Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngành BHXH - Nhiều bứt phá ngoạn mục
26/02/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2017 vừa khép lại với những thành tựu ấn tượng, toàn diện mà đất nước ta đạt được trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để đất nước ta bước vào năm 2018 - năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) với niềm tin mới, khí thế mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, phục vụ sự nghiệp an sinh xã hội. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dành cho Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam cuộc trao đổi đầy ý nghĩa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam ngày 04/01/2018. (Ảnh: AK)
- Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT. Ông có thể đánh giá về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam trong năm vừa qua?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2017, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, nhất là thuận lợi từ thành quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.
Song, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân ta, nhìn lại năm 2017, chúng ta đã tiếp tục tận dụng được những thời cơ, thuận lợi; ra sức khắc phục những khó khăn thách thức về thiên tai, thậm chí còn biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, hành động để rồi vững bước đi lên, đạt được những thành tựu toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng…; vai trò, vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế.
Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, đất nước ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Công tác an sinh xã hội, trong đó có việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2017, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt khoảng 13,9 triệu người, bằng 100,8% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; BH thất nghiệp là 11,72 triệu người; BHXH tự nguyện 291 nghìn người; BHYT khoảng 80 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86% dân số cả nước. Tổng số thu toàn Ngành ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, đạt 101,6% so với kế hoạch giao. Nợ BHXH là 5.737 tỷ đồng, bằng 2,9% số kế hoạch thu do Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 0,8% so với năm 2016. Ngành BHXH cũng giải quyết cho 9,9 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, thanh toán chi phí KCB BHYT cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú, ngoại trú và thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT trên 85 nghìn tỷ đồng. Những kết quả này đã phản ánh những nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành BHXH trong năm vừa qua.
- Phóng viên: Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Luôn sát sao trong công tác chỉ đạo Ngành BHXH thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ông có ý kiến như thế nào về thực hiện chủ trương này của Ngành BHXH?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Ngành BHXH đã nghiêm túc thực hiện, triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống.
Theo xếp hạng tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 (Doing Business 2018 report) được Ngân hàng thế giới (WB) công bố tháng 10/2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2016, lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Trong đó, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất, vượt 81 bậc lên vị trí 86/190. Theo phân tích của WB, chỉ số này được ghi nhận từ những cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng CNTT, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục BHXH. So với năm ngoái, thời gian nộp BHXH đã giảm 42 giờ và thời gian nộp thuế không thay đổi.
Để có được kết quả đó, Ngành BHXH đã tích cực đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát, đánh giá các quy trình, nghiệp vụ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc của người dân, đơn vị, DN; tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai việc giao dịch hồ sơ điện tử; giao nhận và trả hồ sơ qua các đơn vị cung cấp dịch vụ công; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, đưa số thủ tục hành chính của Ngành từ 32 xuống còn 28 thủ tục và giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về BHXH của các DN. Đồng thời, duy trì hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 áp dụng trong các hoạt động của Ngành có hiệu quả; triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo, điều hành của Ngành.
Bên cạnh đó, Báo cáo Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2017) do Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, cũng đã ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục của BHXH Việt Nam. Tăng 18 bậc so với năm 2016, BHXH Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công... Đó là do BHXH Việt Nam đã tạo dựng được nền tảng vững chắc về hạ tầng CNTT, làm cơ sở quan trọng để thực hiện hiện đại hóa quản lý BHXH. Đồng thời, tăng sức thu hút của chính sách BHXH, BHYT với người dân với một số kết quả nổi bật như: Hoàn thành cơ bản việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH, BHYT trên phạm vi cả nước; khai trương và đi vào vận hành ổn định, hiệu quả “Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam” (phiên bản nâng cấp) - đây là điểm truy cập duy nhất của BHXH Việt Nam trên môi trường Internet; cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động, chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân.
Ngành BHXH cũng đã đưa Trung tâm Điều hành Hệ thống CNTT Ngành BHXH và Trung tâm Dịch vụ khách hàng vào hoạt động. Đồng thời, hoàn thiện Hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ tổng thể Ngành BHXH như: Hệ thống một cửa tập trung; Hệ thống giao dịch điện tử; Hệ thống thu, sổ - thẻ và quản lý tài chính, giải quyết các chế độ BHXH; Hệ thống thông tin giám định BHYT. Hoàn thành việc số hóa công tác quản lý và lưu trữ đối với trên 4,5 triệu hồ sơ hưởng BHXH.
Tôi đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam trong thực hiện thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ công giúp người dân và DN tiếp cận với BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bước đầu đạt được kết quả tốt, được cộng đồng DN và người dân hài lòng, tin tưởng.
- Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/7/2016 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 06/9/2017, Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với các thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT. Ông có thể cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trong KCB BHYT, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT là rất lớn, năm 2015 chiếm 48,3% và năm 2016 là 41%.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, với mục tiêu lựa chọn thuốc có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh BHYT, tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/7/2016 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 06/9/2017, Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với các thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT. BHXH Việt Nam đã chủ động chuẩn bị mọi mặt để triển khai thực hiện. Trong quý IV năm 2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 20 mặt hàng trúng thầu đã công bố là 935,99 tỷ, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng. Trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 01 giảm từ 27,3% đến 42,8%, một mặt hàng thuốc nhóm 05 giảm tới 54,7%.
