Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT ngày 03/12/2019 [Kết thúc]

03/12/2019 08:58 AM


Nhằm kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp thắc mắc của các tổ chức, cá nhân trên cả nước về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc về chính sách BHXH, BHYT trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam từ 9h00 đến 11h00 sáng 03/12/2019.

Khách mời tham gia Chương trình giao lưu là đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...

Dưới đây là nội dung chương trình giao lưu, bạn đọc vui lòng nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất:

Câu 99. Bạn đọc có địa chỉ email duongtuanh...@gmail.com hỏi:

Em làm việc và tham gia BHXH ở Công ty TNHH Liên kết Y tế Nhật-Việt (quận Tây Hồ) từ tháng 9/2017 đến tháng 02/2018. Từ tháng 3/2018, em nghỉ việc, không làm đơn xin nghỉ việc và bàn giao công việc theo như quy trình. Lúc vào làm em thông báo số sổ BHXH cho công ty và công ty cũng không yêu cầu nộp sổ nên hiện nay em vẫn đang tự giữ sổ.

Từ tháng 3/2018, em vào làm công ty khác mà chưa chốt sổ BHXH ở công ty TNHH Liên kết Y tế Nhật-Việt. Nay công ty mới yêu cầu em chốt sổ ở chỗ cũ thì mới làm các thủ tục liên quan đến BHXH cho em. Khi em liên lạc đến công ty cũ thì họ bảo do em nghỉ việc ko đúng quy trình và thời gian nghỉ đến nay đã gần 20 tháng, nên không hỗ trợ thủ tục chốt sổ cho em. Vậy trong trường hợp này em nên làm thế nào ạ? Mong nhận được tư vấn từ cơ quan BHXH. Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại khoản 5, điều 21 luật BHXH thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm “phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc theo quy định của phát luật”

Với công ty không hỗ trợ bạn thủ tục xác nhận (chốt) sổ là trái với quy định của luật BHXH. Đề nghị bạn liên hệ với Tổ chức công đoàn của công ty trước bạn đã làm việc để được bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia BHXH.

Câu 98. Bạn đọc có địa chỉ email trankhanhsonphuxu...@gmail.com hỏi:

Tôi nhập ngũ tháng 3/1983, BHXH thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã in và cung cấp cho tôi trong sổ BHXH, phiếu in chi tiết về thời gian tham gia BHXH từ tháng 3/1983. Tuy nhiên, khi tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam lại ghi thời gian tôi bắt đầu tham gia đóng BHXH là tháng 10/1983? Xin được giải thích cho tôi?

BHXH Việt Nam trả lời:

Hiện nay quá trình tham gia của người lao động được cơ quan BHXH rà soát, nhập và in từ cơ sở dữ liệu. Để có cơ sở trả lời đề nghị bạn cung cấp thêm thông tin (họ tên, mã số BHXX…) để cơ quan BHXH tra cứu hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài 19009068 để được giải đáp.

Câu 97. Bạn đọc có địa chỉ email baotrinh...@gmail.com hỏi:

Chồng tôi làm cho công ty A từ năm 2006, đến năm 2012 chồng tôi chuyển sang làm công ty B và năm 2017, sang làm công ty C. Nhưng do công ty A không chốt sổ BHXH cho chồng tôi (do nợ BHXH) nên chồng tôi cũng không được chốt sổ BHXH ở công ty B. Nay chồng tôi đã làm ở công ty C và đành phải tham gia BHXH với số sổ mới. Vậy chồng tôi phải làm thế nào để được chốt thời gian đóng BHXH ở công ty A và B?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại điểm 3.2, khoản 3 điều 46 quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BH thất nghiệp , BHTNLĐ-BNN bao gồm tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BH thất nghiêp, BHTNLĐ-BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy bạn liên hệ với công ty cũ để đề nghị xác nhận sổ BHXH cho bạn, sau đó thực hiện thủ tục gộp sổ BHXH.

Câu 96. Bạn đọc Nguyễn Nam hỏi:

Giờ em muốn biết công ty trước đây tại tỉnh Bình Dương có tham gia BHXH cho em không thì làm thế nào? Hiện nay, em đang làm tại tỉnh Đồng Nai, đến nay được 6 năm. Mong cơ quan BHXH chỉ em cách để tra cứu quá trình tham gia BHXH. Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Để tra cứu quá trình tham gia BHXH bạn có thể thực hiện một trong các cách sau:

Truy cập website http://baohiemxahoi.gov.vn -> Tra cứu trực tuyến -> Tra cứu quá trình tham gia BHXH

Gọi điện cho tổng đài 19009068 hoặc nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} gửi 8079.

Câu 95. Bạn đọc Hằng Hằng hỏi:

Trước mình làm ở một công ty và đóng BHXH được 11 tháng thì mình nghỉ. Sau đó, mình sang công ty khác làm được 2 tháng nhưng chưa được đóng BHXH. Đợi lâu nên mình đã mua BH nông nghiệp. Cho mình hỏi, trong trường hợp này, thời gian đóng BHXH trước đây của mình có bị mất không? Nếu không sao thì giờ mình muốn rút tiền BHXH một lần thì cần những thủ tục gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo thông tin Bạn cung cấp, Bạn tham gia đóng BHXH bắt buộc được 11 tháng và đã nghỉ việc, không tiếp tục đóng BHXH và chưa hưởng BHXH một lần thì thời gian đã đóng BHXH (11 tháng) được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Người lao động tham gia BHXH BB sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm:

- Sổ BHXH.

- Đơn đề nghị ( Mẫu số 14-HSB).

Câu 94. Bạn đọc có địa chỉ email hongphuc...@gmail.com hỏi:

Bệnh nhân A đã được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả tháng 10/2019 và đã được thanh toán lại số tiền vượt quá 06 tháng lương cơ sở của tháng 10. Đến tháng 11/2019 bệnh nhân A mang chứng từ từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2019 đề nghị thanh toán lại số tiền không cùng chi trả 20%. Vậy cho em hỏi hồ sơ này có được thanh toán lại 20% nữa không? E xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả tháng 10/2019 của bệnh nhân A đã có các chứng từ, hóa đơn thanh toán chi phí KCB BHYT từ tháng 01 đến tháng 9 thì các chi phí KCB BHYT này sẽ không được thanh toán vì đã được tổng hợp vào thanh toán trong đợt tháng 10.

Trường hợp trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả tháng 10/2019 của bệnh nhân A không có các chứng từ, hóa đơn thanh toán chi phí KCB BHYT từ tháng 01 đến tháng 9 thì các chi phí này sẽ được thanh toán theo quy định.

Câu 93. Bạn đọc Nguyễn Hữu Khoa hỏi:

Mẹ tôi bị bệnh tai biến đã lâu không đi lại được, năm nay đã 84 tuổi (sinh 1935). Hiện nay, mẹ tôi đang ở với con trai tại TPHCM mà tham gia BHYT tại Thái Bình. Khi nhập viện thì bệnh viện nói CMND hết hạn, bệnh viện yêu cầu CMND mới hoặc giấy xác nhận của địa phương có đúng không? Thẻ BHYT của mẹ tôi đến 31/12/2020 mới hết giá trị. Mẹ tôi là lão thành cách mạng, 50 năm tuổi đảng, tham gia BHYT liên tục bao năm nay. Mà theo quy định tôi được biết thì ngoài 60 tuổi không cần đổi CMND. Vậy, xin hỏi trường hợp này tôi cần phải làm gì để mẹ tôi được hưởng quyền lợi BHYT khi điều trị tại bệnh viện?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

Như vậy, ngoài chứng minh nhân dân mẹ Ông có thể xuất trình các loại giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để đi KCB BHYT.

Câu 92. Bạn đọc Hà Công Trường hỏi:

Tôi có người bạn đang là thương binh, trong quá trình anh ý đi làm tại một doanh nghiệp, họ có đóng BHXH bắt buộc kể từ ngày anh ấy đi làm đến nay cũng gần hai năm. Đến khi anh ấy đi khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa huyện Lập Thạch, anh ấy xuất trình thẻ BHYT đối tượng thương binh của anh ấy để khám bệnh thì bệnh viện họ bảo thẻ BHYT ấy hết tác dụng. Không những thế, thẻ BHYT của thân nhân anh ấy cũng không được hưởng.

Vậy, trường hợp của bạn tôi vừa là thương binh vừa đi làm tại doanh nghiệp thì quền lợi về BHYT được tính như thế nào? Thẻ BHYT cho thương binh và thân nhân của anh ấy có còn tác dụng nữa không hay khi đi làm thì quền lợi này không được hưởng nữa?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Luật BHYT quy định một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì xác định theo đối tượng đầu tiên theo thứ tự tại Luật BHYT và được hưởng quyền lợi cao nhất.

Như vậy, trước khi đi làm, ông thuộc đối tượng Người có công với Cách mạng (do Ngân sách Nhà nước đóng tiền BHYT), sau đó ông chuyển sang đối tượng Người lao động (do Đơn vị sử dụng lao động và Người lao động đóng). Do đó, thẻ BHYT trước đây của Ông đã hết hiệu lực sử dụng khi Ông bắt đầu tham gia vào nhóm đối tượng Người lao động nên không thể tiếp tục sử dụng thẻ BHYT này để đi KCB BHYT.

Mức hưởng của đối tượng Người có công với cách mạng được quy định cụ thể như sau:

a. Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT (không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng BYT):

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;

b. Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT (có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng BYT) đối với những người có công khác.

2. Về cấp thẻ BHYT cho thân nhân Người có công với cách mạng, gồm có: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Trường hợp thân nhân của Ông đủ điều kiện cấp thẻ BHYT theo nhóm Thân nhân người có công với cách mạng, nhưng không thể sử dụng thẻ BHYT này để đi KCB BHYT,  đề nghị Ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn giải quyết.

Câu 91. Bạn đọc có địa chỉ email ngocnguyen...@imap.edu.vn hỏi:

Tôi là Đỗ Thị Mai, số CMND 035191001374, số sổ BHXH 2715068796. Năm 2014 tôi đóng BHXH tại công ty cũ được 4 tháng, sau đó nghỉ việc, đã nhận lại sổ BHXH nhưng không biết là công ty cũ đã chốt sổ chưa. Vậy, sổ BHXH tôi nhận được đã chốt sổ hay chưa? Nếu chưa thì cần làm gì để chốt sổ? Hiện tại tôi đóng ở công ty mới vẫn theo số sổ cũ. Và nếu công ty cũ chưa chốt sổ thì quá trình đóng BHXH ở công ty mới của tôi bị ảnh hưởng như thế nào và tôi cần làm gì để có thể chốt quá trình đóng BHXH của mình?

BHXH Việt Nam trả lời:

Qua thông tin bạn cung cấp, sổ BHXH của bạn chưa được xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ).

Theo quy định tại khoản 5, điều 21 luật BHXH thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm “phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy đề nghị bạn quay lại công ty cũ đề nghị xác nhận (chốt) sổ BHXH cho bạn để được nối tiếp với quá trình tham gia đóng BHXH sau này.

Câu 90. Bạn đọc Hằng Hằng hỏi:

Trước mình làm ở một công ty và đóng BHXH được 11 tháng thì mình nghỉ. Sau đó, mình sang công ty khác làm được 2 tháng nhưng chưa được đóng BHXH. Đợi lâu nên mình đã mua BH nông nghiệp. Cho mình hỏi, trong trường hợp này, thời gian đóng BHXH trước đây của mình có bị mất không? Nếu không sao thì giờ mình muốn rút tiền BHXH một lần thì cần những thủ tục gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Về nguyên tắc khi bạn chấm dứt HĐLĐ, HĐLV cơ quan BHXH sẽ thực hiện xác nhận quá trình tham gia BHXH đến thời điểm đơn vị đóng đủ. Vì vậy thời gian đóng BHXH trước đây của bạn không bị mất.

