Nữ lao động nhập cư khu vực phi chính thức: Thiếu chính sách đặc thù

09/04/2018 04:12 PM


Việc chưa có những chính sách cụ thể dành cho lao động nữ di cư làm việc trong khu vực phi chính thức là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyền và lợi ích của nhóm lao động này bị ảnh hưởng cũng như hạn chế tiếp cận các quyền an sinh xã hội khác.

Không biết đến tương lai

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hòa Bình, sau khi tốt nghiệp lớp 12, chị N.T.L quyết định lên Hà Nội tìm việc làm. Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là nơi chị tìm đến. Sau 5 ngày với sự giúp đỡ của bạn ở trọ, chị tìm được việc làm ở trong một công ty lắp ráp linh kiện. Chị L cho biết, công ty không yêu cầu tôi phải được đào tạo ngành nghề gì vì công việc của tôi rất đơn giản làm theo dây chuyền. Với tôi, dành từ 10 - 12 tiếng tại công ty với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng là một ước mơ lớn. Cuộc sống 3 năm qua là làm việc tại nhà máy và ngủ tại nhà trọ. Tôi chưa biết tương lai sắp tới của mình như thế nào. Nếu bị công ty nghỉ việc, chắc tôi sẽ trở về quê, nhưng cũng chưa biết làm gì vì không có thêm được kiến thức, kỹ năng gì cho công việc khác.

Câu chuyện của chị L cũng là hoàn cảnh của hàng triệu lao động nữ nhập cư tại các thành phố lớn. Quyết định ra đi và khó hình dung được tương lai gần của mình. Cũng không hiếm lao động nữ, làm trong công ty, đến khi có gia đình, có thai thì xin nghỉ việc, cũng chưa có cơ hội để gặp nhân sự hoặc đại diện công đoàn - nghĩa là họ chưa được tiếp cận với những quyền lợi của người lao động. Áp lực về thu nhập đã khiến họ dè dặt trong việc lên tiếng về quyền lợi của mình. Câu chuyện của chị N.T.D ở Phú Thọ là một điển hình về khía cạnh giới, bình đẳng giới trong cơ hội việc làm cũng như quyền tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Chị D cho biết, khi con ốm đau, chị phải nghỉ việc, nên thu nhập không được là bao. Hai vợ chồng đều là công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nên đành phải gửi con về cho ông, bà nuôi. Chị bùi ngùi, cố làm thêm vài năm nữa, có ít vốn lại về quê.

 Kết quả khảo sát về thị trường lao động cho phụ nữ nhập cư (năm 2017) tại Hà Nội, được hỗ trợ bởi tổ chức Plan International cho thấy, đa số nữ lao động nhập cư đang làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức, có rất ít cơ hội tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và chưa  được đào tạo nghề nghiệp chính quy bởi các doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động. Đáng quan tâm hơn, khoảng 70% phụ nữ nhập cư lao động trong khu vực phi chính thức chưa có được hợp đồng lao động; chưa được được đào tạo kỹ năng nghề. Hầu hết nữ lao động nhập cư tham gia khảo sát không biết ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học; kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp còn hạn chế. 256 nữ lao động nhập cư được hỏi cho biết có rất ít cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng nghề do việc làm bấp bênh, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài.

Những gợi ý cho chính sách

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội TS. Nguyễn Quang Việt đánh giá, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật, chính sách về lao động - việc làm khá toàn diện, trong đó có các quy định hỗ trợ áp dụng cho lao động nữ di cư. Tuy nhiên, các chính sách đặc thù hỗ trợ cho lao động nữ di cư học nghề tại Hà Nội và các thành phố, đô thị lớn vẫn còn thiếu. Các chính sách ưu đãi về học nghề và việc làm của Nhà nước thường gắn với hộ khẩu, vô hình trung nữ lao động di cư thường bị gạt ra ngoài. Đồng tình với nhận định của ông Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hà Nội Phạm Quang Vinh nêu thực tế, hiện nay chưa có chính sách miễn giảm học phí cho học viên là nữ di cư. Nếu muốn hưởng chế độ này, học viên phải trở về địa phương, nhưng khó ở chỗ nếu có hỗ trợ thì chỉ hỗ trợ cho việc học và làm việc tại địa phương; hơn nữa không phải địa phương nào cũng có chế độ miễn, giảm học phí.

Sẽ còn trăn trở hơn, khi nghe chia sẻ của một lao động nữ nhập cư: “Chúng tôi chưa được tiếp cận thông tin hoặc tư vấn về nghề nghiệp hay việc làm. Một số người trong số chúng tôi muốn được tham gia bảo hiểm xã hội và y tế tự nguyện, nhưng không có được thông tin là sẽ đóng như thế nào và ở đâu. Thêm nữa, nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng không áp dụng cho các ngày nghỉ phép do con ốm, do mình ốm hay bệnh hoặc tai nạn nghề nghiệp trong khi những quyền lợi ngắn hạn này lại rất quan trọng đối với những người nhập cư chúng tôi”. Rõ ràng, những trăn trở, lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi hầu hết các chính sách chỉ “khuyến khích” nhưng không “bắt buộc” các DN, chẳng hạn Nhà nước chỉ khuyến khích các khu công nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, trung tâm y tế hoặc các trường mẫu giáo cho trẻ em của công nhân lao động, mà phần lớn những công nhân này là lao động di cư. 

Có thể thấy, kết quả khảo sát, cũng như những phát hiện liên quan sẽ là những gợi ý quan trọng cho quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc các cơ quan hữu quan cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ di cư tại khu vực thành thị; thì cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp giám sát có hiệu quả việc thực thi các chính sách về lao động - việc làm; cung cấp các hoạt động nâng cao năng lực và những hướng dẫn cần thiết để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển chương trình, tổ chức đào tạo linh hoạt, thích ứng với các nhóm đối tượng đặc thù như lao động nữ di cư. Ngoài ra, chính sách liên quan đến lao động di cư nói chung, lao động nữ nói riêng rất cần sự chung tay của các DN, tổ chức xã hội, cộng đồng để góp phần nâng cao nhận thức quyền cho lao động di cư./.

Theo ĐBND