Quá trình đấu thầu thuốc đã được BHXH Việt Nam tổ chức công khai, minh bạch, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, cạnh tranh công bằng và lựa chọn được các mặt hàng có chất lượng, giá hợp lý.
Tôi đánh giá cao kết quả của lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức. Kết quả này đã góp phần đáng kể để điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT nói riêng, người dân nói chung.
- Phóng viên: Như Phó Thủ tướng đã đánh giá tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam đầu năm 2018, công tác phát triển đối tượng của Ngành đã có những thành công vượt bậc. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Xin Phó Thủ tướng cho biết nhận định của ông về vấn đề này?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm vừa qua, Ngành BHXH đã có thành công vượt bậc trong công tác phát triển đối tượng, đặc biệt là đối tượng tham gia BHYT.
Năm 2017, số người tham gia BHYT là 78,23 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 83,8% dân số. BHXH Việt Nam đã thực hiện vượt mức kế hoạch được Chính phủ giao. Đây là một cố gắng vượt bậc của BHXH trong thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, hướng tới bao phủ và chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, việc phát triển số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp còn vô cùng khó khăn. Nghị quyết số 21-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia BH thất nghiệp. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi phải có một lộ trình thực hiện chặt chẽ và quyết tâm chính trị rất cao.
Cuối năm 2016, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH trong đó nêu rõ, công tác BHXH cũng bộc lộ một số hạn chế như đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 23% lực lượng lao động, đối tượng tham gia BH thất nghiệp chỉ đạt gần 20%; nhận thức của một số người sử dụng lao động, NLĐ về lĩnh vực BHXH còn hạn chế… Chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp; nỗ lực phấn đấu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp vào năm 2020. Đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, trình HĐND quyết định; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay chúng ta mới có được gần 14 triệu người tham gia BHXH, mới đáp ứng được 60-70% tổng lực lượng lao động đang làm việc. Để thực hiện BHXH cho mọi NLĐ thì số lao động còn lại chưa tham gia là một thách thức vô cùng lớn đối với Ngành BHXH.
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến những thách thức như vấn đề về thị trường lao động, vấn đề dôi dư lao động, già hóa dân số. Riêng lĩnh vực y tế còn phải đối mặt với sự đan xen các mô hình bệnh tật mà Việt Nam lại chưa đạt đến trình độ về y tế cao như trong khu vực và trên thế giới. Việc thu hồi nợ BHXH, BHYT, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đang diễn ra phức tạp cũng là những khó khăn rất lớn đối với Ngành BHXH hiện nay.
Chúng ta cũng cần đặt BHXH, BHYT trong bối cảnh mới đó là sự bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và với những tác động có tính toàn cầu của cuộc cách mạng này. Đặc biệt là tự động hóa, trí tuệ nhân tạo giải quyết việc làm… ảnh hưởng rất lớn tới an sinh xã hội. Cách mạng công nghệ vừa lan tỏa, vừa thôi thúc Ngành BHXH thay đổi mạnh mẽ mà trước hết ở phương thức quản lý số đơn giản, hiệu quả, trung thực, kinh tế… Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ này cũng mang đến không ít thách thức cho Ngành BHXH, yêu cầu đổi mới càng cần phải đặt ra một cách quyết liệt.
- Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, năm 2018, Ngành BHXH cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nào?
+ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Để thực hiện thành công các mục tiêu về BHXH, BHYT mà Đảng ta đã đề ra trong Nghị quyết số 21, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân. Đặc biệt, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phải rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo tính khả thi cao.
Năm 2018, BHXH Việt Nam cần phát huy những kết quả đạt được; quyết liệt trong khắc phục tồn tại, hạn chế; đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2018, các bộ, ngành và BHXH Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ làm tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ. Cụ thể: BHXH Việt Nam phải chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan làm tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; thanh tra, xử lý nghiêm tình trạng nợ đọng, trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các bộ, ngành Trung ương trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Tiếp tục tổ chức đấu thầu thuốc tập trung để giảm giá thuốc, kể cả đối với biệt dược gốc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công an nghiên cứu, đề xuất việc đấu thầu thuốc tập trung đối với thuốc do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sử dụng trong KCB BHYT để bảo đảm công khai, minh bạch; nghiên cứu, đề xuất việc đấu thầu tập trung đối với vật tư, thiết bị y tế trong năm 2018.
Ngành BHXH cần tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ và nhân dân; hoàn thiện các quy trình quản lý nghiệp vụ phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động; ổn định tổ chức, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, điều hành, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT nhằm thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2018 cũng là năm thứ 6 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020, BHXH Việt Nam tổng hợp kết quả và đề xuất tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện. Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”, “Chiến lược phát triển Ngành BHXH giai đoạn 2013-2020”.
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược, BHXH Việt Nam cũng cần kịp thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội ở Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tham gia tích cực vào việc xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH để Chính phủ trình Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.
Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, tôi chúc cán bộ công chức, viên chức, NLĐ Ngành BHXH, các đối tượng tham gia BHXH, BHYT thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao.
- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Thu Hương (thực hiện)
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...