Theo quy định tại Khoản 1, điều 60 luật BHXH điều kiện hưởng trợ cấp BHXH 1 lần là “Sau một năm nghỉ việc nếu không đóng BHXH và có yêu cầu nhận trợ cấp BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH”

Thủ tục hưởng BHXH 1 lần là Sổ BHXH và đơn đề nghị hưởng BHXH 1 lần.

Câu 89. Bạn đọc Nguyễn Văn Tiến hỏi:

Nhờ anh/chị phân biệt giúp trợ cấp thất nghiệp với trợ cấp thôi việc? Đơn vị nào chi trả cho người lao động các loại trợ cấp này và thủ tục đề nghị hưởng ra sao? Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc:

Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.   

Khoản 3 Điều 46 Luật Việc làm: . Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm (là cơ quan giải quyết trợ cấp thất nghiệp) chuyển sang.

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp mà đơn vị sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động vì đã có thời gian đóng góp của người lao động khi khi làm việc tại đơn vị được quy định tại Điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2012.

Trường hợp bạn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc thì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn, cụ thể theo Khoản 5 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

Theo Khoản 3 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

2. Hồ sơ, thủ tục

- Đối với hưởng trợ cấp thôi việc.
Theo quy định pháp luật hiện hành thì người lao động không phải nộp hồ sơ gì để được hưởng trợ cấp thôi việc.

- Đối với hưởng trợ cấp thất nghiệp: Nộp hồ sơ cho Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, cụ thể:

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Quyết định thôi việc;

c) Quyết định sa thải;

d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.

3. Sổ bảo hiểm xã hội.

Câu 88. Bạn đọc có địa chỉ email ngocnguyenm…@gmail.com hỏi:

Tôi nhập ngũ và học tại trường Sĩ Quan chỉ huy kỹ thuật Tên Lửa-Ra đa (nay là Học viện Phòng không - Không quân). Năm 1985, tôi tốt nghiệp và công tác tại đơn vị ở tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1990, tôi chuyển ngành sang làm việc bên cơ quan truyền hình.

Nay, xem lại hồ sơ thì thấy tôi chỉ được tính đóng BHXH từ năm 1985. Tuy nhiên, theo tôi được biết, những người đi bộ đội và công tác liên tục thì thời gian đóng BHXH sẽ được tính từ khi nhập ngũ. Vậy xin hỏi, thời gian tính đóng BHXH cho tôi từ năm 1985 có đúng không? Nếu không đúng thì tôi phải làm những thủ tục gì đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh lại? Xin chân thành cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn cung cấp hồ sơ cụ thể cho cơ quan BHXH để xem xét, giải quyết vì câu hỏi bạn nêu không rõ là đối tượng đi học hay đi nghĩa vụ quân sự sau đó được cử đi học.

Câu 87. Bạn đọc có địa chỉ email ngmanhquan...@yahoo.com hỏi:

Trong năm 1997 và 1998 có 2 tháng tôi chỉ đi làm có 2 ngày và nghỉ do lý do sức khỏe, nhưng công ty vẫn đăng ký đóng BHXH cho tôi với mức đóng chỉ bằng 1/10 mức lương của tôi (do tôi làm có 2 ngày). Nếu để nguyên như vậy thì sau này tính lương hưu cho tôi rất thiệt thòi do tính bình quân lương. Nay tôi muốn điều chỉnh để xóa 2 tháng lương này thì phải làm sao? Mong được hướng dẫn cụ thể. Xin cám ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Việc bạn phản ánh công ty đăng ký đóng BHXH với mức đóng bằng 1/10 mức lương là chưa chính xác. Điều 37 Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH gồm tiền lương theo gạch bậc, chức vụ, hợp đồng và các khoản phụ cấp khu vực đắt đỏ, chức vụ, thâm niên, hệ số chênh lệc bảo lưu (nếu có) do vậy mức tiền lương đóng BHXH là tiền lương hàng tháng ghi trong Hợp đồng lao động. Trường hợp bạn đóng chưa đủ mức đóng thì truy đóng. BHXH Việt Nam không có quy định xóa thời gian đóng BHXH.

Câu 86. Bạn đọc có địa chỉ email nhanbaotram...@gmail.comhỏi:

Tôi vào công tác tại ngành Giáo dục từ ngày 01/9/2010 đến tháng 11/2010 (trong thời gian đó tôi làm cô nuôi). Tháng 12/2010, tôi ký hợp đồng chính thức, chuyển sang làm giáo viên. Tuy nhiên, sau này tôi mới biết, trong sổ BHXH ghi chuyển đổi chức danh của tôi thiếu 01 tháng là tháng 12/2010. Tôi đã đề nghị cơ quan BHXH nhưng chưa được giải quyết. Vậy tôi phải làm thế nào vì tôi đang cần gấp để phục vụ cho quá trình xét tuyển biên chế? Nếu để lâu sợ sẽ chậm quá trình thi tuyển.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH năm 2006, trường hợp bà ký hợp đồng lao động làm việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Nếu bà ký hợp đồng lao động làm việc từ tháng 12/2010 nhưng sổ BHXH của bà xác nhận thiếu 01 tháng (tháng 12/2010) thì đề nghị bà phối hợp với đơn vị sử dụng lao động cung cấp hợp đồng lao động hoặc giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc và điền thông tin tờ khai theo mẫu TK1-TS theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 gửi cơ quan BHXH để thực hiện truy thu BHXH đối với thờ gian còn thiếu của bà.

Câu 85. Bạn đọc có địa chỉ email huongcm10...@gmail.com hỏi:

Em tra cứu thông tin thẻ BHYT của em trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam thì thấy địa chỉ bị ghi sai mặc dù địa chỉ trên thẻ BHYT được phát của em thì không sai. Vậy em có phải làm thủ tục điều chỉnh thông tin không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp địa chỉ trên thẻ chưa khớp đúng với thông tin tra cứu trên cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, đề nghị bạn liên hệ với  cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được kiểm tra và giải thích rõ về lý do sai lệch.

Câu 84. Bạn đọc có địa chỉ email thixinh...@gmail.com hỏi:

Khi tra hạn thẻ BHYT, tôi có nhận thông báo: Hạn thẻ 01/01/2019 cho đến 30/06/2019. Thời điểm đủ 5 năm liên tục: 01/10/2017, chủ thẻ đã được cấp mã thẻ mới, hạn thẻ từ 01/07/2019 đến 30/09/2019. Vậy thẻ tôi còn hạn sử không? Thời điểm 5 năm liên tục là như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Để được kiểm tra chính xác thông tin về thẻ BHYT đã cấp, đề nghị bạn cung cấp mã số thẻ BHYT cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để kiểm tra lại hoặc có thể tự tra cứu bằng nhiều hình thức: kiểm tra qua danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại đơn vị; kiểm tra trên cổng thông tin điện tử BHXHVN (https//www.baohiemxahoi.gov.vn); gọi trung tâm hỗ trợ khách hàng BHXH VN qua tổng đài 1900.9068…

Câu 83. Bạn đọc có địa chỉ email tuannhung...@gmail.com hỏi:

Từ tháng 8/2013 đến tháng 12/2017, tôi tham gia BHXH tại BHXH quận Cầu Giấy nhưng Công ty em làm việc mới đóng BHXH cho em từ tháng 8/2013 đến tháng 5/2014. Từ tháng 12/2017 đến tháng 11/2019, em chuyển về tham gia BHXH tại BHXH huyện Hoài Đức. Hiện tại, em không tham gia BHXH ở Hoài Đức nữa. Khi em đi chốt sổ, BHXH Hoài Đức không chốt sổ cho em với lý do BHXH Cầu giấy chưa chốt (lý do BHXH Cầu Giấy chưa chốt là từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2017 Công ty nợ BHXH). Như vậy, quá trình tham gia BHXH của em có bị coi là gián đoạn không? Và em phải làm thế nào? Em có thể chốt được sổ BHXH không? Nếu có thì cho hỏi thủ tục để chốt sổ BHXH? Em xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại điểm 3.2 khoản 3, điều 46 QĐ 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam thì: Bạn đã nghỉ việc từ tháng 11/2017 nên cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH cho bạn đến thời điểm đơn vị đã đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Để được chốt sổ BHXH bạn lập tờ khai TK1-TS nộp đơn vị trước đây bạn làm việc.

Câu 82. Bạn đọc Hương Nguyễn hỏi:

Tôi đóng tiền gia hạn BHYT tự nguyện tại địa phương từ ngày 12/11/2019, nhưng đến hôm nay xem trên hệ thống BHYT thì vẫn chưa thấy gia hạn. Tôi muốn hỏi: Sau khi nộp tiền bao lâu thì thẻ BHYT mới được gia hạn? Tôi đã đóng BHYT 6 năm liên tục, đến ngày 09/12/2019 là hết hạn, nếu không được gia hạn ngay thì tôi sẽ bị ảnh hưởng về quyền lợi BHYT. Mong nhận được câu trả lời từ cơ quan BHXH. Tôi xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của bạn đã được cấp thẻ có giá trị sử dụng đến 09/12/2019, vì bạn đã đóng tiền gia hạn thẻ trước nên thẻ BHYT của bạn sẽ được gia hạn sử dụng ngay sau ngày 09/12/2019 và không ảnh hưởng gì đến quyền lợi BHYT của bạn.

Câu 81. Bạn đọc có địa chỉ email tuuke...@gmail.com hỏi:

Em là sinh viên mới ra trường và em chưa từng đi làm cho một công ty nào trước đây. Hiện tại, em đang làm cho một công ty A, được công ty A đăng kí tham gia BHYT, BHXH, BH thất nghiệp. Tuy nhiên, công ty A vừa báo lại là em đã đăng kí đóng bảo hiểm tại một công ty B và hiện chưa chốt sổ. Vì em chưa làm ở công ty B nên không biết giờ phải làm sao? Mong cơ quan BHXH tư vấn.

 BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH để xác minh lại thông tin. Hoặc có thể liên hệ với tổng đài 19009068 để được tư vấn trực tiếp.

Câu 80. Bạn đọc Thảo Lê hỏi:

Trước đây, em đi làm công ty và được đóng BHXH, BHYT từ tháng 8 đến tháng 9/2019. Sau khi nghỉ làm, em yêu cầu và được công ty cũ trả sổ BHXH nhưng trong sổ lại không có tờ rời ghi nhận quá trình làm việc và mức tiền em đóng, hưởng. Em hỏi thì giám đốc công ty trả lời là khoảng tháng 3/2020, cơ quan BHXH mới phát tờ rời đó. Cho em hỏi, công ty cũ của em trả lời như thế đúng hay sai? Giờ em muốn biết họ đã chốt sổ BHXH cho em chưa thì làm thế nào? Em xin chân thành cảm ơn!

 BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm “ Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy khi bạn nghỉ việc công ty phải làm các thủ tục báo giảm và xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ) cho bạn. Sau đó cơ quan BHXH sẽ thực hiện xác nhận và in tờ rời chốt sổ BHXH cho bạn.

Để biết công ty đã chốt sổ BHXH cho bạn chưa đề nghị bạn cung cấp thông tin (họ tên, mã số BHXH…) cho cơ quan BHXH để thực hiện tra cứu hoặc bạn có thể gọi điện cho tổng đài 19009068 để được hỗ trợ.

Câu 79. Bạn đọc có địa chỉ email hvthin…@gmail.com hỏi:

Năm 1982, tôi nhập ngũ và học Trường sĩ quan, sau đó tôi được điều về làm việc tại Bộ tham mưu Quân khu 1 đóng tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1987, thực hiện chính sách giảm trừ trong quân bị, tôi được đơn vị cho xuất ngũ. Tôi về địa phương và hưởng chế độ xuất ngũ, sau đó xin công tác tại tỉnh Tuyên Quang.

