Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng
28/08/2018 09:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng để triển khai thanh toán dịch vụ công trực tuyến hiệu quả thực hiện mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo. (Ảnh: VGP)
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tháng 2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc và triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học. Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Sở dĩ có những hạn chế trên theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) là do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo; hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Bên cạnh đó là tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng và thói quen dùng tiền mặt của người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên một số bất cập trong việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Theo ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, BHXH cho biết, từ tháng 3-2012, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và đến nay đã triển khai trên toàn quốc với hai hình thức: chi bằng tiền mặt và qua ATM. Về hình thức cơ quan bưu điện chi trả qua tài khoản ATM cho người hưởng, việc quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân của cơ quan bưu điện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người hưởng không thường xuyên ở nơi cư trú; số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp so với số người hưởng, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, người già khó sử dụng thẻ, số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2-2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM, nhưng tỷ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.
Đại diện ngân hàng thương mại trực tiếp làm dịch vụ, bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Marketing VietinBank đã nêu một số trở ngại mà ngân hàng đối mặt, trong đó có vấn đề cơ chế và văn bản pháp lý. Đơn cử, khi ngân hàng kết hợp thu tiền mặt trong bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có thẻ để thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định phát hành thẻ, chỉ quy định mối quan hệ giữa ngân hàng phát hành thẻ và bệnh nhân; không quy định đơn vị trung gian phối hợp là bệnh viện nên khi triển khai ở bệnh viện nào, ngân hàng lại phải có một quầy giao dịch tại đó.
Để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt trong dịp lễ tết qua ATM, tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi thói quen người tiêu dùng, bà Lê Thuý Sen, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho rằng, truyền thông phổ biến kiến thức tài chính là vấn đề được các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam rất quan tâm. Trong thời gian tới, các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức tài chính, ngân hàng của NHNN hướng đến người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng do thiếu thông tin, tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng xã hội. Về cơ chế pháp lý, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, NHNN đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.
Đại diện Bộ Y tế - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho rằng, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong khi đầu tư của Nhà nước cho các bệnh viện rất thấp.
Đại diện một đơn vị trung gian thanh toán, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS đang phối hợp cùng các ngân hàng trực tuyến, các đơn vị hành chính công xây dựng hạ tầng để người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng thanh toán trực tuyến qua mạng Internet, thanh toán trên ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh.Từ hạ tầng này, người dân có thể thanh toán qua kênh giao dịch của các ngân hàng, thanh toán qua kênh giao dịch tiền gửi thanh toán trong các năm tới.
NHNN sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để thực hiện tốt hơn chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, BHXH, Bệnh viện...), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công./.
PV (t/h)
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh