẫn là một khái niệm khá mới mẻ đối với người dân. Chia sẻ kinh nghiệm của Sóc Sơn trong việc thực hiện mô hình này và thành lập tổ y tế chăm sóc người bệnh đến tận hộ gia đình theo nguyên lý chủ động chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh nặng, mãn tính, các bệnh tuổi già; cấp cứu các trường hợp bệnh nặng theo yêu cầu, Bác sĩ Đinh Trọng Phụ cho biết: Cùng với việc xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu. Sự ra đời của chuyên khoa y học gia đình trong những năm 1960 là một đáp ứng kịp thời của hệ thống y tế toàn cầu. Với ngành y học gia đình là sự kết hợp giữa y học lâm sàng và y học dự phòng, tâm lý học và khoa học hành vi với 6 nguyên lý là chăm sóc liên tục, chăm sóc toàn diện, chăm sóc phối hợp, quan tâm đến dự phòng, hướng gia đình và cộng đồng. Mô hình y học gia đình đã chứng tỏ hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao với mức chi phí và khả năng dễ tiếp cận.

Để đáp ứng nhu cầu về bác sĩ gia đình, những năm 1960 tại Anh, Mỹ và Canada đã bắt đầu chương trình đào tạo thầy thuốc đa khoa thực hành, sau này là chuyên ngành bác sĩ y khoa gia đình. Năm 1964, ra đời Hội cấp chứng chỉ hành nghề y học gia đình tại Mỹ. Đến năm 1972, Tổ chức Bác sĩ Gia đình Thế giới (WONCA) được thành lập.

Danh từ y học gia đình xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 15 năm trở lại đây, từ năm 1995. Năm 2000, dự án phát triển bác sĩ gia đình ở Việt Nam đã được chính phủ phê duyệt với sự tham gia của 3 trường: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM và trường ĐH Y Dược Thái Nguyên với mục tiêu chính là đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, xây dựng các phòng khám theo nguyên lý y học gia đình.

Ngày 26-4-2005, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký quyết định số 43/2005/QĐ-BNV về việc thành lập Hội Bác sĩ gia đình.

TP Hà Nội là 1 trong 7 tỉnh thành được Bộ Y tế phê duyệt đề án thí điểm triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Từ tháng 7-2014, được sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, trung tâm y tế huyện Sóc Sơn đã triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại 4 phòng khám đa khoa (Xuân Giang, Kim Anh, Minh Phú và Trung Giã) và 1 trạm y tế xã Mai Đình. Sau 1 năm triển khai có hiệu quả, đến tháng 7-2015, Sóc Sơn đã nhân rộng toàn bộ 25 xã còn lại, với nhiệm vụ khám sàng lọc sức khỏe cho nhân dân để phát hiện bệnh mãn tính, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản…đưa vào hồ sơ quản lý. Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã tham mưu cho UBND huyện Sóc Sơn thành lập các tổ y tế chăm sóc người bệnh tại nhà với những bệnh nhân nặng, người bệnh liệt do tai biến, người tàn tật, người già độc thân, các trường hợp cấp cứu…Đồng thời thiết lập đường dây điện thoại thăm hỏi bệnh nhân, tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng và đã thu được kết quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, được người dân tin tưởng.

Nâng cao chất lượng của các Trạm y tế: Điều kiện tiên quyết

Trao đổi về vấn đề, mô hình nào của thế giới phù hợp với Việt Nam, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, có thể nói hiện nay hệ thống y tế của nước ta chưa thực sự có "người gác cổng". Nghĩa là ở nước ta, người dân có thể đến thẳng các bệnh viện để khám chữa bệnh mà không cần qua các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Liên thông BHYT tuyến huyện trong thời gian qua là một chính sách rất có lợi cho người dân nhưng về lâu dài sẽ rất bất lợi vì chắc chắn tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến thành phố, quận huyện sẽ tiếp tục tăng. Khi quá tải thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Hiện nay trên thế giới, Việt Nam rất giống mô hình ở Nhật Bản nhưng Nhật Bản là một nước rất giàu và có nhiều cơ sở hạ tầng, số bác sĩ trên trên 10.000 dân thuộc nhóm cao trên thế giới.

Mô hình "người gác cổng" của các nước trên thế giới nghĩa là khi có nhu cầu khám chữa bệnh thì người dân phải đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, không đến thẳng bệnh viện hoặc các phòng khám của các bác sĩ chuyên khoa. Chỉ khi có giới thiệu của các bác sĩ ở nơi khám chữa bệnh ban đầu thì người dân mới tiếp cận được bác sĩ chuyên khoa hoặc khoa khám bệnh của các bệnh viện.

Không thể áp dụng máy móc mô hình "người gác cổng" của bất kỳ nước nào cho một quốc gia khác, do mỗi quốc gia có sự khác biệt về mức thu nhập, hệ thống y tế... Tuy nhiên, việc vận dụng nguyên tắc này cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, trong đó hoạt động ưu tiên trước mắt hiện nay - nâng cao chất lượng của các trạm y tế" - là hoàn toàn phù hợp; là một điều kiện không thể thiếu. Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động khác cần được nghiên cứu kỹ trong thời gian tới: việc "tính đúng - tính đủ" giá viện phí, đồng chi trả... để người dân phải cân nhắc chọn bệnh viện là nơi khám đầu tiên hay trạm y tế hoặc các phòng khám là nơi khám đầu tiên.

 

PV