Vậy cho tôi hỏi, thời gian phục vụ trong quân đội của tôi có được cộng dồn để tính thời gian hưởng chế độ hưu trí không (hiện tôi mới chỉ hưởng chế độ xuất ngũ, chưa được hưởng chế độ nào khác)? Nếu được hưởng, tôi cần xin xác nhận thời gian trong quân đội ở những đâu và thủ tục như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo thông tin Ông cung cấp, Ông có thời gian công tác trong quân đội từ năm 1982 đến năm 1987 thì xuất ngũ về địa phương, sau đó công tác tại tỉnh Tuyên Quang. Nếu Ông mới chỉ hưởng chế độ xuất ngũ, chưa hưởng chế độ nào khác và sau khi xuất ngũ có tham gia BHXH bắt buộc thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.

Thủ tục hồ sơ gồm có:

- Quyết định: Phục viên hoặc xuất ngũ hoặc thôi việc;

- Giấy xác nhận chưa hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu 78. Bạn đọc Trúc Lê hỏi:

Từ tháng 4/2017 đến nay, em đi làm công ty và có tham gia BHXH.Tháng 5/2019 em bị sảy thai. Theo em được biết, tháng 5 đó, công ty không trừ tiền đóng bảo hiểm của em như những tháng trước. Nay em đang mang thai được gần 5 tháng và dự sinh ngày 17/4/2020. Từ đầu tháng tới nay, em nghỉ ở nhà để dưỡng sức vì không đủ sức khỏe để đi làm. Cho em hỏi, nếu giờ em xin nghỉ hẳn việc tại công ty thì em có đủ điều kiện để hưởng tiền thai sản không? Nếu được thì em cần chuẩn bị giấy tờ gì? Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định nêu trên.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH như sau:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh

đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.

Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định:

Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.

Do thông tin Bạn cung cấp không cụ thể về thời gian tham gia BHXH nên cơ quan BHXH không đủ căn cứ để trả lời. Đề nghị Bạn đối chiếu các quy định nêu trên để xác định cho trường hợp của mình.

Câu 77: Bạn đọc có địa chỉ email quyltn.gds@anpha...com hỏi:

Công ty em có 01 nhân viên tham gia BHXH từ tháng 11/2010. Nhân viên đó nghỉ thai sản từ ngày 05/01/2019 đến 05/07/2019 thì xin nghỉ tiếp không lương đến ngày 31/10/2019. Đến ngày 01/11/2019, nhân viên xin nghỉ việc tại công ty. Như vậy, nhân viên đó có được hưởng BH thất nghiệp không? Nhờ cơ quan BHXH tư vấn giúp.

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 49 Luật Việc làm quy định người lao động được hưởng TCTN là người đang đóng BHTN. Theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định: “Người lao động đang đóng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

a) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH;

b) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Trường hợp Bạn hỏi trước khi nghỉ việc là đối tượng nghỉ không lương mà không thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì Bạn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Câu 76. Bạn đọc có địa chỉ email daibao...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH tại Công ty A từ 2015 đến tháng 6/2018. Từ tháng 8/2018, tôi chuyển sang làm việc cho công ty B và tôi phải tham gia BHXH lại từ đầu. Xin cho hỏi, như vậy sau này có bị ảnh hưởng gì khi hưởng chế độ không? Có cần gộp sổ cũ lại để tính chung thời gian tham gia BHXH không? Và thủ tục để gộp sổ BHXH như thế nào? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì thời gian làm việc có đóng BHXH của bạn từ 2015 đến tháng 6/2018 tại công ty A sẽ được cộng nối với thời gian làm việc về sau tại công ty B. Trường hợp ở 2 công ty bạn có 2 sổ BHXH khác nhau ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới.

Để gộp sổ BHXH, bạn điền tờ khai theo mẫu TK1-TS theo hướng dẫn tại Điều 27, Quyết định 595/QĐ-BHXH gửi cơ quan BHXH làm căn cứ giải quyết.

Câu 75. Bạn đọc có địa chỉ email phamdoanhduy171022@gmail.com hỏi:

Tôi là chủ sở hữu Công ty TNHH MTV, tôi có phải nộp BHXH bắt buộc không? nếu có thì cần những thủ tục gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hàng một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Tại Điều 23 ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTLNĐ-BNN ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH thì trường hợp của ông/bà đã có mã số BHXH thì cung cấp cho cơ quan BHXH và kê khai vào mẫu biểu tương ứng. Trường hợp ông/bà chưa có mã số BHXH thì kê khai vào:

+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

+ Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN (Mẫu D02-TS).

Câu 74. Bạn đọc có địa chỉ email phongdaox...@ncehcm.edu.vn hỏi:

Người giữ chức vụ Bí thư Đoàn Trường đang được hưởng phụ cấp tương đương cấp Trưởng phòng, vậy mức phụ cấp này có phải đóng BHXH không? nếu đóng và không đóng thì được quy định tại văn bản nào? Trân trọng cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, Khoản 1 Điều 14 Luật BHYT: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)..

Tại Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề thì Bí thư Đoàn cấp trường được hưởng phụ cấp như Trưởng phòng nhưng không phải là phụ cấp chức vụ và không được dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT.

Câu 73. Bạn đọc có địa chỉ email vannga…@gmail.com hỏi:

Tôi hiện công tác tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của một huyện. Tháng 9/2019, tôi có thuê khoán 2 lao động làm công việc bê vác, sắp xếp hồ sơ lên kho lưu trữ, thời gian thuê từ ngày 03/9 đến 25/9, lương khoán 3.000.000 đồng/người. Vậy, tôi có phải đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 2 nhân viên này không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động xác định thời hạn, Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng dưới 12 tháng từ 01/01/2018, người làm việc theo Hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp đơn vị có thuê khoán 02 lao động từ ngày 03/9 đến 25/9 thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; nên đơn vị không phải đóng BHXH bắt buộc cho 02 lao động khoán này.

Câu 72. Bạn đọc có địa chỉ email binh…@hc.com.vn hỏi:

Công ty tôi có trụ sở chính tại Hà Nội. Do nhu cầu hoạt động kinh doanh, Công ty tôi mở các địa điểm kinh doanh tại các tỉnh khác nhau - Các địa điểm kinh doanh này trực thuộc Công ty và mỗi địa điểm kinh doanh được cấp 01 mã số thuế (13 số). Vậy, Công ty tôi có được đóng BHXH tại nơi đặt địa điểm kinh doanh hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Quyết định 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 thì chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại công ty mẹ. Do vậy công ty của bạn có thể lựa chọn đóng BHXH cho người lao động tại các điểm kinh doanh (chi nhánh) của công ty.

Câu 71. Bạn đọc có địa chỉ email thanhthuytran…@gmail.com hỏi:

Sổ BHXH của em đóng tại công ty cũ sử dụng số CMND cũ. Hiện tại, em đã chuyển sang dùng thẻ căn cước công dân và được công ty mới mở sổ BHXH bằng thẻ căn cước mới. Cho tôi hỏi, em có thể thay đổi từ số CMND sang số thẻ căn cước mới để giữ lại sổ BHXH cũ hoặc gộp sổ cũ và sổ mới không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định mỗi người tham gia chỉ được cấp một mã số BHXH duy nhất trong suốt quá trình tham gia. Do đó khi tham gia tại Công ty mới bạn chỉ cần báo mã số BHXH đã cấp để thực hiện đóng BHXH trên sổ cũ.

Đồng thời để thay đổi số CMND bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để thực hiện điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu.

Trường hợp Công ty mới cấp sổ BHXH có mã số khác với mã số BHXH cũ đã cấp. Bạn làm thủ tục gộp sổ BHXH, hồ sơ gồm có Tờ khai TK1-TS kèm theo sổ BHXH.

Câu 70. Bạn đọc có địa chỉ email thuhuong021219...@gmail.com hỏi:

Tôi nghỉ việc ở công ty cũ, sau 1 thời gian thì công ty bị đóng cửa và cũng chưa trả sổ BHXH cho tôi. Sau đó, tôi liên hệ lại với kế toán của công ty cũ thì được báo là không biết sổ của tôi ở đâu.

Tôi muốn hỏi trong trường hợp này, tôi báo mất sổ và làm lại sổ mới được không? Hiện tại tôi không nhớ mã số sổ BHXH của mình và không thể tham gia BHXH ở công ty mới đã hơn 1 năm nay.

BHXH Việt Nam trả lời:

Để được cấp lại sổ mất đề nghị bạn lập tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK01-TS) nộp cơ quan BHXH để được cấp sổ mới.

Hiện nay có nhiều cách thức để tra cứu quá trình đóng BHXH như truy cập Website https://baohiemxahoi.gov.vn -> Tra cứu trực tuyến -> Tra cứu quá trình tham gia BHXH; Gọi điện cho tổng đài 1900.9068. Ngoài ra, bạn có thể cung cấp thêm thông tin (như Họ và tên, ngày tháng năm sinh) để cơ quan BHXH tra cứu cho bạn.

Câu 69. Bạn đọc có địa chỉ email tuyetcodon...@gmail.com hỏi:

Hiện nay, tôi có 1 thẻ BHYT do công ty cấp. Khi nghỉ việc tôi có thể tự tham gia BHYT trên cùng thẻ đó được không? Nếu được thì liên hệ tại đâu để có thể tiếp tục sử dụng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Ngày 08/8/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3340/BHXH-ST về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế. Theo đó, người tham gia được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH để sử dụng lâu dài, không phải đổi lại hàng năm trừ trường hợp bị mất, rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ BHYT.

Trường hợp của bạn đã nghỉ việc, sau đó nếu tiếp tục muốn tham gia BHYT, bạn cần thông tin cho cơ quan BHXH mã số BHXH trên thẻ BHYT đã cấp để cập nhật quá trình tham gia BHYT liên tục và in thẻ BHYT mới.

Câu 68. Bạn đọc có địa chỉ email nguyenthithanh279...@gmail.com hỏi:

Hiện nay, tôi có hai thẻ BHYT thuộc hai đối tượng khác nhau (trùng họ tên, ngày sinh, giới tính, nơi cấp giấy khai sinh). Tôi có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An, ở quê nhà tôi có thẻ BHYT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Tôi xin được việc làm ở cơ quan ủy ban xã tại tỉnh Đồng Tháp, và có thêm một thẻ bảo hiểm y tế ký hiệu HC. Với hai thẻ BHYT trùng như vậy tôi phải làm thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 thì “Trường hợp 1 người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại điều 12 của Luật này”

Trường hợp của bạn đang có 01 thẻ cấp theo đối tượng người lao động và 01 thẻ cấp theo đối tượng bảo trợ xã hội; bạn cần liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được giữ lại thẻ BHYT cấp theo đối tượng người lao động và kiểm tra thông tin về mức hưởng BHYT (nếu được hưởng quyền lợi cao hơn).

Câu 67. Bạn đọc có địa chỉ email ngocthaopham...@gmail.com hỏi:

Em có làm ở 2 nơi nhưng em không biết họ có đóng BHXH cho mình không. Khi em chuyển làm tại công ty mới thì họ báo em đã có sổ BHXH. Nếu em liên hệ lại chỗ cũ, mà chẳng may sổ BHXH của em bị mất thì em có được làm lại sổ mới không? Em xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Để biết được quá trình tham gia đóng BHXH bạn có thể truy cập website: https//baohiemxahoi.gov.vn àtra cứu trực tuyếnàtra cứu quá trình tham gia BHXH; Gọi điện cho tổng đài 1900.9068 hoặc nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} gửi 8079.

Trường hợp bạn đã được cấp sổ BHXH và bị mất bạn lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để được cấp lại.

