Sẵn sàng đối mặt với cuộc cách mạng 4.0

21/02/2018 04:02 PM


“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, bên cạnh những thách thức như nguy cơ mất việc làm, thì cũng có rất nhiều cơ hội cho NLĐ. Và cơ hội này sẽ dành cho những người có chuẩn bị trước và nắm bắt kịp thời. Điều quan trọng là giai cấp công nhân với vai trò tiên phong của mình đã chuẩn bị đón nhận cơ hội này như thế nào”. Đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi nói về công nhân đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận cuộc cách mạng 4.0.

Công nhân vẫn mơ hồ về cuộc cách mạng 4.0

Đặc trưng nổi bật của cách mạng công nghiệp 4.0 là nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc. Đây được xem là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp và trung đang làm việc trong các nhà máy. Là hạt nhân và chịu nhiều tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song nhiều công nhân hiện nay chưa nhận thức rõ về những thách thức mà mình sẽ gặp phải trong thời đại mới.

Robot sẽ thay thế con người làm những công việc giản đơn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, quê Nam Định, hiện đang làm công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Chị cho biết, tốt nghiệp lớp 12, thi trượt đại học. Được chị hàng xóm giới thiệu, chị nộp hồ sơ vào nhà máy và được nhận và làm việc. Chị làm việc ở đây đã được 4 năm và có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Theo chị Huyền, công việc hàng ngày khá đơn giản, kiểm tra và dán nhãn các sản phẩm nên khi được nhận vào nhà máy, chỉ sau vài buổi hướng dẫn và phổ biến nội quy, chị đã bắt tay vào làm việc mà không cần trải qua bất kỳ khóa đào tạo nghề nghiệp nào. Công việc đơn giản đồng nghĩa với việc khi áp dụng công nghệ 4.0, nguy cơ máy móc có thể thay thế được công việc của chị Huyền rất cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 và khả năng máy móc sẽ dần thay thế công việc của mình đang làm, chị Huyền cho biết, có nghe về cách mạng 4.0, rằng máy móc sẽ dần thay thế con người nhưng chị cho rằng: “Để áp dụng tại Việt Nam mà cụ thể là áp dụng máy móc hiện đại để thay thế công việc giản đơn của con người tại công ty chị đang làm thì còn lâu. Chỉ ở những nước tiên tiến mới có thể áp dụng được những công nghệ hiện đại này”.

Không chỉ Huyền mà nhiều công nhân khác cũng đang lơ mơ về cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bởi hiện nay, tại các khu công nghiệp, một vòng luẩn quẩn đang diễn ra phổ biến với đa số công nhân “tăng ca - ngủ - tăng ca”. Nhiều công nhân cho biết, hầu như họ không tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hay học hành trường lớp và cũng không bằng cấp để nâng cao trình độ.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đa phần công nhân chưa qua đào tạo, phần lớn trong số họ chưa từng học nghề. Trong khi đó, các doanh nghiệp thích tuyển dụng công nhân không có kỹ năng, sau đó vào tập huấn ngắn hạn. “Điều đáng lo nhất hiện nay là công nhân chưa hiểu bản chất của cách mạng công nghệ 4.0. Với nhiều người, cuộc cách mạng này chỉ diễn ra ở các nước phát triển hiện đại, không ảnh hưởng đến Việt Nam và không ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của mình nên chưa có ý thức đào tạo, học tập để thích ứng với thời cuộc”, ông Thọ cho hay.

Ngay tại Việt Nam, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã bắt đầu được áp dụng, máy móc hiện đại đang dần thay thế lao động giản đơn. Ví như Công ty may 10 đã nhập một số dây chuyền máy móc hiện đại thay thế những khâu mà trước đây công nhân phải làm. Một máy cắt ở xí nghiệp may có thể thay thế cho 15 lao động trong dây chuyền. Thời gian hoàn vốn đầu tư máy chỉ mất 18 tháng.

Cơ hội để nâng cao năng suất và thu nhập cho NLĐ

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp. 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh...

Công nhân Việt Nam cần nâng cao tay nghề để chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nói về việc NLĐ có nguy cơ mất việc do tự động hóa, các chuyên gia cho rằng, nên nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách tích cực, đó là tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất chứ không nhằm mục đích thay thế con người. Tự động hóa sẽ thay thế con người ở những công việc đơn giản nhưng ngược lại, các công ty sẽ tăng thêm đội ngũ nhân lực có tay nghề cao để có thể quản lý được máy móc. Khi tự động hóa, thị trường lao động sẽ phải chuyển đổi theo hướng tích cực hơn và chất lượng của đội ngũ nhân sự sẽ được nâng cao.

Kết quả của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là nhiều công việc mới được tạo ra hơn so với những công việc mất đi. Ví dụ, máy tính đã thay thế các công việc như nghề đánh máy nhưng cũng tạo ra nhu cầu rất lớn trong các công việc xây dựng, vận hành và điều khiển máy tính. Những công việc mới được tạo ra từ công nghệ thường khó dự đoán và đó cũng là lý do khiến nhiều bài báo nhận định tiêu cực bị lấn át gần đây. Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, nhiều công việc mới vẫn chưa được tạo ra, cụ thể có tới 65% công việc mà thế hệ Z (sinh năm 1995-2012) đảm nhiệm trong tương lai hiện vẫn chưa xuất hiện.

Hiện đại hóa và tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời đại. Cuộc cách mạng khoa học cộng nghệ 4.0 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu con người. Mọi người cần nhìn nhận đây là xu hướng mang lại cơ hội hơn là đe dọa. Tự động hóa không thể thay thế con người trong việc ra quyết định cũng như linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cần phải có kỹ năng mà máy móc không thể có, như khả năng lãnh đạo, làm chủ DN. Máy móc sẽ thay thế những kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại. Để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng. Đồng thời các DN và chính phủ cũng phải tham gia nâng cao kỹ năng cho NLĐ, tạo điều kiện cho họ dịch chuyển một cách tự do.

Với tỷ lệ 53% DN chọn cách đào tạo và phát triển nhân lực đang sử dụng, rõ ràng đây là phương pháp hiệu quả nhất. Như vậy, NLĐ cần phải có khả năng học hỏi, phải sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới, vì khả năng được tuyển dụng ít phụ thuộc vào những gì NLĐ đã biết mà phụ thuộc nhiều vào khả năng học tập, ứng dụng và thích nghi tốt như thế nào.

Trước kia mỗi công nhân đứng một công đoạn, nhưng giờ tự động hóa, một công nhân có thể đứng 2-3 công đoạn. Vì thế, tự động hóa sẽ giúp gia tăng sản lượng sản xuất và sẽ cần nhiều lao động hơn so với trước. Thậm chí, trong quá trình vận hành robot, công nhân có thể đề xuất cải tiến robot giúp thực hiện những thao tác khó, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc áp dụng máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất và chất lượng chắc chắn thu nhập của NLĐ cũng sẽ được tăng lên tương xứng.

Trong bối cảnh như vậy, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất là phải chuẩn bị nhân lực, trang bị cho NLĐ các kỹ năng mới. Trong thời kỳ này, nếu việc tổ chức đào tạo tốt hơn thì hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội. Đây cũng là thời kỳ phân công lại lao động nên nếu có sự chuẩn bị tốt, chúng ta có thể chiếm được những thị phần mà NLĐ của chúng ta thích ứng được. Tới đây, chúng ta phải nâng cao chất lượng đào tạo, ngoại ngữ, lao động chất lượng cao, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, chú trọng công tác dự báo hướng nghiệp... để chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp 4.0...”.

Theo baodansinh.vn