Hà Nội chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở
16/07/2018 01:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một trong 8 tỉnh, thành phố được chọn thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở và mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm thu hút bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cũng như giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Từ đào tạo nhân lực...
Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) tại Hà Nội nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% các trạm y tế của thành phố có đủ điều kiện chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% phòng khám đa khoa khu vực thực hiện tối thiểu 85% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định; 100% bệnh viện huyện thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS nhằm thu hút bệnh nhân về tuyến cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; huy động theo mọi hình thức cũng như xây dựng cơ chế thu hút bác sĩ về công tác tại đây.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, cùng với việc thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho YTCS. Đồng thời, tạo thuận lợi nhất cho người dân được khám bệnh, chữa bệnh; phòng chống dịch bệnh; tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe hiệu quả ngay tại địa phương.
Được biết, đến nay, toàn thành phố chỉ có 502/584 trạm y tế có bác sĩ thuộc biên chế, còn lại 82 trạm y tế có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện. Công tác đào tạo cán bộ y tế cơ sở về y học gia đình chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân còn hạn chế về mặt chất lượng hồ sơ, phần mềm quản lý hồ sơ còn chậm...
Trạm Y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
... đến đầu tư phát triển
Xác định quan điểm tiếp tục đầu tư cho YTCS, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung khẳng định, các đơn vị cần nhìn nhận thẳng thắn những vướng mắc, tồn tại của YTCS, từ đó có biện pháp khắc phục, trên tinh thần khó khăn đến đâu sẽ tập trung tháo gỡ đến đó.
Theo đó, trong quý III.2018, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã sẽ phối hợp với phòng y tế trong hoạt động phòng chống dịch. Các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn tại đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến do sai sót về chuyên môn để thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Đồng thời, thành phố tiếp tục triển khai khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình tại 100% các trạm y tế. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung nhấn mạnh, để triển khai hoạt động này, trước mắt các trung tâm y tế cần tăng cường luân phiên bác sĩ cho các trạm y tế còn thiếu bác sĩ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế tình trạng bác sĩ phải ghi chép nhiều sổ sách, nhập số liệu. Đồng thời, kết nối và thực hành thành thạo các phần mềm phục vụ hoạt động chuyên môn và thanh toán BHYT cho người dân.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần tính toán để có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, giảm chi phí phải chi trả từ tiền túi của người dân, mở rộng danh mục thuốc để người dân được hưởng lợi từ việc khám và điều trị tại trạm y tế.
Để tăng cường đào tạo bác sĩ cho y tế xã, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên thông cho bác sĩ y học dự phòng. Từ nay đến cuối năm 2018, tiếp tục cử 103 bác sĩ đa khoa đang công tác tại trạm y tế đi học chứng chỉ bác sĩ gia đình, phủ kín toàn bộ 403 trạm y tế có bác sĩ đa khoa được học chứng chỉ bác sĩ gia đình.
Theo Báo ĐBND
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...