Câu 66. Bạn đọc có địa chỉ email thaihiepnguyen...@gmail.com hỏi:

Tôi có hai sổ BHXH, nhưng bị mất một sổ. Hiện tại công ty tôi đang làm việc đóng bảo hiểm cho tôi trên sổ bị mất. Vậy cho hỏi trong trường hợp này tôi cần làm thế nào cấp lại sổ? Và thủ tục để gộp 2 sổ BHXH? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Trường hợp 2 sổ cùng mã số

Đề được cấp lại sổ mất đề nghị bạn lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để được cấp lại sổ BHXH và không cần làm thủ tục gộp sổ BHXH vì quá trình đóng BHXH của bạn đã có trên cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH.

2. Trường hợp có 2 mã số sổ

Để được thực hiện gộp sổ BHXH bạn lập tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Tại điểm 4, mục II nội dung thay đổi yêu cầu ghi rõ quá trình đóng BHXH tại đơn vị cũ, kèm theo sổ BHXH tại công ty thứ 2 gửi cơ quan BHXH.

Câu 65. Bạn đọc có địa chỉ email ttliem20...@yahoo.com hỏi:

Tôi muốn hỏi về việc BHXH TP.HCM yêu cầu bệnh viện cung cấp hóa đơn mua thuốc, vật tư tiêu hao để căn cứ thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh của Bệnh viện có đúng theo điều 5 của Hợp đồng khám chữa bệnh với BHYT không? Bệnh viện không cung cấp có được thanh quyết toán không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Hợp đồng KCB BHYT quy định cơ sở KCB có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan BHXH các tài liệu để thực hiện công tác giám định, bao gồm: hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan về KCB cho người bệnh BHYT; đề án liên doanh, liên kết thực hiện dịch vụ kỹ thuật y tế, hợp đồng làm việc giữa cơ sở KCB và người hành nghề (nếu có); Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện Đề án hoặc hợp đồng chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ y tế cho tuyến dưới; danh mục dịch vụ kỹ thuật; danh mục và giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế sử dụng tại cơ sở KCB.

Như vậy, để có cơ sở thanh quyết toán chi phí KCB BHYT thì cơ sở KCB phải cung cấp hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế cho cơ quan BHXH thực hiện công tác giám định BHYT (cơ quan BHXH sẽ so sánh giữa hóa đơn thực tế mua vào với giá trúng thầu).

Câu 64. Bạn đọc có địa chỉ email dongdu06...@gmail.com  hỏi:

Tôi có thẻ BHYT đăng kí nơi KCB ban đầu là Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng tôi muốn khám ở Bệnh viện Nhân dân 115 hoặc Bệnh viện Bình Dân thì có được hưởng mức chi trả 80% của BHYT không? Tôi xin cám ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Bình Dân đều là bệnh viện công lập tuyến tỉnh.

Luật BHYT quy định ngày 01/01/2021 mới thông tuyến tỉnh KCB BHYT trên toàn quốc. Do đó, trường hợp Bà đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng đến KCB tại Bệnh viện Nhân dân 115 hoặc Bệnh viện Bình Dân mà không có Giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu thì được xác định là đi KCB trái tuyến và chỉ được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng quy định trên thẻ BHYT (không được hưởng chi phí điều trị ngoại trú).

Câu 63. Bạn đọc có địa chỉ email phamphuongthao…@gmail.com hỏi:

Tôi bị mất thẻ BHYT và đã làm hồ sơ xin cấp lại thẻ tại trường Đại học mà tôi đang học. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng nhưng chưa nhận được hồi âm. Hiện tại, tôi đang có nhu cầu khám tại bệnh viện, vậy làm thế nào để tôi vẫn được khám theo diện đối tượng có thẻ BHYT? Tôi xin chân thành cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 ban hành quy định thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định Trường hợp không thay đổi thông tin khi người tham gia đề nghị cấp lại/đổi thẻ BHYT thì thời gian cơ quan BHXH giải quyết là không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, từ ngày 01/01/2019 trở đi giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.

Đề nghị Bạn liên hệ với Nhà trường nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ BHYT để giải thích lí do chậm trễ trong đổi thẻ BHYT của Bạn. Đồng thời, đề nghị Nhà trường phải làm thủ tục đề nghị cấp lại thẻ BHYT ngay cho cơ quan BHXH hoặc Bạn có thể trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ BHYT tại cơ quan BHXH trên địa bàn quản lý trường Bạn theo học.

Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT, Bạn vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT khi đi KCB BHYT (phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân).

Câu 62. Bạn đọc có địa chỉ email codienlanhminh…@gmail.com hỏi:

Tôi đã nộp hồ sơ nghỉ hưu cho cơ quan BHXH và đang chờ sổ hưu. Xin hỏi trong thời gian chờ này, tôi có được hưởng BHYT không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp Bà chuyển từ đối tượng người lao động sang đối tượng hưu trí thì Bà sẽ được cấp thẻ BHYT có mã đối tượng hưu trí từ thời điểm được hưởng chế độ hưu trí và quỹ BHYT sẽ thanh toán các chi phí KCB BHYT kể từ thời điểm này.

Do Bà không cung cấp đủ thông tin nên đề nghị Bà đến cơ quan BHXH nơi thụ lý hồ sơ nghỉ hưu để được hướng dẫn cụ thể.

Câu 61. Bạn đọc có địa chỉ email thedinhon…@yahoo.com.vn hỏi:

Cho tôi hỏi, người dân ở xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có được hưởng BHYT dành cho các đối tượng sinh sống ở khu vực bãi ngang không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2010 thì xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre là xã đặc biệt khó khăn.

Do đó, người đang sinh sống tại xã Vang Quới Đông sẽ được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT và hưởng các quyền lợi BHYT dành cho đối tượng người đang sinh sống tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Câu 60. Bạn đọc Thương Trần hỏi:

Tôi bị động thai và xin giấy nghỉ để hưởng chế độ BHXH của trạm y tế xã. Nhưng khi Công ty tôi nộp thì cơ quan BHXH trả lại với lý do: Sai biểu mẫu và yêu cầu xin cấp lại. Vậy trong trường hợp này, tôi phải làm thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH; Điều 15, 18, 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT như sau:

a) Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

b) Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Ngày 29/12/2017 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 56/2017/TT-BYT hướng dẫn Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế trong đó quy định cụ thể về mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, hướng dẫn ghi, nguyên tắc và hình thức cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Thông tin trong Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là căn cứ để cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động.

Trường hợp của Bạn nếu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã cấp chưa đúng mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên dẫn đến việc mẫu dấu không đúng quy định, không đúng thẩm quyền ký, thông tin khám bệnh chữa bệnh không đầy đủ thì cơ quan BHXH chưa đủ căn cứ để giải quyết chế độ BHXH đối với Bạn. Đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH để được biết chính xác lý do từ chối giải quyết đồng thời được hướng dẫn cụ thể.

Trường hợp cần phải cấp lại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH Bạn liên hệ với Trạm y tế xã để được cấp lại theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên.

Câu 59. Bạn đọc có địa chỉ email nhodoan19...@gmail.com hỏi:

Tôi sinh ngày 20/7/1960. Đến năm 2020, tôi đủ 60 tuổi tròn và cũng đã đóng BHXH đủ 20 năm. Xin cho hỏi, tôi sẽ làm thủ tục nghỉ hưu vào thời gian nào của năm 2020? Theo quy định tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật Lao động sửa đổi thì việc nghỉ hưu của tôi có bị ảnh hưởng không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo thông tin Ông cung cấp, tháng 7/2020, Ông đủ 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH thì thời điểm hưởng lương hưu đối với Ông được tính từ ngày 01/8/2020. Trong thời hạn 30 ngày, tính đến thời điểm hưởng lương hưu (01/08/2020), Ông hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH để được giải quyết.

Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có sửa đổi về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, do vậy, nếu Ông đủ điều kiện hưởng lương hưu trong năm 2020 thì Ông không bị ảnh hưởng về quy đinh tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định mới.

BHXH Việt Nam trả lời để Ông được biết.

Câu 58. Bạn đọc có địa chỉ email giau...@gmail.com hỏi:

Kính gửi cơ quan BHXH. Gần đây, tôi bị ốm phải nhập viện. Giấy ra viện của tôi ghi sai địa chỉ thường. Vậy, trong trường hợp này, tôi có cần xin sửa lại thông tin giấy ra viện để nhận BHXH chế độ ốm đau không? 

Tôi xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, gồm:

- Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Trường hợp của Bạn nếu Giấy ra viện được cấp theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên tuy nhiên bị sai lệch thông tin về địa chỉ thì Giấy ra viện của Bạn vẫn đủ căn cứ để giải quyết chế độ ốm đau. Bạn nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH xem xét, giải quyết.

Câu 57. Bạn đọc có địa chỉ email ducminh...@gmail.com hỏi:

Tôi bị mất sổ BHXH nhưng vẫn còn lưu số sổ BHXH. Tôi xin hỏi thủ tục cấp lại sổ BHXH như thế nào? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để được cấp lại sổ.

Câu 56. Bạn đọc có địa chỉ email thanhhoalo...@gmail.com hỏi:

Công ty từ khoảng tháng 4/2019 không đóng tiền BHXH cho cơ quan BHXH nên tháng 9/2019 tôi nghỉ việc thì không được chốt sổ BHXH, công ty không có khả năng đóng BHXH và có nguy cơ phá sản. Vậy, tôi xin hỏi trường hợp này cá nhân tôi có đi chốt sổ BHXH được không? Và cần có giấy tờ gì để đi chốt sổ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Quy định tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 QĐ 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam:

“Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đơn vị đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”

Vì vậy, Bạn liên hệ với đơn vị nơi trước đây bạn làm việc để được chốt sổ BHXH.

Câu 55. Bạn đọc có địa chỉ email phungthihiepx...@gmail.com hỏi:

Gia đình tôi thuộc diện dân tộc thiểu số sinh sống tại xã Cư ê wi, huyện Cư kuin, tỉnh Đắc Lắk, hàng năm đều được nhà nước cấp phát thẻ BHYT. Nay tôi đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và được cấp 1 thẻ BHYT diện doanh nghiệp. Vậy cả 2 thẻ này đều có thể sử dụng được không hay phải cắt 1 trong 2 thẻ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung số 46/2014/QH13 thì “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật này”

Đồng thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Trường hợp của bạn là người lao động đồng thời là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, thì chỉ sử dụng 01 thẻ BHYT cấp theo mã đối tượng của người lao động, nhưng được hưởng quyền lợi cao nhất theo mức hưởng của người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn.

Câu 54. Bạn đọc có địa chỉ email viet-vu…@hotmail.co.jp hỏi:

Hiện tại, tôi đang làm việc ở công ty nhưng thông tin về ngày tháng năm sinh trên sổ BHXH của tôi không khớp với chứng minh thư nhân dân. Giờ tôi muốn sửa lại thông tin này trên sổ BHXH có được không và cần những giấy tờ gì? Tôi có thể tự làm đơn đề nghị, mà không nhờ đến công ty của tôi có được không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) kèm theo Giấy khai sinh hoặc trích lục giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và CMND hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu nộp đơn vị nơi bạn đang làm việc hoặc nộp cơ quan BHXH để được điều chỉnh ngày tháng năm sinh trên sổ BHXH.

Trường hợp là Đảng viên: Căn cứ ngày tháng năm sinh trên lý lịch Đảng viên để thực hiện điều chỉnh.

Câu 53. Bạn đọc có địa chỉ email hpgaming…@gmail.com hỏi:

Em mất thẻ BHYT học sinh, giờ có cách nào để em xem được mã thẻ của mình? Mong cơ quan BHXH giải đáp giúp.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp bị mất thẻ, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được cấp lại; Hoặc tìm hiểu thông tin về thẻ BHYT của mình bằng nhiều hình thức: Kiểm tra danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại nhà trường; nhập các thông tin xác định nhân thân (như: Họ tên, tỉnh, số CMND…) để tra cứu trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn); Hoặc gọi trung tâm hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam qua tổng đài 1900.9068.

