"Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0"

17/03/2018 10:53 PM


Đó là tiêu đề của Tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức vào sáng 17/3 tại Hà Nội. Toạ đàm do Tạp chí Người Làm Báo phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Báo Nhà báo & Công luận và Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, toạ đàm nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2018.

Quang cảnh tọa đàm.

Tham dự chương trình tọa đàm có các nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; TS Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; PGS,TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo và nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội Báo toàn quốc 2018; là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo giao lưu, gặp gỡ, trao đổi thông tin về những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền báo chí cũng như quá trình tác nghiệp của nhà báo; tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa các cơ quan báo chí với cơ sở đào tạo báo chí nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự thay đổi của báo chí.

Tại buổi giao lưu, một số vấn đề được đưa ra bàn luận như các nội dung của Cách mạng Công nghiệp 4.0; vấn đề làm báo đa phương tiện; vấn đề giảng dạy cho sinh viên báo chí trong thời đại 4.0 hiện nay; vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công nghệ làm báo mới...

TS Trần Quang Diệu phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Trần Quang Diệu, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Trong mỗi cơ quan báo chí, nếu chỉ quan tâm tới việc có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, mà yếu tố nhân sự không theo kịp, hoặc chỉ yêu cầu một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ học cách làm báo theo xu thế mới, thì chưa đủ. Lãnh đạo tòa soạn nếu không thực sự hiểu và xoay chiều theo cuộc cách mạng đó, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số. Vì vậy, đây phải là cuộc cách mạng toàn diện, thay đổi theo chuỗi và thật sự phải “khớp” với nhau”.

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng trong thời đại Kỷ nguyên số, một nhà báo hiện đại phải có đủ kỹ năng: vừa biết viết, biết chụp, biết quay, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình. Tuy nhiên, hiện tìm được một phóng viên hội tụ đầy đủ cả những kỹ năng đó rất hiếm. Nhà báo hiện đại không chỉ biết kỹ năng 3 trong 1 (viết báo hay, chụp ảnh đẹp, quay video ngắn). Ngoài ra, họ cần phải biết những kỹ năng khác như tương tác mạng xã hội, lập trình… Sau nhiều năm nghiên cứu về xu hướng báo chí và công nghệ trong báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả, song đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến về những thuận lợi cũng như thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là dịp để các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cơ sở đào tạo báo chí, sinh viên có thể gặp gỡ, trao đổi hiểu hơn về những tác động của Cách mạng 4.0 đến báo chí trong nước./.

PV