Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH: Phát huy hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ

13/02/2018 11:26 AM


Năm 2017- năm thứ hai Ngành BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Nếu năm 2015, khi cơ quan BHXH chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng, tổng số nợ của BHXH toàn Ngành là 7.061 tỷ đồng, bằng 5,19% số phải thu; thì đến năm 2017, số nợ BHXH giảm xuống còn 5.737 tỷ đồng, bằng 2,9% số phải thu. Có thể thấy, những kết quả trong thời gian đầu thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng là khá khả quan so với hoạt động kiểm tra trước đây; và việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho cơ quan BHXH đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra, BHXH Việt Nam.

Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ

Trong những năm qua, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày một phổ biến với nhiều hình thức, thủ đoạn trốn đóng tinh vi hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà chủ yếu là do: Nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động chưa cao; chế tài xử phạt chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi còn lỏng lẻo… Mặt khác, từ khi tổ chức công đoàn được giao chức năng khởi kiện (năm 2016) đến nay, tuy cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhưng chưa có hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH nào được tòa án tiếp nhận và đưa ra xét xử; nguyên nhân do nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, khiến việc khởi kiện không thực hiện được.

Trong bối cảnh đó, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ năm 2016, Ngành BHXH được giao và triển khai chức năng thanh tra đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Theo đó, năm 2017, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 15.903 đơn vị sử dụng lao động (trong đó, Vụ Thanh tra - Kiểm tra của BHXH Việt Nam thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 234 đơn vị).

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, toàn Ngành đã phát hiện có: 42.263 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia với số tiền phải truy đóng (bao gồm cả lãi) là 88.179 triệu đồng (trong đó, Vụ Thanh tra - Kiểm tra kiến nghị truy thu 24.866 triệu đồng, chiếm 28,2%); 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng (bao gồm cả lãi) là 47.349 triệu đồng (trong đó Vụ Thanh tra - Kiểm tra kiến nghị thu 11.468 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 24,2%). Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có Quyết định thanh tra, kiểm tra là 2.776.266 triệu đồng; số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong và sau thời gian thanh tra là 1.463.957 triệu đồng (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra, kiểm tra là 52,7%). Về kết quả xử lý vi phạm hành chính, đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với 505 đơn vị sử dụng lao động, tổng số tiền xử phạt phải thu là 7.899 triệu đồng, đến nay đã thu được 1.749 triệu đồng.

Thực hiện có hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Nếu năm 2015, khi cơ quan BHXH chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, tổng số nợ của toàn Ngành là 7.061 tỷ đồng, bằng 5,19% số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao; thì đến năm 2017, số nợ BHXH đã giảm xuống còn 5.737 tỷ đồng, bằng 2,9% số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao. Những con số trên đã cho thấy: Công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của Ngành BHXH rất hiệu quả; và quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng cho cơ quan BHXH đã góp phần đảm bảo tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Vướng mắc về cơ chế, chính sách

Có thể khẳng định, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của Ngành BHXH đã góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, lạm dụng chính sách BHXH, BHYT, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT;… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng cho thấy vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để Ngành BHXH thực hiện hiệu quả hơn trong công tác này, đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân của người dân, NLĐ.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 34, Luật Thanh tra năm 2010 thì người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức. Và tuy Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ đã tháo gỡ được vấn đề này, với việc quy định "người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành" nhưng chưa triệt để. Và với Ngành BHXH lại khá đặc thù, bởi chỉ có Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng tại cơ quan BHXH Việt Nam và Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố là công chức; còn lại cơ bản những người làm công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành là viên chức. Do vậy, thành viên các Đoàn Thanh tra của Ngành BHXH phần lớn là viên chức, nên họ không có thẩm quyền xử phạt và xử lý các vi phạm của đối tượng thanh tra theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong quá trình thanh tra, với các trường hợp vi phạm, Đoàn Thanh tra chỉ được lập biên bản, sau đó phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra hay Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố. Đây chính là nguyên nhân khiến công tác xử lý vi phạm của Đoàn Thanh tra không đảm bảo tính kịp thời, răn đe.

Ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, trong đó yêu cầu khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN. Vin vào Chỉ thị này, một số DN né tránh kiểm tra nội dung thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khi viện lý do đã có đoàn thanh tra , kiểm tra khác (mặc dù có thể chương trình kiểm tra không cùng nội dung và kế hoạch thanh tra của Ngành LĐ-TB&XH và Ngành BHXH đã được phê duyệt từ đầu năm).

Theo đó, để triển khai có hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành đóng của Ngành, nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi an sinh của NLĐ, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội sửa đổi Khoản 7 Điều 3 và Điều 34 của Luật Thanh tra để phù hợp với đặc thù của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của một số ngành mà hiện nay có lực lượng thanh tra chủ yếu là viên chức. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra theo hướng giảm bớt các biểu mẫu, cải cách thủ tục hành chính để phù hợp với tình hình thanh tra thực tế của đối tượng được thanh tra; kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho Ngành BHXH, cụ thể là chức năng thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay.

Bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, trong thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số định hướng cụ thể sau:

Thực hiện xây dựng Đề án "Đánh giá thực trạng công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của BHXH Việt Nam và đề xuất bổ sung hoàn thiện" nhằm kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành  đầy đủ cho Ngành BHXH. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại địa bàn các tỉnh, thành phố.

Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động theo hướng tập trung, hiệu quả trong quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng. Việc phối hợp phải được cụ thể hóa từ khâu chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến tổ chức thực hiện. Trong đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp với cơ quan công an tại địa phương trong công tác thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo Quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH ngày 16/8/2017 giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát về phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các điều luật hình sự về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018.

Về công tác tổ chức, tiếp tục quán triệt việc giao Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực tiếp phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của địa phương. Ngoài ra, cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cơ cấu cán bộ, đặc biệt quan tâm đủ cán bộ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra giám định thanh quyết toán quỹ KCBBHYT và tiếp tục công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra để có đủ kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Về công tác xây dựng văn bản, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của BHXH Việt Nam; tăng cường hoàn thiện các phương pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra; xây dựng phần mềm hỗ trợ hoạt động thanh tra kiểm tra, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp./.

Trần Đức Long
Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra,
Bảo hiểm xã hội Việt Nam