Huy động tối đa nguồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo

22/08/2018 08:28 PM


Hội nghị kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước đã thể hiện được tinh thần cầu thị và mong muốn phát triển của Chính phủ kiến tạo trong thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các đại biểu cùng thảo luận về việc thúc đẩy và phát triển AI tại Việt Nam. 

Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam 2018 cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức từ ngày 18-24/8.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Chính vì thế, Bộ KH&CN mong muốn sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI như nhóm chiến lược; thị trường; dữ liệu; triển khai ứng dụng; đào tạo và nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo Việt Nam”.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, lần này, chúng ta sẽ tập trung nguồn lực rất lớn, bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó huy động nguồn lực, để dựng chương trình nghiên cứu phát triển AI.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực nắm bắt và chuyển hóa những thành tựu công nghệ thông minh trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa của đất nước, việc tổ chức hội nghị kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực AI trong và ngoài nước tại thời điểm hiện nay thể hiện được tinh thần cầu thị và mong muốn phát triển của Chính phủ kiến tạo trong thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

AI Việt Nam 2018 có 2 báo cáo đề dẫn và thu hút gần 100 chuyên gia trong và ngoài nước là các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý có tâm huyết trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại Việt Nam.

Các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài được mời tham dự là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…).

Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Có thể kể đến các chuyên gia, nhà khoa học như TS. Lê Viết Quốc, Google Brain, Mỹ; GS.TS. Vũ Hà Văn, Đại học tổng hợp Yale, Mỹ; TS. Bùi Hải Hưng, Mỹ; TS. Vũ Duy Thức, Mỹ; TS. Đào Ngọc Thành, CEO & FOUNDER của Bap-Blockchain; ông Lê Minh Toàn, Công ty Bap-Blockchain, Nhật Bản; ông Trần Đặng Minh Trí, Tập đoàn Ramsay Health Care, Úc; TS. Đỗ Bình Minh, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến hiện trạng AI tại Việt Nam; những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI; Blockchain và AI ứng dụng thực tiễn vào Việt Nam; AI mang lại cơ hội để bứt phá trong cuộc CMCN 4.0;… Các chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học về những phương pháp, kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực AI được lồng ghép với các nội dung về định hướng chính sách, nguồn lực làm nền tảng cho nghiên cứu và phát triển AI trong thời gian tới.

Hội thảo AI Việt Nam 2018 cũng giới thiệu các công nghệ, các kết quả nghiên cứu và phát triển AI từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực AI của Việt Nam. AI Việt Nam 2018 là một cơ hội thực sự để kết nối, hội tụ, định hướng chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung và tìm kiếm nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh doanh tại thời điểm hiện nay./.

Theo VGP