Câu 52. Bạn đọc có địa chỉ email hungbn...@gmail.com hỏi:

Tôi bị mất thẻ BHYT. Vậy cho hỏi thủ tục để được cấp lại thẻ BHYT? Tôi đang làm việc tại cơ quan Kiểm toán nhà nước đóng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp bị mất thẻ, để được cấp lại thẻ BHYT, bạn cần lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT (theo mẫu TK01-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam) và gửi đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để được cấp thẻ BHYT mới.

Câu 51. Bạn đọc có địa chỉ email duongngocthu14...@gmail.com hỏi:

Tôi muốn tra cứu mã số BHYT cũ để tiếp tục tham gia BHYT thì làm thế nào? Họ tên Nguyễn Thị Thùy Dung. Ngày tháng năm sinh: 13/01/2000.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp cần tra cứu mã thẻ BHYT cũ, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được cấp lại; Hoặc tìm hiểu thông tin về thẻ BHYT của mình bằng nhiều hình thức: Kiểm tra danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại nhà trường; nhập các thông tin xác định nhân thân (như: Họ tên, tỉnh, số CMND…) để tra cứu trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam (Https://baohiemxahoi.gov.vn); Hoặc gọi trung tâm hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam qua tổng đài 1900.9068.

Câu 50. Bạn đọc có địa chỉ email ngatran02...@gmail.com hỏi:

Tôi đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhưng tôi muốn khám bệnh ở Bệnh viện Hòa Hảo thì tôi có được hưởng chế độ BHYT như khi khám ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn không? Tôi cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là bệnh viện ngoài công lập, tuyến tỉnh; Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Hòa Hảo là cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến huyện.

Theo quy định của Luật BHYT thì từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT có thể đến các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc để KCB và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT.

Như vậy, Bà có thể đến KCB tại Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Hòa Hảo có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân thì được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT như đi KCB đúng nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu.

Câu 49. Bạn đọc có địa chỉ email trangbtt110...@sacombank.com hỏi:

Con tôi sinh năm 2018. Cháu bị chuẩn đoán lên hạch nách- phản ứng sau tiêm lao - chỉ định mổ. Tôi cho con mổ dịch vụ tại khoa quốc tế S tại bệnh viện Nhi Trung ương. Tôi muốn hỏi mổ dịch vụ như vậy có được hưởng quyền lợi BHYT không? Và được bao nhiêu phần trăm? Chi phí con tôi mổ cắt hạch mất gần 22 triệu đồng.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp con Bà đi KCB tại Bệnh viện Nhi Trung ương theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 28 Luật BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng BHYT.

Trường hợp con Bà tự đi KCB không đúng tuyến tại Bệnh viện Nhi Trung ương và có xuất trình thẻ BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí KCB nội trú trong phạm vi hưởng BHYT, không thanh toán chi phí KCB ngoại trú.

Trường hợp con Bà tự đi KCB và không xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT thì quỹ BHYT không thanh toán chi phí KCB này.

Câu 48. Bạn đọc có địa chỉ email thuanhong...@yahoo.com.vn hỏi:

Tôi tham gia BHYT có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Phòng khám đa khoa số 2, Nha Trang, Khánh Hòa. Sau đó tôi đưa con vào thành phố Hồ Chí Minh để học và trọ ở đó. Chủ nhà có làm thủ tục đăng ký tạm trú nhưng tôi không được giữ giấy tờ gì liên quan đến tạm trú cả. Vậy trong trường hợp tôi đi khám bệnh hay nhập viện điều trị, nếu muốn được hưởng chế độ BHYT cùng tuyến thì tôi phải làm như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định Người tham gia BHYT trong thời gian đi học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được KCB ban đầu tại cơ sở KCB cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.

Ngoài ra, Bà có thể đến tất cả các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để KCB, có xuất trình đầy đủ thủ tục và vẫn được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi và quyền lợi quy định trên thẻ BHYT.

Câu 47. Bạn đọc có địa chỉ email anhduong2...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHYT (thời gian đủ 5 năm liên tục từ 17/04/2015), thẻ BHYT GD4484810010478. Ngày 07/05/2018 tôi đã phẫu thuật ung thư tuyến giáp tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ngày 09/9/2019 tiếp tục điều trị phóng xạ. Vậy cho tôi hỏi căn cứ vào thời gian tham gia BHYT liên tục và tình trạng bệnh hiện tại thì có được hỗ trợ quyền lợi gì? Thủ tục và giấy tờ kê khai hoặc viết đơn thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp Bà đã có thời gian tham gia BHYT 5 liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB BHYT không đúng tuyến) thì Bà sẽ được cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả chi phí KCB BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT khi đi KCB theo đúng quy định.

Chi phí KCB BHYT cùng chi trả để được cấp Giấy chứng nhận chỉ được xác định trong năm tài chính. Trường hợp Bà đang KCB tại cơ sở mà có chi phí cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở và tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục thì sẽ được miễn cùng chi trả chi phí KCB BHYT ngay tại cơ sở KCB.

Trường hợp chưa được hưởng quyền lợi này, đề nghị bà mang các chứng từ, hóa đơn thanh toán chi phí KCB BHYT từ ngày 01/01/2019 đến nay và thẻ BHYT đến cơ quan BHXH để được thanh toán chi phí KCB BHYT cùng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở và cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Câu 46. Bạn đọc có địa chỉ email thanhtuoi04...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH tính đến thời điểm này là 15 năm 1 tháng. Nay tôi muốn lĩnh tiền BHXH một lần thì cách tính như thế nào? Thủ tục để lĩnh BHXH 1 lần? Xin cám ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người hưởng BHXH một lần đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Thủ tục để lĩnh BHXH một lần như sau:

- Sổ BHXH.

- Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần của người lao động.

- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

 + Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

- Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Do Bạn không nói rõ, Bạn yêu cầu hưởng BHXH một lần trong trường hợp nào nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để hưỡng dẫn cụ thể. Đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan BHXH địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục hồ sơ theo quy định.

Câu 45. Bạn đọc có địa chỉ email anksxd...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH được hơn 4 năm. Từ tháng 4/2019 đến nay tôi không còn tham gia BHXH nữa. Vậy tôi có được thanh toán BHXH một lần sau khi tôi nghỉ 12 tháng (tháng 4/2020) không? Xin hỏi điều kiện cần và đủ để được thanh toán BHXH một lần? Trân trọng cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13, trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận bảo BHXH một lần.

Đối chiếu quy định trên, trường hợp của Bạn đã tham gia BHXH được hơn 4 năm, từ tháng 4/2019 đến nay, Bạn nghỉ việc, không tham gia BHXH nữa. Do vậy, đến tháng 4/2020, Bạn đủ điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định.

Để được hưởng BHXH một lần, Bạn cần lập hồ sơ gửi đến cơ quan BHXH như sau:

- Sổ BHXH.

- Đơn đề nghị hưởng BHXH  một lần của người lao động.

Câu 44. Bạn đọc có địa chỉ email sevt.17768421@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH được 2 năm. Tôi nghỉ việc sau khi nghỉ hết chế độ thai sản 6 tháng. Trong sổ BHXH kê khai tháng mà tôi viết đơn nghỉ việc là nghỉ làm việc không lương. Như vậy tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm quy định: “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.”

Trường hợp của Bạn nghỉ làm việc không hưởng lương không phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc do đó Bạn không đủ điều kiện để hưởng BHTN theo quy định trên.

Câu 43. Bạn đọc có địa chỉ email quanghung19832018@gmail.com hỏi:

Tôi đã thôi không tham gia BHXH từ tháng 4/2013. Nay tôi có nguyện vọng được hưởng hỗ trợ BH thất nghiệp có được không? Khi làm cần chuẩn bị hồ sơ cụ thể những gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm quy định: “ Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập”. Trường hợp của Bạn đã thôi không tham gia BHXH từ tháng 4/2013 nên quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian tham gia BHXH, BHTN của Bạn sẽ được bảo lưu để hưởng BHTN khi Bạn tiếp tục tham gia BHTN và đủ điều kiện.

Câu 42. Bạn đọc có địa chỉ email ninhhoangngocmy...@gmail.com hỏi:

Em sinh con ở nước ngoài thì em có được hưởng chế độ thai sản không ạ? Và cần những giấy tờ gì? Em trực tiếp đi đăng kí tại cơ quan BHXH có được không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH như sau:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.

Câu 41. Bạn đọc có địa chỉ email mai.thaihan...@gmail.com hỏi:

Người lao động công ty em sinh con vào ngày 6/5/2019, đã giải quyết và hưởng chế độ thai sản; chồng của lao động này cũng được giải quyết hưởng chế độ chăm vợ 7 ngày (có hồ sơ là cmnd của vợ, giấy ra viện công chứng của vợ, giấy khai sinh của con). Đến nay đã hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động đã đi làm, xin nghỉ dưỡng sức phục hồi sau sinh từ 11/11/2019 đến 17/11/2019 nhưng không nộp giấy ra viện bản gốc và giấy chứng nhận phẫu thuật. Vậy trong trường hợp này, công ty có cơ sở để lập hồ sơ dưỡng sức sau sinh với số ngày hưởng là 7 ngày theo quy định không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại khoản 1, 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:

1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Tại khoản 5 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản là Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập (Mẫu số 01B-HSB).

Đối chiếu quy định nêu trên, việc xác định điều kiện và thời gian hưởng thuộc trách nhiệm của công ty. Công ty bạn phải căn cứ vào hồ sơ do người lao động cung cấp và tình trạng sức khỏe của người lao động để xác định thời gian hưởng để lập danh sách chuyển cơ quan BHXH và chịu trách nhiệm về việc lập danh sách.

Câu 40. Bạn đọc có địa chỉ email huyen.mai...@bscorp.com.vn  hỏi:

Cô em bị đứt dây chằng gối nghỉ 10 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, cô em muốn làm hồ sơ xin nghỉ việc hưởng BHXH cho 10 ngày nghỉ này, vậy cần chuẩn bị hồ sơ gì? Cô có hộ khẩu thường trú tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), đang làm cho một công ty ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), vậy cô phải đến cơ quan BHXH ở huyện nào để làm thủ tục ạ? Em xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, gồm:

- Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định: Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trường hợp của cô Bạn nếu đang tham gia BHXH phải nghỉ việc do ốm đau thì Cô bạn nộp hồ sơ theo quy định nêu trên cho đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH xem xét giải quyết.

Câu 39. Bạn đọc có địa chỉ email hatrt.rt...@gmail.com hỏi:

Em tham gia BHXH từ tháng 5/2015 đến 6/2019. Từ 7/2019 em không tham gia BHXH cho đến tháng 2/2020 em mới tham gia lại được. Hiện em đang có bầu và dự kiến tháng 5/2020 sinh. Vậy em có được hưởng chế độ thai sản không ạ?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định nêu trên.

Do thông tin Bạn cung cấp không đầy đủ nên BHXH Việt Nam không có căn cứ trả lời cụ thể. Đề nghị Bạn căn cứ quy định nêu trên để được đảm bảo quyền lợi về BHXH theo đúng quy định.

Câu 38. Bạn đọc có địa chỉ email duongngocthu14...@gmail.com hỏi:

Xin hỏi thủ tục, hồ sơ chuyển cơ quan BHXH quản lý khi công ty thay đổi địa điểm kinh doanh? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ hướng dẫn Điều 23 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hồ sơ chuyển cơ quan BHXH khi công ty thay đổi điểm kinh doanh gồm: Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK3-TS)

Câu 37. Bạn đọc có địa chỉ email  hongvu04…@gmail.com hỏi:

Tôi có tham gia BHXH từ tháng 7/2011. Đến tháng 7/2016, tôi có nghỉ thai sản, đồng thời nghỉ việc tại công ty (công ty đã báo giảm đóng BHXH cho tôi từ tháng 7/2016). Tuy nhiên, do công ty còn nợ BHXH nên tôi chưa thể chốt sổ và hưởng chế độ thai sản. Giờ tôi phải làm sao để được hưởng chế độ thai sản và chốt sổ BHXH để đóng tiếp ở đơn vị mới?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp bạn nghỉ chế độ thai sản hoặc chấm dứt hợp đồng thì công ty có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN và tiền lãi chậm đóng đối với bạn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho bạn.

