ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH và tiền lương

24/05/2018 03:27 PM


Chiều 23/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội Chang-Hee Lee về những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện 02 Đề án về cải cách chính sách tiền lương, BHXH, và việc sửa đổi Bộ luật Lao động, xây dựng tiến trình phê chuẩn các Công ước.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chia sẻ những thông tin liên quan về các nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngày 21/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết về cải cách chính sách BHXH cũng sẽ được ký trong thời gian tới. Đây là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trân trọng cảm ơn cá nhân ông Chang-Hee Lee nói riêng và ILO nói chung về những hỗ trợ tích cực cho Bộ LĐ-TB&XH trong việc xây dựng hiệu quả 02 Đề án nêu trên. Và để triển khai có hiệu quả 02 Đề án này, cũng như việc sửa đổi Bộ luật Lao động trong thời gian tới,… Bộ trưởng mong muốn ILO tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ để xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, và thống nhất một số nội dung khung chung như: Xây dựng chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách BHXH. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là những việc cần làm ngay, vì ngay trong tháng 5 này, Trung ương Đảng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về 02 đề án trên.

Về nội dung này, phía ILO đồng ý phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ để tiến hành triển khai trong thời gian sớm nhất.

Hai bên cũng thống nhất, sau khi có chương trình hành động, công tác tuyền thông cần phải được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bản thân doanh nghiệp cũng phải được tập huấn để phổ biến đến người lao động.

Về vấn đề sửa đổi Bộ luật Lao động và phê chuẩn các Công ước đã được đăng ký vào chương trình làm việc tháng 7/2019 của Quốc hội, dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào tháng 10/2019. Trước mắt, trong tháng 12/2018 Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thiện các thủ tục liên quan để trình Chính phủ và tháng 3/2019 Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung này.

Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội ông Chang Hee-Lee phát biểu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội nhất trí với quan điểm: Bộ luật Lao động là vấn đề lớn, được chi phối bởi nhiều luật khác nhau. Do đó, việc xây dựng dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động phải làm sao hội tụ đủ các luật khác nhưng không được trùng lắp và phải cao hơn luật chuyên ngành. Cụ thể, hai bên nhất trí sẽ chia thành 02 nhóm nội dung:

Về quan hệ lao động và điều kiện - tiêu chuẩn lao động, trong đó xây dựng những nội dung cốt yếu trọng tâm sửa đổi như tuổi nghỉ hưu, thời gian làm thêm, thang bảng lương, tổ chức của người đại diện.

Về nguồn lực, cần có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà chuyên môn: ILO có các nhóm chuyên gia ở Hà Nội, Bangkok, Geneve để hỗ trợ Việt Nam; Bộ LĐ-TB&XH sẽ huy động các chuyên gia có kinh nghiệm và sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả từ các bộ phận chức năng./.

PV