Tăng tuổi nghỉ hưu: Xu thế tất yếu
16/07/2018 03:58 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là nhận định chung của các khách mời tại Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu san sinh bền vững” vừa được Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không làm mất đi cơ hội việc làm của giới trẻ, bởi trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, lao động giỏi luôn có cơ hội việc làm tốt.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu - không gây sốc cho thị trường lao động
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong bối cảnh già hóa dân số, hầu hết các nước trên thế giới và các châu lục (trừ Châu Phi) đều đã có kế hoạch điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Thậm chí, rất nhiều nước có kỳ vọng sống sau tuổi 60 thấp hơn Việt Nam đều đã có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố.
Dẫn chứng về nội dung này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Indonesia đang trong lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 65; Malaysia điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi; Hàn Quốc dự kiến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi vào năm 2034;...
Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố: Tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; quy mô, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới; cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Cần có tầm nhìn dài hạn trong điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thực hiện sớm, tiến hành khẩn trương theo lộ trình và không gây sốc cho thị trường lao động.
Trước tác động của biến đổi cấu trúc dân số và tiến trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa của nước ta nếu không có tính toán và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu kịp thời. Bởi, theo dự báo, nếu như năm 2015 cứ 6 người trong độ tuổi lao động có 1 người cao tuổi, thì đến năm 2055 cứ có 2 người trong độ tuổi lao động sẽ có 1 người cao tuổi. Năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động của nước ta gấp 3,4 lần số ra khỏi tuổi lao động; nhưng đến năm 2017 con số này chỉ còn gấp 1,36 lần và dự kiến vào năm 2035, số người vào độ tuổi lao động chỉ gấp 1,2 lần số ra khỏi tuổi lao động.
Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, theo đó, xác định việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021; phương án điều chỉnh cụ thể sẽ được đưa ra khi trình Quốc hội sửa Bộ luật Lao động vào năm 2019.
“Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nêu trên sẽ áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động,… chế độ hưu vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu quy định”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của giới trẻ
Đồng quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, tuổi nghỉ hưu của nước ta không thay đổi, kể từ khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam dưới 50 và đến nay là 74 tuổi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu kéo dài lên tới 65, 70 tuổi đối với một số lĩnh vực.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu kéo dài lên tới 65, 70 tuổi đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế như: Giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học,... Nhưng nếu nâng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, chắc chắn sẽ tạo phản ứng trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu chúng ta không giải quyết sớm, không tăng tuổi nghỉ hưu thì về lâu dài sẽ bất lợi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, tới chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, thời điểm bắt đầu thay đổi tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 gắn với cải cách BHXH và cải cách chính sách tiền lương là hợp lý. “Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải xây dựng lộ trình với các bước triển khai cụ thể, phù hợp; đảm bảo yếu tố bình đẳng giới; gắn chặt với việc lấy ý kiến tham gia của các nhóm đối tượng NLĐ cụ thể để có những điều chỉnh hợp lý, bởi NLĐ là những người chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh này”, ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặc biệt nhấn mạnh.
Trước những ý kiến cho rằng, cùng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ đẩy lực lượng lao động trẻ vào tình trạng thiếu việc làm. Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ, bởi, đào tạo lao động hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo và phân bổ lao động theo kế hoạch. Còn hiện nay, đào tạo theo nhu cầu thị trường, lao động giỏi luôn có cơ hội việc làm tốt.
Thiết kế sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí
Theo nội dung của lần cải cách BHXH này, thì ngoài việc nâng tuổi nghỉ hưu, sẽ thiết kế sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tổi thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và 10 năm với mức hưởng phù hợp. Thông tin về nội dung này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, theo quy định của Luật BHXH hiện hành, để được hưởng chế độ hưu trí, NLĐ cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian tối thiểu tham gia BHXH. Hiện nay, quy định thời gian tham gia tối thiểu 20 năm mới được hưởng chế độ hưu trí cũng gây trở ngại nhất định cho việc mở rộng diện bao phủ BHXH.
Trong lần cải cách BHXH này, sẽ tiến hành điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí, cũng như thiết kế chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần. (Nguồn ảnh: Internet)
Đơn cử như, có những lao động tham gia BHXH tới 18-19 năm (có thời gian tham gia khá dài so với các nước khác), nhưng vẫn không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Những trường hợp này không chỉ thiệt thòi cho NLĐ mà còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của đất nước, bởi chúng ta đang hướng đến một nền an sinh để NLĐ đến tuổi nghỉ hưu có lương hưu đảm bảo cuộc sống, thay vì phải sống phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của Nhà nước, làm tăng gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Cạnh đó, có những lao động ở độ tuổi 40-45 mới tham gia BHXH, nhưng xét về điều kiện thời gian tối thiểu nêu trên, nguyện vọng tham gia BHXH để tự đảm bảo an sinh của họ thông qua chế độ hưu trí sẽ không thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp của người dân.
Đặc biệt, quy định về thời gian tham gia tối thiểu này cùng với sự “hào phóng” trong cách tính mức hưởng BHXH một lần là những nguyên nhân khiến NLĐ thay vì bảo lưu thời gian tham gia BHXH, tiếp tục tham gia BHXH (khi có điều kiện) để nhận lương hưu khi hết tuổi lao động mà muốn nhận BHXH một lần.
“Quy định về thời gian tối thiểu để nhận lương hưu giảm xuống 15 năm hay 10 năm không hề ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ BHXH như nhiều người lo ngại, vì nguyên tắc BHXH là mức hưởng được tính toán phù hợp với mức đóng và thời gian đóng. Việc điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí, cũng như việc thiết kế chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần trong lần cải cách lần này, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu về mở rộng diện bao phủ BHXH, đảm bảo cho nhiều NLĐ có cơ hội và điều kiện tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng thay cho việc lựa chọn BHXH một lần, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.
*** Dự kiến, các phương án tăng tuổi nghỉ hưu:
Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.
Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.
Trọng Nguyễn
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...