Do đó, bạn đề nghị công ty cũ đóng đủ BHXH, BHTN và tiền lãi chậm đóng đối với bạn để giải quyết chế độ thai sản và chốt sổ BHXH.

Câu 36. Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh hỏi:

Tôi có ký hợp đồng lao động 01 năm với một công ty xây dựng. Hiện nay, tôi đã làm được 3 tháng nhưng mỗi tháng, tôi đều làm không đủ ngày công do bận việc gia đình, cụ thể: 01 tháng 10 công, 01 tháng 12 công, 01 tháng 13 công. Công ty không đóng BHXH cho tôi.

Tôi đã hỏi vì sao và được công ty trả lời: không đóng BHXH vì không làm đủ ngày công trong tháng. Cho tôi hỏi, công ty tôi làm vậy là đúng hay sai?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đề nghị bà đối chiếu quy định nêu trên, xác định số ngày cụ thể không làm việc, không hưởng lương trong một tháng để làm căn cứ đóng hoặc không đóng BHXH của tháng đó.

Câu 35. Bạn đọc có địa chỉ email lylyktak...@gmail.com hỏi:

Trong tháng 11/2019, tôi có nghỉ quá 14 ngày làm việc. Công ty có báo giảm tháng 11 này cho tôi với trường hợp là nghỉ ốm đau (không phải là chấm dứt hợp đồng lao động). Tôi muốn hỏi khi công ty báo giảm tháng 11 cho tôi như vậy tôi có phải đóng BHYT tháng 11 hay không? Và thẻ BHYT của tôi có được sử dụng trong tháng 12/2019 không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định ngườ lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHYT những vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Như vậy tháng 11/2019 bạn nghỉ trên 14 ngày làm việc và hưởng chế độ ốm đau theo quy định về pháp luật BHXH thì bạn không phải đóng BHYT tháng 11/2019.

Nếu tháng 12/2019 bạn tiếp tục nghỉ trên 14 ngày làm việc và hưởng chế độ ốm đau theo quy định về pháp luật BHXH thì bạn không phải đóng BHYT tháng 12/2019.

Trong trường hợp tháng 12/2019 bạn nghỉ dưới 14 ngày làm việc hoặc không đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật BHXH thì công ty của bạn phải báo tăng trường hợp của bạn vào tháng 12/2019 với cơ quan BHXH thì BHYT của bạn tiếp tục được sử dụng trong tháng 12/2019.

Câu 34. Bạn đọc có địa chỉ email duongthanhchau…@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH được 4 năm, vợ tôi không tham gia BHXH. Vậy khi vợ tôi sinh con, tôi có được hưởng BHXH không? Nếu có thì được hưởng bao nhiêu?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 31, Điều 34, Điều 38 Luật BHXH nếu Bạn đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ them 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định nêu trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trong trường hợp mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Ngoài ra, Bạn còn được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng vợ Bạn sinh con cho mỗi con khi vợ Bạn không tham gia BHXH hoặc có tham gia nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 33. Bạn đọc có địa chỉ email mydanh...@yahoo.com hỏi:

Tôi làm việc được 8 năm và lĩnh BHXH một lần được 40 triệu đồng. Nhưng có đồng nghiệp với tôi làm việc chỉ có 6 năm nhưng số tiền được lĩnh lại nhiều hơn tôi. Vì sao lại vậy? Xin cơ quan BHXH giải thích giúp tôi.

BHXH Việt Nam trả lời:

Việc tính hưởng BHXH một lần được căn cứ vào diễn biến cụ thể thời gian đóng BHXH, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác (kể từ ngày 01/01/2018)), mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH (chỉ số CPI) và thời điểm giải quyết hưởng.

Do chưa có các thông tin làm căn cứ tính hưởng BHXH một lần đối với đồng nghiệp của Bạn nên cơ quan BHXH chưa giải thích cụ thể nội dung Bạn hỏi. Đề nghị Bạn liên hệ cơ quan BHXH địa phương và cung cấp thông tin nêu trên để được xem xét, trả lời cụ thể.

Câu 32. Bạn đọc có địa chỉ email linhnguyents16...@gmail.com hỏi:

Trong trường hợp đi nộp hồ sơ (nộp hồ sơ trực tiếp hay nộp online) và nhận thay tiền hưởng BHXH một lần thì tôi cần mang những hồ sơ gì? Xin cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hồ sơ nộp để hưởng BHXH một lần bao gồm:

- Sổ BHXH.

- Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB).

- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp.

+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.

+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

- Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm bản chính trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được; nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng bản chính Biên bản giám định mức suy giảm từ 81% KNLĐ trở lên của Hội đồng GĐYK thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.

- Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm bản chính hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bản chính bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.

- Bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBKV) ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong Quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.

Người lao động nộp hồ sơ theo cách thức sau:

- Nộp trực tiếp hồ sơ nêu trên cho cơ quan BHXH huyện/tỉnh hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.

- Nếu nộp theo phương thức giao dịch điện tử thì đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN. Trường hợp chưa chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính.

Trường hợp người lao động không đến nhận trực tiếp kết quả thì người đến nhận thay phải có Giấy ủy quyền (Mẫu số 13-HSB) hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền.

Câu 31. Bạn đọc có địa chỉ email ngokieulyb...@icloud.com hỏi:

Tôi đã tham gia BHXH được 2 năm sau đó nghỉ 10 tháng rồi lại tham gia tiếp. Tôi hỏi là nếu bây giờ tôi sinh bé thì có được nhận chế độ thai sản không? Nếu không được, thì bây giờ tôi phải đóng thêm bao nhiêu tháng nữa để tôi được hưởng chế độ thai sản? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do Bạn không nêu cụ thể thời gian bạn tiếp tục tham gia BHXH cho đến thời điểm bạn sinh con, nên BHXH Việt Nam không có căn cứ để trả lời trường hợp của Bạn. Nếu tại thời điểm sinh con, Bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì Bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 30. Bạn đọc có địa chỉ email thanhtuyen5631...@gmail.com hỏi:

Cơ quan BHXH có thể cho tôi biết quy định và thủ tục để thanh toán BHXH một lần được không? Tôi xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ như sau:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

2. Hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm:

a) Sổ BHXH.

b) Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB).

c) Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

- Hộ chiếu do nước ngoài cấp.

- Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.

- Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

d) Đối với người bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm bản chính trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được; nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng bản chính Biên bản giám định mức suy giảm từ 81% KNLĐ trở lên của Hội đồng GĐYK thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.

e) Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm bản chính hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bản chính bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.

g) Trường hợp có thời gian phục vụ trong Quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực thì có thêm bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBKV) ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP.

Câu 29. Bạn đọc có địa chỉ email lehuutri.tech...@gmail.com hỏi:

Vợ tôi đã tham gia BHXH được hơn 18 tháng. Nhưng công ty của vợ đang làm không chịu làm thủ tục để vợ tôi được hưởng chế độ thai sản sau khi sinh con. Như vậy, công ty làm đúng hay sai? Và tôi có thể tự làm thủ tục hưởng chế độ thai sản cho vợ hay không? Nếu có mong quý cơ quan hướng dẫn cho tôi thủ tục để làm. Xin chân thành biết ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp vợ của Bạn nếu tại thời điểm sinh con, vợ Bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì vợ Bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con; trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động đơn vị sử dụng lao động (nơi vợ bạn tham gia BHXH) sẽ có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ khi vợ bạn sinh con.

Trường hợp công ty không làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ Bạn, thì vợ Bạn có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện công ty theo quy định tại khoản 8 Điều 18 Luật BHXH.

Câu 28. Bạn đọc có địa chỉ email ngoctram2…@gmail.com hỏi:

Em tham gia BHXH được 9 tháng. Trong đó chia làm 2 giai đoạn: Từ tháng 10/2017 đến 12/2017 với mức đóng là 4.015.000 đồng; từ tháng 01/2018 đến 6/2018 với mức đóng là 4.260.000 đồng. Cho em hỏi, giờ em tính làm thủ tục xin rút tiền BHXH một lần thì số tiền em được hưởng sẽ là bao nhiêu?

BHXH Việt Nam trả lời:

Bạn tham gia BHXH từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018 và có nguyện vọng hưởng BHXH một lần, BHXH Việt Nam căn cứ thông tin Bạn cung cấp để tính mức hưởng BHXH một lần tại thời điểm tháng 12/2019 như sau:

Căn cứ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH và Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian đóng BHXH của Bạn chưa đủ 1 năm (9 tháng) nên mức hưởng BHXH một lần Bạn nhận được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Cụ thể như sau:

a) Việc tính mức bình quân tiền lương tháng hoặc bình quân tiền lương và thu nhập tháng để tính hưởng BHXH một lần căn cứ quy định về mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH tại Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Từ tháng 10/2017 đến tháng 12/2017 (3 tháng), mức lương 4.015.000 đồng/tháng, hệ số 1,04:

4.015.000 x 1,04 x 3 = 12.526.800 đồng

- Từ tháng 01/2018 đến tháng 6/2018 (6 tháng), mức lương 4.260.000 đồng/tháng, hệ số 1:

4.260.000 x 1 x 6 = 25.560.000 đồng

Tổng số tiền: 12.526.800 + 25.560.000 = 38.086.800 đồng

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là:

38.086.800 / (3+6) = 4.231.867 đồng/tháng

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là:

4.231.867 x 2 = 8.463.734 đồng

c) 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH là:

22% x [(3 x 4.015.000 x 1.04) + (6 x 4.260.000 x 1)] = 8.379.096 đồng

Như vậy, với thông tin Bạn cung cấp, cơ quan BHXH tạm tính mức hưởng BHXH một lần Bạn nhận được là 8.379.096 đồng.

Câu 27. Bạn đọc có địa chỉ email irisnguyen…@gmail.com hỏi:

Tôi phải liên hệ với ai khi mà đã nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản hơn 1 tháng nhưng chưa có kết quả phản hồi?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì: Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

 Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

- Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do".

Do Bạn không nêu rõ Bạn đang tham gia BHXH hay đã nghỉ việc trước thời điểm sinh con và hồ sơ thanh toán chế độ thai sản bạn nộp cho đơn vị sử dụng lao động hay nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ cụ thể để trả lời.

Câu 26. Bạn đọc có địa chỉ email nguyenthihoa08031...@gmail.com hỏi:

Trước đây em có làm 2 công ty nhưng em nghỉ ngang không lấy sổ BHXH. Hiện tại, em đang làm một công ty khác được 3 năm rồi và cũng có sổ mới. Như vậy, em có cần thực hiện gộp sổ BHXH để sau này không bị ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định hiện nay, mỗi người tham gia chỉ được cấp 01 mã số BHXH duy nhất trong suốt quá trình tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Để đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho mình, bạn đề nghị công ty cũ xác nhận và trả sổ BHXH cho bạn, sau đó bạn thực hiện thủ tục gộp sổ BHXH.

Câu 25. Bạn đọc có địa chỉ email nguyenthihoa08031...@gmail.com hỏi:

Tôi mới nghỉ làm ở công ty cũ và đã làm thủ tục chốt sổ BHXH. Giờ tôi vào công ty mới làm, họ lại làm cho tôi 1 sổ BHXH mới, mã số của sổ BHXH mới lại trùng với mã số của sổ BHXH cũ. Như vậy, hiện tại tôi có 2 sổ BHXH nhưng đều chung 1 mã số. Cho tôi hỏi lý do tại sao lại như vậy? Trong trường hợp này có phải gộp sổ không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Mỗi người tham gia chỉ được cấp một mã số BHXH duy nhất trong suốt quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN vì vậy khi tiếp tục đăng ký tham gia BHXH tại đơn vị khác người tham gia khai báo mã số BHXH đã cấp và tiếp tục đóng trên số sổ BHXH đó. Vì vậy, bạn không cần phải thực hiện gộp sổ BHXH.

