Chính sách cho giáo dục mầm non: Niềm vui trong xuân mới
21/02/2018 03:59 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Kể từ ngày 20/2, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non có hiệu lực thi hành. Việc bổ sung chế độ, chính sách này là một niềm vui lớn đối với trẻ em mầm non vùng khó khăn và giáo viên mầm non.
Nghị định mở rộng đối tượng ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và kinh phí hỗ trợ được tính theo % lương cơ sở, đồng thời bổ sung chính sách cho giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Thêm cơ hội đến lớp cho trẻ mầm non thuộc hộ cận nghèo
Trước khi có chính sách hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước cho trẻ em thuộc diện khó khăn theo quy định tại Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, việc huy động trẻ ra lớp là một khó khăn, vì cha mẹ trẻ thường có thói quen cho con lên nương cùng chứ không có điều kiện đưa trẻ tới trường.
Trẻ em không được chăm sóc giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non, không được ra lớp hoặc chỉ ra lớp 1 buổi/ngày, không được tổ chức ăn trưa tại trường, do đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục không được bảo đảm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao.
Từ khi có chính sách hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước, các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện để tổ chức ăn bán trú tại trường cho trẻ.
Ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục mầm non đã huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh và các ban ngành đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên…) tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, đóng góp trứng, thịt, gạo, củi, hỗ trợ ngày công nấu ăn... để nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ tại trường. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng lên rõ rệt, đảm bảo chuyên cần và duy trì tốt việc học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện để chăm sóc giáo dục trẻ tốt hơn.
Chính sách này đã tác động sâu sắc đối với việc phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và tỷ lệ chuyên cần; nâng tỉ lệ trẻ được chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, từ đó, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Khi Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg hết hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình Chính phủ tiếp tục duy trì hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ thuộc các đối tượng này, và Nghị định số 06/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/1/2018.
Tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm đối tượng là trẻ em mầm non thuộc các hộ cận nghèo, là đối tượng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đến lớp, để hỗ trợ giúp các em duy trì chuyên cần, được chăm sóc, giáo dục tốt tại trường. Đồng thời, để bảo đảm bù đắp trượt giá, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP đã tính hỗ trợ ăn trưa cho trẻ theo % lương cơ sở.
Bình đằng trong chính sách cho giáo viên mầm non dạy hợp đồng
Cả nước hiện có trên 50.000 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập vẫn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, chưa được tuyển dụng vào viên chức.
Nguyên nhân của tồn tại này là do một thời gian dài trước đây, hệ thống trường mầm non chủ yếu là loại hình bán công, gắn với hợp tác xã, xí nghiệp, công ty, giáo viên hưởng lương theo công điểm hoặc từ nguồn kinh phí của phụ huynh đóng góp, hoặc do công ty trực tiếp chi trả.
Thực hiện Luật Giáo dục năm 2005, các trường mầm non bán công chuyển dần sang loại hình trường công lập và dân lập, tư thục. Khi chuyển đổi loại hình trường, giáo viên mầm non trong các trường công lập được tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, do chỉ tiêu biên chế ít, nên số lượng giáo viên được tuyển dụng còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng giáo viên có đủ tiêu chuẩn, trình độ, làm việc tương tự như giáo viên là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp như giáo viên là viên chức.
Do đó, Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg đã đưa giải pháp hỗ trợ để đối tượng giáo viên hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được hưởng chế độ tương đương như giáo viên là viên chức.
Phần lớn giáo viên thuộc đối tượng này được hỗ trợ chính sách theo quy định tại Thông tư 09/TTLT-BNV-BGDĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như tiếp tục được quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, cụ thể:
Thứ nhất là giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Đối tượng trên, nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành như giáo viên mầm non là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Thời gian và bậc lương hưởng khi thực hiện chế độ hợp đồng lao động được nối tiếp để xếp lương và thực hiện chính sách khi được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng làm việc.
Thứ hai là giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục. Các giáo viên này được nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Giáo viên đang công tác tại các cơ sở mầm non tư thục được hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như giáo viên công lập, giúp các cô vững vàng hơn về kỹ năng nghề nghiệp, từ đó, các cô tự tin tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn.
Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
Hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn học tiếng của người dân tộc thiểu số
Để giao tiếp tốt và hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non đối với trẻ người dân tộc thiểu số, giáo viên mầm non phải tự học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trước đây chưa có chế độ cho giáo viên mầm non khi tham gia các lớp học này. Nay Nghị định số 06/2018/NĐ-CP đã bổ sung chính sách với giáo viên mầm non tham gia học tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số.
Theo đó, giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số (nếu có) theo quy định. Tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) được chi trả theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm.
Nghị định số 06/2018/NĐ-CP cũng đã bổ sung chính sách mới cho giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 của năm liền kề), tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
Đời sống của giáo viên mầm non hiện còn gặp nhiều khó khăn, giáo viên chịu áp lực vì thời gian và cường độ làm việc căng thẳng, tuy nhiên, chế độ lương và các thu nhập khác chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp, đặc biệt tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các thôn/bản nằm cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn.
Do điều kiện địa lý, dân cư, phải tồn tại nhiều điểm trường, số lượng trẻ từng độ tuổi ít nên phải tổ chức các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ 2 đến nhiều độ tuổi, đa dân tộc. Thực tế, trong một lớp học có nhiều dân tộc (có lớp có tới 11 dân tộc) với nhiều độ tuổi khác nhau khiến giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.
Để bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian hơn cho công việc soạn bài, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi; trên lớp, giáo viên phải phân nhóm, làm việc với từng nhóm trẻ khác nhau cả về dân tộc cũng như độ tuổi, thời gian làm việc kéo dài 9 đến 10 giờ/ngày chưa kể thời gian soạn bài và làm đồ dùng, đồ chơi tại nhà.
Vì vậy, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP là một niềm vui lớn đối với trẻ em mầm non vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào người dân tộc thiểu số và các cô giáo mầm non được hưởng chính sách. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục mầm non, giúp bậc học có cơ sở để phát triển ổn định bền vững. Mùa xuân mới sắp tới, hy vọng giáo dục mầm non sẽ có nhiều khởi sắc, nhân rộng nhiều niềm vui từ đây.
Nguyễn Bá Minh Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD&ĐT
Theo VGP
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...