An cư cho người lao động: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

24/05/2018 02:21 PM


Để bảo đảm cho người lao động (NLĐ) được an cư, Nhà nước đã có nhiều chính sách về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó, có nhà ở cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay với phần lớn NLĐ, có một ngôi nhà để an cư vẫn là giấc mơ khó thực hiện.

90% công nhân phải thuê nhà trọ

Theo Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó bao gồm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đồng thời, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với các dịch vụ xã hội thiết yếu. Rõ ràng, vấn đề an cư cho NLĐ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, điều này được thể hiện bằng việc ban hành các thể chế, hành lang pháp lý khá đầy đủ, song, thực tế việc triển khai không dễ.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hiện tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có nhà ở ổn định, còn lại là đi thuê ở tạm với giá 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng. Thực tế, hầu hết các khu nhà trọ đều rất chật hẹp (bình quân 2 - 3m2/người), tạm bợ, vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe công nhân và trật tự an toàn xã hội.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Hà Nội chỉ có 3/9 khu công nghiệp có nhà ở cho công nhân. Chỉ tính riêng trong 9 khu công nghiệp này đã có tới 150.000 công nhân, nhưng mới chỉ có 19.650 chỗ ở, đáp ứng được hơn 10% nhu cầu. Còn lại gần 90% công nhân, người lao động vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, đặc biệt là nhà trẻ, trường mầm non còn ít, chưa thực sự giúp công nhân yên tâm lao động.

Đứng trước thực trạng trên, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Quyết định 655 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh thực hiện các giải pháp theo từng giai đoạn, bảo đảm đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Với người lao động, có một ngôi nhà để an cư vẫn là giấc mơ.

Sớm tháo gỡ khó khăn    

Đánh giá việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khảo sát ở các địa phương về vị trí xây dựng, nhu cầu các thiết chế công đoàn. Kết quả cho thấy, nhu cầu của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất về nhà ở và các công trình phúc lợi rất cao. Chính quyền cơ sở rất đồng tình và ủng hộ chủ trương xây dựng các khu thiết chế công đoàn phục vụ người lao động. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên nhiều địa phương có đất nhưng thiếu hạ tầng dẫn đến việc xây dựng các khu thiết chế công đoàn phù hợp với người lao động gặp không ít khó khăn.

Phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, việc xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế công đoàn gặp không ít thách thức, một phần vì đây là hoạt động phi lợi nhuận nên doanh nghiệp không mấy mặn mà, bên cạnh đó những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp “ngại” không muốn tham gia.

Thực tế, tại cuộc đối thoại mới đây với các doanh nghiệp bàn về vấn đề bảo đảm đời sống, tinh thần, văn hóa cho NLĐ, nhiều doanh nghiệp cho biết, dù phía công ty đã có kế hoạch xây dựng trường mầm non cho con em NLĐ nhưng phải trải qua rất nhiều thủ tục rườm rà như dù doanh nghiệp đã bỏ đất để xây dựng trường mầm non song theo quy định đất ở khu công nghiệp, khu chế xuất không được phép xây dựng trường mầm non nên buộc doanh nghiệp phải xin chuyển đổi sử dụng đất sau đó lại phải đi xin giấy phép hoạt động. Chính những quy định này khiến không ít doanh nghiệp ngại không muốn tham gia xây dựng các thiết chế Công đoàn.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện đã có 3 thiết chế được triển khai xây dựng tại Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Đến cuối năm năm 2018, những căn nhà đầu tiên có thể được bàn giao cho công nhân lao động ở khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam). Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước đi vào hoạt động.

Theo Báo ĐBND