Câu 24. Bạn đọc có địa chỉ email camvanknn…@gmail.com hỏi:

Hiện tại, em đang làm và đang đóng BHXH tại một công ty từ tháng 7/2019. Tuy nhiên, năm 2010 em đã đi làm ở 2 công ty và đóng bảo hiểm được khoảng 6, 7 tháng nhưng khi nghỉ viêc, do chưa hiểu rõ về BHXH em đã không tìm hiểu và chưa thực hiện chốt sổ BHXH. Vậy anh/chị tư vẫn giúp em, bây giờ em có thể chốt được sổ BHXH nữa không và làm thế nào để em có thể lấy lại được sổ BHXH để cộng nối quá trình tham gia BHXH tại công ty mới?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH  đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm “Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, bạn liên hệ với công ty cũ để đề nghị xác nhận sổ BHXH cho bạn, sau đó bạn thực hiện thủ tục gộp sổ BHXH.

Câu 23. Bạn đọc có địa chỉ email hungv93…@gmail.com hỏi:

Công ty hiện tại muốn đóng BHXH cho tôi nhưng khi tra cứu thì phát hiện tôi đã có sổ BHXH rồi. Trong khi đó, ngày trước, tôi chỉ làm việc bán thời gian tại một công ty Nhật Bản nhưng công ty này lại khẳng định không tham gia BHXH cho tôi. Vậy, tôi phải làm gì để biết đơn vị nào đã lập sổ BHXH cho mình và xin hướng dẫn tôi cách gộp sổ hoặc lập sổ mới?

BHXH Việt Nam trả lời:

Để biết công ty cũ có tham gia BHXH cho bạn hay không bạn cũng có thể tự tra cứu thông tin bằng cách tra cứu trực tuyến trên website: http://baohiemxahoi.gov.vn, gọi điện cho tổng đài 1900 90 68 để được giải đáp chi tiết hoặc nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} {từ tháng/năm} {đến tháng/năm} gửi 8079 để tra cứu thời gian đóng BHXH theo khoảng thời gian. Để được gộp sổ BHXH, đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) kèm theo sổ BHXH nộp cho cơ quan BHXH.

Câu 22. Bạn đọc có địa chỉ email uyennguyen…@gmail.com hỏi:

Tháng 12/2014, gia đình tôi có tham gia BHYT cho tôi theo hộ gia đình. Tháng 7/2016, tôi tham gia BHYT, BHXH, BH thất nghiệp ở một công ty. Tháng 3/2017, tôi nghỉ việc và nhận sổ BHXH. Sau đó, tôi làm mất sổ BHXH và quyết định nghỉ việc mà không biết chính xác mình bị mất từ thời điểm nào. Đến tháng 9/2017, tôi trở lại làm việc tại công ty cũ (chi nhánh khác) và qua tra cứu sổ BHXH, thẻ BHYT, tôi không tìm thấy thông tin. Tôi muốn hỏi, làm thế nào để tôi có thể kiểm tra lại được số sổ BHXH ngày trước và tôi có được tiếp tục đóng cộng nối số sổ đó không? Đồng thời, tôi có phải mua tiếp BHYT theo diện hộ gia đình đang mua không?

BHXH Việt Nam trả lời:

a) Về số sổ BHXH

Mỗi người tham gia chỉ được cấp một mã số BHXH duy nhất trong suốt quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Đề nghị bạn cung cấp thông tin (họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, tên công ty, nơi tham gia BHXH) để cơ quan BHXH tra cứu cho bạn hoặc gọi điện cho tổng đài số 1900 90 68 tra cứu số sổ BHXH. Đối với sổ BHXH bị mất, bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH đề nghị cấp lại sổ BHXH cho bạn. Trường hợp bạn tham gia BHYT, BHXH, BH thất nghiệp ở một công ty thì bạn không phải tham gia BHYT theo diện hộ gia đình.

b) Về tham gia và cấp thẻ BHYT

Trường hợp của bạn đã trở lại làm việc tại Công ty cũ. Vì vậy, bạn không cần tham gia tiếp BHYT hộ gia đình, mà thực hiện đóng và cấp thẻ BHYT theo đối tượng người lao động tại công ty nơi bạn đang làm.

Câu 21. Bạn đọc có địa chỉ email thanhhoa…@gmail.com hỏi:

Mong cơ quan BHXH cho biết, để tra cứu quá trình tham gia BHXH của người lao động trong doanh nghiệp mà không có số điện thoại nhận mã OTP thì phải làm sao?

BHXH Việt Nam trả lời:

Ngoài hình thức tra cứu trên website: http://baohiemxahoi.gov.vn bạn có thể thực hiện nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} {từ tháng/năm} {đến tháng/năm} gửi 8079 để tra cứu thời gian đóng BHXH theo khoảng thời gian hoặc gọi điện cho tổng đài 1900 90 68 để biết được quá trình tham gia BHXH.

Câu 20. Bạn đọc có địa chỉ email buiquangson…@gmail.com hỏi:

Khi đăng ký BHYT cho thân nhân, tôi đã ghi sai thông tin ngày sinh cho thân nhân, giờ muốn sửa lại, tôi phải làm thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp kê khai sai ngày sinh của thân nhân, bạn cần liên hệ với đơn vị nơi trực tiếp quản lý đối tượng thân nhân để kiểm tra, đối chiếu và xác nhận thông tin bạn đề nghị điều chỉnh đã khớp đúng với giấy tờ tùy thân có ảnh của thân nhân, đồng thời thông qua cơ quan, đơn vị quản lý thân nhân lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT (theo mẫu TK01-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam) và gửi đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để in, đổi thẻ BHYT mới theo quy định.

Câu 19. Bạn đọc có địa chỉ email huonhuon2010...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH tại Công ty từ tháng 02/2019 đến tháng 12/2019 dự sinh, vậy theo quy định tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

BHXH Việt Nam trả lời:

 Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn nếu bạn liên tục đi làm và đóng BHXH từ tháng 02/2019 đến thời điểm dự sinh tháng 12/2019 thì Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 18. Bạn đọc có địa chỉ email anguyet...@gmail.com hỏi:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật ATVSLĐ:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động: “Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này” (Khoản 5 điều 38 Luật ATVSLĐ quy định: “Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng”).

Căn cứ các quy định nêu trên, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp đặc thù khi NLĐ bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động không phải trả chi phí y tế và tiền lương, .....mà chỉ thực hiện trợ cấp theo khoản 5 điều 38 Luật ATVSLĐ (Theo công văn trả lời của Bộ LĐ-TBXH số 2704/LĐTBXH-ATLĐ V/v trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Global Dying ngày 08/7/2019 liên quan đến giải quyết chế độ đối với các trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động trên Cổng Thông tin Văn phòng Chính phủ - Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của Doanh nghiệp). Vậy trong trường hợp này sau khi điều trị tai nạn xong, người lao động có xin phép nghỉ thêm từ trên 1 tháng và không có giấy tờ chứng minh cho khoảng thời gian nghỉ đó, vậy người sử dụng lao động có phải đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ trong khoảng thời gian nghỉ đó hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014 quy định người sử dụng lao động không phải đóng BHXH cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 của Luật này.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp sau khi Bạn điều trị tai nạn xong ra viện, Bạn nghỉ không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì Bạn và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH của tháng đó.

Câu 17. Bạn đọc có địa chỉ email thoa...@groz-beckert.com hỏi:

Ca làm việc của tôi bắt đầu từ 7:30 và kết thúc lúc 16:00, ngày 18/10 trong thời gian làm việc tôi bị đau bụng dữ dội phải nhập viện cấp cứu, hôm đó tôi làm đến 12:30 thì nhập viện nên công ty chỉ thanh toán tiền lương đến 12:30. Sau đó tôi có hỏi công ty là thời gian từ 12:30 đến 16:00 có được hưởng trợ cấp ốm đau hay không vì tôi phải nhập viện và có giấy tờ hợp lệ, nhưng công ty trả lời rằng cơ quan BHXH sẽ không chi trả trợ cấp cho ngày 18/10 vì tôi nghỉ giữa chừng, không đủ nguyên ngày. Xin hỏi trong trường hợp như vậy quyền lợi khi người lao động bị ốm đau mà phải nghỉ việc giữa chừng sẽ được giải quyết như thế nào cho thỏa đáng?

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 4 Điều 28 Luật BHXH quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau tính theo ngày và được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Việc chưa có quy định tính hưởng chế độ ốm đau theo ½ ngày khi người lao động phải nghỉ việc đi khám bệnh, chữa bệnh ½ ngày và không được hưởng lương là một bất cập trong quy định của chính sách hiện hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách đã có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng chính sách sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Câu 16. Bạn đọc có địa chỉ email ngoctrong...@gmail.com hỏi:

Tôi là lao động làm việc tại vườn quốc gia theo hợp đồng lao động. Trong quá trình được cử đi làm việc tôi có bị thương gãy tay. Có biên bản điều tra tai nạn lao động, đã đi giám định tai nạn lao động theo giấy giới thiệu của đơn vị. Vậy cho tôi hỏi chi phí giám định y khoa do ai chi trả? Thủ tục để được hưởng chế độ tai nạn lao động như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

- Điều 42 Luật An toàn vệ sinh, lao động quy định Quỹ BHTNLĐ, BNN trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do TNLĐ, BNN đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ, BNN theo quy định

- Điều 57 Luật An toàn vệ sinh, lao động quy định hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ gồm: Sổ BHXH; Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ (Mẫu 05A-HSB). Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.

Bạn nộp hồ sơ theo quy định nêu trên cho đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH xem xét giải quyết.

Câu 15. Bạn đọc có địa chỉ email lien_dangthi...@yahoo.com.vn hỏi:

Tôi năm nay 47 tuổi, đã đóng BHXH được 20 năm (theo sổ BHXH). Tháng 2/2017 tôi nghỉ việc theo chồng sang công tác tại Myanmar và đã ngưng đóng BHXH từ tháng 02/2017. Thời hạn chồng tôi công tác tại Myanmar là 5 năm, sau đó tiếp tục đi nước khác và thời gian từ 02/2017 đến khi tôi 55 tuổi tôi cũng không đi làm và cũng không có nhu cầu đóng BHXH tự nguyện. Tôi có thể nhận BHXH một lần được không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội thì người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp Bạn đã tham gia đóng BHXH đủ 20 năm nên không thuộc đối tượng được giải quyết hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 nêu trên.

Căn cứ quy định tại Điều 61 Luật BHXH, Bạn đã đủ 20 năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH và được giải quyết hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Câu 14. Bạn đọc có địa chỉ email thanhhoa86...@gmail.com hỏi:

Em gái tôi mới sinh con được 7 tháng, theo luật khi con chưa được 12 tháng mẹ được nghỉ 60phút/ngày, về sớm hoặc đi trễ mà vẫn được hưởng lương. Tuy nhiên, công ty em tôi đang làm lại không có chính sách đó. Như vậy, công ty làm đúng hay sai?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 155 Bộ Luật lao động năm 2013, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Vấn đề bạn hỏi không thuộc lĩnh vực BHXH. Đề nghị Bạn căn cứ quy định nêu trên, liên hệ với công ty em Bạn đang làm việc để được giải đáp cụ thể.

