Bảo đảm và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế

22/08/2018 08:04 PM


Ngày 21/8/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị số 847/CT-BYT yêu cầu bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng, người dân ngày càng hiểu rõ lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT nên tần suất khám chữa bệnh/thẻ BHYT ngày càng tăng.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được các cơ sở y tế tuyến trên tăng cường đào tạo và chuyển giao kỹ thuật nên số lượng, chất lượng dịch vụ được tăng lên; dẫn đến công suất sử dụng giường bệnh và một số dịch vụ kỹ thuật tăng, làm giảm chi phí tính cho 01 dịch vụ.

Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc đấu thầu tập trung nên giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm. Tuy nhiên, cũng có một số chi phí như điện, nước tăng.

Theo Bộ Y tế, để mức giá dịch vụ phù hợp với chi phí thực tế và khả năng cân đối quỹ BHYT trong điều kiện chưa điều chỉnh được mức đóng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế của một số dịch vụ.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 15/2018/TT-BYT, thay thế Thông tư 37), có hiệu lực từ ngày 15/7/2018, trong đó có điều chỉnh giá một số dịch vụ, kỹ thuật y tế.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh giá dịch vụ theo Thông tư 15/2018/TT-BYT và sử dụng có hiệu quả Quỹ BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở y tế phải bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh.

Đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở phải báo cáo Sở Y tế để bảo đảm đủ thuốc, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn để y tế cơ sở thực hiện việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính theo phân tuyến.

Tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh.

Các bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu, tư vấn để người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thực sự quá tải. Không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao.

Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú…

Chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn, giặt là đồ vải trong bệnh viện; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sự cố y khoa,…

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên quá tải, có số lượng người làm việc được giao không bảo đảm việc chăm sóc, phục vụ người bệnh phải báo cáo cấp có thẩm quyền giao tăng giường bệnh, giao tăng số lượng người làm việc (xây dựng lại đề án vị trí việc làm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định).

Đồng thời, tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo mô hình bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ y tế về tuyến cơ sở,... tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất theo đúng các quy định của pháp luật, đẩy mạnh việc thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm.

Đẩy mạnh việc thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/2/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn về y tế

Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở y tế để nắm bắt các thông tin và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế để xem xét, giải quyết.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn y tế, về khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ y tế, tổ chức đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm.

Triển khai ngay Đề án y tế cơ sở; phối hợp với BHXH để đảm bảo đủ thuốc cho tuyến y tế cơ sở, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để y tế cơ sở thực hiện theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính.

Triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu tập trung tại địa phương. Báo cáo UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ cho cơ sở khám chữa bệnh thực hiện luân phiên đưa bác sỹ từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, từ tuyến huyện xuống tuyến xã và ngược lại.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục và đơn vị có liên quan chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ; tổ chức việc kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động chuyên môn liên quan đến việc chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú và các hoạt động chuyên môn khác;

Vụ BHYT làm đầu mối, phối hợp với các vụ, cục, Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát hoặc chỉ đạo Sở Y tế, cơ quan quản lý y tế của các bộ, ngành tổ chức việc kiểm tra, giám sát về công tác khám bệnh, chữa bệnh và việc thực hiện Thông tư số 15/2018/TT-BYT;

Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất và tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về công tác khám bệnh, chữa bệnh và quản lý, sử dụng Quỹ BHYT./.

ĐH