5 năm thực hiện công tác tuyên truyền BHXH, BHYT tại Kiên Giang: Nhiều chuyển biến tích cực

15/03/2018 10:30 AM


Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2011-2020”, tại kết quả qua 5 năm đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và người lao động đã có sự chuyển biến về nhận thức, đã góp phần nâng tỷ lệ tham gia BHXH từ mức 7.24% (năm 2012) lên 8.06% (năm 2017), số người tham gia BH thất nghiệp từ mức 52.571 người (năm 2012) lên 71.707 người (năm 2017) và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh từ mức 49.72% (năm 2012) lên mức 80.53% (năm 2017).

BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện, như: Kế hoạch số 83-KH/TU, ngày 28-5-2013, Công văn số 1056-CV/TU, ngày 18-8-2014 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 71/KH-UBND, ngày 22-8-2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND, ngày 15-7-2015 về hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND, ngày 20-7-2017 về quy định mức hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngân sách địa phương đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh; Hướng dẫn số 34-HD/BTG, ngày 15-3-2013 về việc tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”, Hướng dẫn số 77-HD/BTG, ngày 15-7-2015 về việc tăng cường công tác tuyên truyền về BHXH cho mọi người lao động và Bảo hiểm y tế toàn dân của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Quy chế phối hợp số 1062/QC-BTGTU-BHXH, ngày 13-12-2017 về việc phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2018-2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Thông qua các hình thức như: Tổ chức triển khai, quán triệt, học tập nghị quyết; tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trên các Bản tin của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; qua các buổi sinh hoạt định kỳ, tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các đoàn thể, tổ sản xuất;qua các cơ quan truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng... Sau 5 năm, tỉnh đã phổ biến cho trên 96% cán bộ, đảng viên, trên 85% đoàn viên, hội viên và khoảng 65% quần chúng nhân dân, trong đó: có trên 25.000 (số thực 25.300) lượt hội viên Hội Cựu chiến binh, trên 400.000 (số thực 406.416) lượt hội viên Hội Phụ nữ, trên 3.600 000 (số thực 3.635) hội viên Hội Nông dân. Tổ chức Hội thi và có trên 500 bài dự thi tìm hiểu về Luật BHXH, Luật BHYT; tổ chức 07 hội thi tìm hiểu pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn với 95 đơn vị tham gia, trên 4.600 (số thực 4.640) lượt thí sinh; tuyên truyền trực tiếp 61 cuộc với trên 700 (số thực 727) lượt doanh nghiệp, gần 9.400 (số thực 9.370) lượt người tham dự. Tổ chức 15 cuộc đối thoại, tọa đàm trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình. Đài Phát thanh-Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang đã đăng được 770 (số thực 769) tin, bài, ảnh và hỏi đáp về các nội dung trên Báo Kiên Giang; phát sóng 120 chuyên mục BHXH, 250 tin bài trong chương trình thời sự, 12 chương trình phát thanh trực tiếp trên sóng phát thanh trên Đài Phát thanh và Truyền hình; 60 chuyên mục, 100 tin bài trên sóng truyền hình để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, lồng ghép trong các hoạt động của đoàn thanh niên và của công đoàn. Tuyên truyền thông qua hình thức thông tin cổ động trực quan và các hình thức khác: Lắp đặt gần 500 tấm pano, trên 2.000 băng rôn tại các khu đông dân cư; biên soạn, in ấn và phát hành trên 420.000 tờ gấp tuyên truyền về BHYT học sinh, sinh viên, 1.350.000 tờ gấp về BHYT hộ gia đình, 45.000 tờ gấp Những điều cần biết về BHXH tự nguyện, 32.000 tờ gấp về BHYT đối với doanh nghiệp, mua và phát hơn 42.000 cuốn báo, tạp chí BHXH đến các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh...

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT có lúc, có nơi chưa nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, còn tình trạng xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH; việc tuyên truyền cho người lao động trong doanh nghiệp đôi lúc còn gặp khó khăn do tinh thần hợp tác của một số chủ doanh nghiệp chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền một số nơi từng lúc chưa chú trọng, nên chưa chỉ đạo các đoàn thể vào cuộc; công tác phối hợp giữa BHXH với các ban, ngành, đoàn thể ở huyện chưa thường xuyên; đội ngũ làm công tác tuyên truyền còn hạn chế, công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp tuyên truyền không thường xuyên, hiệu quả tuyên truyền chưa cao...

Để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới: Cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và xác định rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền, các cơ quan chuyên môn đối với công tác BHXH, BHYT và BH tai nạn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nội dung tuyên truyền đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 83-KH/TU, các hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, kết hợp giới thiệu các mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay để người dân hiểu biết đầy đủ hơn về nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tự giác thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91,11% dân số toàn tỉnh./.

Trần Quốc Giang