Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 năm 2018 được tổ chức từ ngày 1-31/5

19/04/2018 09:57 AM


Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp báo thông tin về Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 2 năm 2018.

Quang cảnh buổi họp báo.

Tại buổi Họp báo, ông Hà Tất Thắng cùng các đại biểu đã thông tin nhanh về tình hình tai nạn lao động năm 2017; các thông tin tổ chức về Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 cũng như giải đáp, trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình hình điều tra tai nạn lao động, môi trường lao động, y tế lao động...

Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 năm 2018 được tổ chức từ ngày 1-31/5, với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ-BNN”. Ban Chỉ đạo quốc gia lựa chọn TP.HCM là địa phương tổ chức mít tinh cấp Nhà nước hưởng ứng Tháng hành động; Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Hải quân làm điểm toàn quân mít tinh hưởng ứng Tháng hành động.

Cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả NLĐ làm việc không theo HĐLĐ), với 898 vụ TNLĐ chết người (928 người chết). Đáng chú ý, khu vực có quan hệ lao động đã xảy ra 7.749 vụ TNLĐ làm 7.907 người bị nạn, trong đó có 648 vụ TNLĐ chết người. TP.HCM là địa phương thống kê số người chết vì TNLĐ nhiều nhất, Bắc Ninh có số người chết tăng cao hơn so với năm 2016.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ -  Phó Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH), trong số 10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất năm 2017, TP.HCM đứng đầu với 122 vụ (123 người chết, 306 người bị thương nặng), tiếp theo là Hà Nội với 66 vụ (66 người chết, 64 người bị thương nặng), các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Phú Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Yên Bái, Thanh Hóa cũng được “điểm danh” trong nhóm địa phương có người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2017.

Đáng lưu ý, từ số vụ TNLĐ có người chết cho thấy, có tới 45,51% nguyên nhân chủ quan do người SDLĐ. Trong đó, có tình trạng người SDLĐ vi phạm các quy định, để cho tình trạng máy móc không an toàn, không áp dụng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiếu các điều kiện an toàn cần thiết. Số vụ TNLĐ có nguyên nhân do NLĐ chiếm khoảng 20%- chủ yếu do vi phạm quy trình, quy chuẩn ATLĐ. “Thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2017 do chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương là 1.541 tỉ đồng; 4,8 tỉ đồng thiệt hại về tài sản; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 136.918 ngày”- ông Thơ nhận định.

Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí luyện kim. Các địa phương có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất là Phú Yên (35 vụ làm 35 người chết), TP.HCM (21 vụ làm 21 người chết), Quảng Ninh (18 vụ làm 19 người chết), Bắc Ninh (17 vụ làm 17 người chết), Lạng Sơn (15 vụ làm 15 người chết), Yên Bái (15 vụ làm 15 người chết). Một số địa phương TNLĐ xảy ra đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ cao hơn so với khu vực có quan hệ lao động như: Phú Yên, Yên Bái, Lạng Sơn.

Trong khuôn khổ Tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Truyền thông về ATVSLĐ theo hướng đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng; thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ đối với các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao; các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của DN và NLĐ; Ban Chỉ đạo quốc gia và lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương tiến hành thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị TNLĐ. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức huấn luyện, hội thao, hội thi, hội thảo, triển lãm, diễn đàn về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ...

Lễ Phát động quốc gia được tổ chức vào ngày 06/5/2018./.

PV