Tham vấn chuyên gia về xây dựng Chính phủ điện tử

24/08/2018 09:45 AM


Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với nhóm chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Công ty Cổ phần FPT liên quan đến nội dung về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đã trình bày dự kiến về Khung chương trình quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) và tư vấn việc thực hiện; đưa ra lộ trình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình CPĐT; thiết kế tổ chức, hoạt động của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT.

Theo ông Steven Furst, Giám đốc chiến lược và kiến trúc của Công ty Cổ phần FPT, nhóm công tác gần đây đã thảo luận khá nhiều về thiết kế và cấu trúc của Khung chương trình tổng thể quốc gia về CPĐT. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra thiết kế của Khung chương trình này nhằm mục đích giải quyết những trở ngại được xác định từ những nỗ lực trước đó.

Những trở ngại trước đó được ông Steven Furst đưa ra là hạn chế về sự vắng mặt của người đứng đầu, hạn chế trong việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi; việc thiếu cơ chế giám sát và thực thi ở cấp cao; hạn chế về khả năng quản lý và kỹ năng công nghệ ở các bộ, ngành. Ngoài ra là hạn chế không đủ nguồn lực, chưa tối ưu sự tham gia của khu vực tư nhân, thiếu cải cách hành chính tương ứng hay sự miễn cưỡng chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Bộ, ngành...

Từ đó, các chuyên gia giới thiệu một số yếu tố trọng yếu trong thiết kế sơ bộ xây dựng CPĐT như: Khung chiến lược đề xuất cho chương trình; sơ bộ danh mục dự án và tiến độ thời gian; thiết kế sơ bộ Tổ công tác (PDU) và các phương án cho mô hình hoạt động của PDU.

Việc đưa ra các sáng kiến chiến lược đòi hỏi phải có một Tổ công tác (PDU) linh hoạt, có kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng thực thi. PDU được các chuyên gia đưa ra là nhóm chuyên gia có chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến xây dựng CPĐT, có khả năng xác định và xử lý vấn đề, luôn hoạt động để bảo đảm dự án thành công.

PDU chịu trách nhiệm quản lý chương trình CPĐT thông qua 6 chức năng quản lý như: Lên kế hoạch chiến lược tổng thể và quản lý danh mục dự án; quản lý truyền đạt thông tin đến các bên liên quan; chủ động đánh giá các dự án, phát triển và giám sát kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề; theo dõi sản phẩm hoặc cột mốc thực hiện, chuẩn bị báo cáo định kỳ; theo dõi tài chính, chi tiêu và giám sát chất lượng sản phẩm; chủ động đánh giá rủi ro của dự án, giám sát kế hoạch hành động để giảm thiểu rủi ro.

Qua lắng nghe các ý kiến tư vấn của nhóm chuyên gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các chuyên gia và đề nghị nhóm công tác tiếp tục phát huy tinh thần chủ động để triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng CPĐT. Qua ý kiến chuyên gia có thể hình dung được Khung chương trình quốc gia về CPĐT, mô hình Tổ công tác và các chức năng, nhiệm vụ kèm theo...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, để chuẩn bị phiên họp thứ nhất của Ủy ban quốc gia về xây dựng CPĐT cần chuẩn bị rất nhiều nội dung như: Xây dựng Nghị quyết về CPĐT, công bố Ủy ban quốc gia về CPĐT kèm theo quy định về chức năng, nhiệm vụ; báo cáo Khung chương trình quốc gia về CPĐT; báo cáo việc thành lập Tổ công tác và mô hình tổ chức của Tổ công tác... Trong đó, về các nội dung tham vấn của nhóm chuyên gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao Cục Kiểm soát TTHC tổng hợp ý kiến chuyên gia, nghiên cứu để đưa vào báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng nhấn mạnh đến việc thành lập Tổ công tác cần chú trọng tính pháp lý, đặc biệt không lấy số lượng cán bộ làm hiệu quả mà cần lấy chất lượng cán bộ làm hiệu quả.

Tổ công tác phải làm nhiệm vụ vừa đề xuất vừa tổ chức thực hiện; chức năng đầu tiên là tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT kiểm tra và đánh giá độc lập; tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT xây dựng thể chế và thẩm tra sự phù hợp của thể chế.

Về phía VPCP, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ công tác và VPCP phải có quan hệ mật thiết bởi VPCP sẽ là cơ quan thí điểm thực hiện sau đó mới triển khai rộng đến các Bộ, ngành, địa phương./.

Theo VGP