Cơ chế đối thoại thường xuyên: Doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi

28/04/2018 09:33 AM


Không chỉ giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng… của người lao động (NLĐ), việc áp dụng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa chủ doanh nghiệp (DN) và NLĐ còn góp phần tăng năng suất cho DN.

Môi trường làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam thuận lợi, NLĐ thu nhập ổn định.

Cân bằng lợi ích

Hàng nghìn người lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam từ lâu đã coi đây như gia đình thứ 2 của mình bởi ngoài môi trường làm việc thân thiện, mức thu nhập ổn định thì những tâm tư nguyện vọng của họ luôn được lãnh đạo DN lắng nghe và thấu hiểu…

Những điều tốt đẹp ấy bắt nguồn từ những năm 2014, khi Công ty TNHH Canon Việt Nam nghiêm túc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Sau những cuộc đối thoại đó, các yêu cầu, kiến nghị của công nhân được giải quyết kịp thời. Đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ được cải thiện bằng nhiều chế độ, chính sách phúc lợi khác nhau... Cũng chính từ đó, NLĐ yên tâm làm việc, giúp Canon Việt Nam ngày một tăng trưởng bền vững; vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý như: DN có thành tích xuất sắc trong công tác lao động, tiền lương; DN thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng đồng…

Tại lễ trao giải “Doanh nghiệp vì người lao động năm 2017”, diễn ra không lâu, đã có 4 DN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được vinh danh. Kết quả này, một lần nữa khẳng định, NLĐ trong ngành dầu khí luôn được quan tâm, tôn trọng bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Thông qua các cuộc đối thoại đã tạo môi trường làm việc tốt hơn; xây dựng mối quan hệ giữa DN và NLĐ tin cậy, gắn bó cùng nhau chia sẻ lợi ích, khắc phục khó khăn để NLĐ cố gắng hơn nữa, cống hiến sức lực, trí tuệ, kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Tăng cường đối thoại

Theo đại diện tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, để có mối quan hệ lao động hài hòa, mang lại lợi ích cho các bên, tăng cường đối thoại là một trong những biện pháp quan trọng. Đối thoại xã hội có thể diễn ra dưới dạng ba bên (bao gồm Chính phủ, NLĐ và DN), hoặc có thể bao gồm các mối quan hệ hai bên giữa NLĐ và lãnh đạo DN (hay tổ chức công đoàn, tổ chức của người sử dụng lao động), có hoặc không có sự tham gia gián tiếp Chính phủ.

Tuy nhiên, để có được các cuộc đối thoại, đặc biệt trong những DN có vốn đầu tư nước ngoài, không hề dễ dàng.

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam - cho biết, là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, với hơn 28.300 lao động, để có được các buổi đối thoại, hài hòa lợi ích của DN và NLĐ, nhiều lúc đại diện công đoàn cũng phải căng thẳng “nảy lửa” mới có thể đạt được các thỏa thuận có lợi nhất cho NLĐ.

Vì vậy, để việc đối thoại thuận lợi hơn, theo ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh - trước hết, cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh thương lượng, như vậy mới có thể thuyết phục DN. Mặt khác, công đoàn phải khéo léo lựa chọn nội dung mỗi lần đối thoại. Bên cạnh các ý kiến về quyền lợi của NLĐ, cũng nên tổ chức lấy ý kiến và trao đổi về các biện pháp tiết kiệm hay nâng cao năng suất, làm sao cho DN hiểu rằng đối thoại đem lại lợi ích cho cả đôi bên.

Theo Khoản 3, Điều 63 Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định thưc hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: 3 tháng/lần, người sử dụng lao động phải chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở để trao đổi, thảo luận các vấn đề về tình hình sản xuất, kinh doanh, điều kiện làm việc, yêu cầu của NLĐ và người sử dụng lao động…

 

Theo Báo Công thương