Dự thảo Luật Dân số chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

10/04/2018 10:53 AM


Ngày 9/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiến hành phiên họp thẩm tra dự thảo Luật Dân số. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Thường trực một số Ủy ban cuả Quốc hội, đại diện Phó trưởng đoàn đại biểu một số tỉnh; đại diện Bộ y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê.

Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Dự thảo Luật Dân số được bố cục với 07 Chương và 32 Điều quy định về quy mô dân số và kế hoạch hóa gia đình; cơ cấu dân số; phân bố dân số; chất lượng dân số; điều kiện đảm bảo thực hiện công tác dân số và thi hành. Các nội dung dự thảo Luật về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu do Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, đó là duy trì vững chắc mức sinhthay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dấn số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là các vấn đề sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; chiều cao; tuổi thọ cùng các giải pháp cụ thể, thiết thực của công tác y tế đặc trưng gắn với dân số và phát triển. Dự thảo Luật dân số góp phần thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng về công tác dân số, trực tếp nhất là nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số; bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013, phù hợp với các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn quốc tế, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, tính tương thích với các Điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình.

Về một số nội dung chủ yếu, Dự thảo Luật Dân số đã có các quy định cụ thể về nội dung quy mô dân số và kế hoạch hóa gia đình. Theo đó dự thảo có quy định về số con, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế. Dự thảo Luật cũng quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Quy định về cung cấp, sử dụng biện pháp tránh thai; phòng, tránh có thai ngoài ý muốn của trẻ em, người chưa thành niên, thanh niên; quy định tổ chức, cá nhân cung cấp biện pháp tránh thai phù hợp; cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kỹ thuật an toàn, chất lượng, đa dạng thuận tiện phù hợp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định trẻ em, người chưa thành niên, thanh niên có quyền được hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh có thai ngoài ý muốn và tiếp cận thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại; quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh sản khoa, cơ sở dịch vụ dân số, gia đình và nhà trường có trách nhiệm trong việc phòng tránh có thai ngoài ý muốn của trẻ em, người chưa thành niên, thanh niên.

Nội dung về phân bố dân số, dự thảo Luật kế thừa quy định của Pháp lệnh Dân số về phân bố dân số và bổ sung một số quy định về bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khan, đảm bảo người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản; có chính sách hỗ trợ hợp lý để thu hút, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài tại vùng biên giới, hải đảo.

Ngoài các vấn đề trên, dự thảo luật cũng quy định về vấn đề kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tư vấn, tầm soát, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai là người dân tộc thiểu số…

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì buổi làm việc.

Thảo luận tại buổi làm việc, một số đại biểu nhận định việc ban hành Luật phải bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, lồng ghép giới trong xây dựng Luật, thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân số; kế thừa những quy định còn giá trị trong pháp luật dân số hiện hành, đảm bảo sự bình đẳng giới, khắc phục những tồn tại hạn chế để điều chỉnh toàn diện các vấn đề dân số phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam. Với tinh thần đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về dân số có vai trò rất quan trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cần duy định rõ hơn trong dự thảo Luật về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về dân số; quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dân số; sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trong thực hiện công tác dân số, để đảm bảo các chính sách về dân số có hiệu quả thật sự đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Một số đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật Dân số có quy định về việc điều chỉnh quy mô dân số, theo đó việc điều chỉnh mức sinh và ổn định quy mô dân số phải phù hợp với sự phát triển kinh tê- xã hội, quốc phòng, an ninh, tài nguyên, môi trường. Tuy nhiên dự thảo lại không quy định cụ thể, chi tiết quy mô dân số được điều chỉnh như thế nào? thẩm quyền điều chỉnh thuộc về ai ? Do đó, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, thiết kế cụ thể lại một số điều luật, đảm bảo vấn đề đã đưa ra trong luật phải rõ ràng, minh bạch, tạo tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn./.

Theo quochoi.vn