Câu 13. Bạn đọc có địa chỉ email thoa.nguyen...@anpvietnam.vn hỏi:

Tôi nghỉ làm ở công ty cũ được hơn 2 năm, tôi đã đóng BHXH ở đó được 3 năm. Hiện tôi đi làm công ty mới, tôi chuẩn bị đóng BHXH nhưng khi tra cứu số sổ in trên sổ BHXH công ty cũ cấp cho tôi thì không tìm thấy kết quả. Vậy bây giờ tôi phải làm gì?

BHXH Việt Nam trả lời:

Hiện nay có nhiều cách thức để tra cứu quá trình đóng BHXH như truy cập website: http://baohiemxahoi.gov.vn -> Tra cứu trực tuyến -> Tra cứu quá trình tham gia BHXH; gọi điện cho tổng đài 1900 90 68 hoặc nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} gửi 8079 để tra cứu thời gian đóng BHXH. Ngoài ra, bạn có thể cung cấp thêm thông tin để cơ quan BHXH tra cứu cho bạn.

Câu 12. Bạn đọc có địa chỉ email Nhungphamkhqlk...@gmail.com hỏi:

Công ty tôi đã đóng BHXH và chốt sổ BHXH trả cho người lao động từ 01/2019. Hiện nay, khi người lao động đi thanh toán BHXH thì được cơ quan BHXH báo không có quá trình đóng. Cho hỏi như vậy là đúng hay sai? Người lao động cần làm gì để bảo đảm được quyền lợi trong trường hợp này?

BHXH Việt Nam trả lời:

Việc thực hiện xác nhận (chốt) và trả sổ BHXH cho người lao động hiện nay được thực hiện dựa trên phần mềm và cơ sở dữ liệu về quá trình tham gia đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN của người tham gia. Vì vậy, cơ quan BHXH không thể xác nhận sổ BHXH cho người tham gia nếu không có quá trình đóng. Để kiểm tra chi tiết về quá trình tham gia BHXH bạn có thể hướng dẫn người lao động thực hiện tra cứu thông tin bằng cách truy cập website: http://baohiemxahoi.gov.vn Tra cứu trực tuyến  Tra cứu quá trình tham gia BHXH; gọi điện cho tổng đài 1900 90 68 hoặc nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} gửi 8079 để tra cứu thời gian đóng BHXH. Hoặc cung cấp thông tin để cơ quan BHXH thực hiện tra cứu cho bạn.

Câu 11. Bạn đọc có địa chỉ email tamnguyen3...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH tại công ty được 5 tháng, tôi phát hiện ra khi đăng ký thông tin tham gia BHXH kế toán của công ty có đăng ký sai thông tin nơi sinh của tôi. Vậy tôi cần phải làm gì để điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH?

BHXH Việt Nam trả lời:

Việc điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH chỉ cần thực hiện khi có sự thay đổi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch. Để điều chỉnh thông tin nơi sinh đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để thực hiện điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH.

Câu 10. Bạn đọc có địa chỉ email duongsaudvl...@gmail.com hỏi:

Tôi là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi tôi chưa tham gia BHXH? Năm 2018 thì tôi có tham gia BHXH tại 1 cơ quan nhà nước và được cơ quan yêu cầu tôi chuyển sổ BHXH về cơ quan. Tôi quay về địa phương để lấy sổ BHXH thì được trả lời là tôi không có sổ BHXH mà chỉ có thẻ BHYT. Vậy, cho tôi hỏi bây giờ tôi phải làm thế nào để lấy được sổ BHXH? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời:

Trường hợp của bạn trước đó chưa tham gia BHXH nên chưa được cấp sổ BHXH, do đó bạn đề nghị đơn vị thực hiện thủ tục cấp sổ BHXH cho bạn.

Câu 9. Bạn đọc có địa chỉ email vuthuong...@gmail.com hỏi:

Tôi tham gia BHXH được 8 năm, nay muốn hưởng BHXH một lần để ra nước ngoài sống. Vậy thủ tục hưởng BHXH một lần gồm những gì? Có thể cho người khác làm thủ tục thay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Hồ sơ Bạn cần chuẩn bị để đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần khi ra nước ngoài định cư bao gồm:

a) Sổ BHXH.

b) Đơn đề nghị (Mẫu 14-HSB).

c) Bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

- Hộ chiếu do nước ngoài cấp.

- Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.

- Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Luật BHXH thì Bạn có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.

Câu 8. Bạn đọc có địa chỉ email myhanhna2503...@gmail.com hỏi:

Tôi đóng BHXH công ty cũ hơn 1 năm thì nghỉ việc qua công ty mới làm. Trong thời gian đổi công việc, tôi dừng đóng BHXH 1 tháng và tiếp tục đóng liên tục 6 tháng bên công ty mới. Vậy sau khi đóng đủ 6 tháng bên công ty mới thì tôi sinh con, lúc đó tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

BHXH Việt Nam trả lời

Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp của Bạn nếu tại thời điểm sinh con, Bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì Bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Câu 7. Bạn đọc có địa chỉ email congtyminhlong...@gmail.com hỏi:

Công ty tôi chỉ đóng BHXH cho 2 người và nộp bằng giấy. Nay tôi bị bệnh được giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng BHXH 5 ngày, vậy cần làm những thủ tục giấy tờ gì để được thanh toán 5 ngày nghỉ trên? Xin cảm ơn!

BHXH Việt Nam trả lời

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, gồm:

- Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Trường hợp của Bạn nếu đang tham gia BHXH và phải nghỉ việc do ốm đau, Bạn nộp hồ sơ theo quy định nêu trên cho đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH xem xét giải quyết.

Câu 6. Bạn đọc có địa chỉ email tung...@chauhungjapan.com hỏi:

Tôi đã đóng BHXH được hơn 3 năm, đầu năm 2018 tôi sinh con và bị thất nghiệp nên đã hưởng trợ cấp thất nghiệp lần 1. Đầu năm 2019, tôi có tiếp tục đi làm và đóng BHXH đến nay được 6 tháng. Tuy nhiên, tôi hết hạn hợp đồng lao động và tôi chuẩn bị thất nghiệp. Vì vậy tôi muốn hỏi tôi mới đóng tiếp được 6 tháng BHXH như vậy tôi có tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

  Điều 49 Luật Việc làm quy định người lao động đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

  2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, HĐLV đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ, HĐLV từ 12 tháng trở lên; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp làm việc theo HĐLĐ mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

  3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;

  4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

 Trường hợp của Bạn sau khi đã hưởng BHTN lần 1 Bạn đóng tiếp BHTN được 6 tháng như vậy Bạn chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHTN (theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 nêu trên) để hưởng BHTN.

Câu 5. Bạn đọc có địa chỉ email huy....@ldc.com hỏi:

Tôi đang điều trị bệnh ung thư và hưởng BHXH, hiện tại tôi đang hóa trị dạng ngoại trú, tôi nhập viện điều trị ngoại trú từ ngày 07/10-28/10. Trong khoảng thời gian điều trị nghỉ hưởng BHXH, tôi vẫn đi làm và được công ty trả trợ cấp làm việc vào mục trợ cấp khác, hỏi như vậy công ty có sai luật không? và tôi được hưởng khoản trợ cấp đó có chính đáng không? (trong thời gian điều trị bệnh, tôi vẫn bị trừ lương và hưởng BHXH).

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều 25 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Khoản 2 Điều 186 Bộ luật Lao động quy định: Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ BHXH, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động.

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp của Bạn nếu trong thời gian nghỉ điều trị ngoại trú Bạn vẫn đi làm chấm công và hưởng lương thì Bạn không được hưởng chế độ ốm đau. Việc Công ty không trả lương cho Bạn trong thời gian Bạn nghỉ việc hưởng chế độ BHXH là đúng quy định. Trong trường hợp Bạn và Công ty có thỏa thuận để Bạn nhận được một khoản trợ cấp khác không thuộc thẩm quyền trả lời của cơ quan BHXH.

Câu 4. Bạn đọc có địa chỉ email nguyentrang.268...@gmail.com hỏi:

Tôi làm việc cho một công ty nước ngoài, thứ 7 tôi được khai báo tăng, đến thứ 2 tuần sau đó tôi nghỉ do một số lí do ở công ty. Tôi mới khai báo tăng được 1 ngày và đến công ty mới đóng BHXH thì kế toán của công ty mới cho biết cơ quan BHXH báo sổ ở công ty cũ. Sau đó, tôi gọi cho công ty cũ họ báo tôi không có sổ tại công ty. Vậy cho tôi hỏi, khai tăng 1 ngày rồi báo giảm luôn thì đã có sổ chưa? Nếu có rồi thì sổ của tôi hiện tại ở đâu?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH thời hạn cấp mới sổ BHXH không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp công ty bạn báo giảm chưa kịp thời cũng có thể phát sinh việc cấp sổ BHXH và đã có quá trình đóng BHXH. Để kiểm tra việc đã được cấp sổ BHXH hay chưa đề nghị bạn liên hệ với tổng đài 1900 9068; truy cập website: http://baohiemxahoi.gov.vn Tra cứu trực tuyến  Tra cứu quá trình tham gia BHXH; nhắn tin theo cú pháp TC BHXH {mã số BHXH} gửi 8079 để tra cứu thời gian đóng BHXH hoặc cung cấp thông tin để cơ quan BHXH tra cứu.

Câu 3. Bạn đọc có địa chỉ email minhthanh...@gmail.com hỏi:

Tôi đã tham gia BHXH được 2 năm với tên: Võ A. Nay tôi đã là hồ sơ cải chính hộ tịch thay đổi lại tên đệm và tên thành Võ Văn B. Tôi đã Làm lại các giấy tờ như Sổ hộ khẩu, CMND, giấy phép lái xe. Và khi tôi đi làm tại công ty mới với tên Võ Văn B thì khi ghi số CMND đăng ký BHXH, tôi có được cộng dồn vào với sổ BHXH cũ (với tên Võ A) hay không vì tôi chỉ có 1 số CMND. Tôi lên tra cứu BHXH thì không có thông tin tên cũ lẫn tên mới. Tôi không biết tôi đã thay đổi tên thì khi đóng BHXH có được đóng dồn vào sổ cũ hay không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Để được cấp lại sổ BHXH do thay đổi tên, tên đệm, đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) kèm theo Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu gửi cơ quan BHXH.

Theo quy định mỗi người chỉ được cấp 01 mã số BHXH duy nhất trong suốt quá trình tham gia, vì vậy bạn cần cung cấp mã số BHXH ghi trên sổ BHXH cũ cho Công ty mới để được nối tiếp quá trình tham gia. Trường hợp bạn đã được cấp sổ BHXH theo tên mới tại công ty sau này, sau khi được cấp lại sổ BHXH trước đó theo tên mới bạn thực hiện thêm thủ tục gộp sổ BHXH cũ đã cấp với sổ BHXH mới sau này.

Câu 2. Bạn đọc có địa chỉ email dangha...@gmail.com hỏi:

Hiện tại tôi đã mang thai được 32 tuần và có làm cho 1 siêu thị ở Hà Nội, do sơ suất và không được phát sổ BHXH nên tôi không kiểm tra kỹ thông tin. Cho đến hôm qua tôi có tra cứu để kiểm tra quá trình đóng BHXH của mình thì mới phát hiện trong sổ BHXH của tôi bị sai giới tính thành Nam và thẻ BHYT của tôi đang sửa lại thông tin.Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này thì tôi phải điền thông tin gì và liệu thông tin đó của tôi có được sửa trước khi tôi sinh không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH để thực hiện điều chỉnh giới tính trên sổ BHXH. Thời hạn cấp lại sổ BHXH do điều chỉnh giới tính không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Câu 1. Bạn đọc có địa chỉ email haint....@gmail.com hỏi:

Chứng minh thư cũ của tôi đã hết hạn sau 15 năm (cấp từ 2001). Năm 2016 tôi đã thay bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) mới. Vậy cơ quan BHXH cho tôi hỏi:

1. Tôi có cần yêu cầu cơ quan BHXH đổi lại thông tin CCCD trên bìa sổ của tôi không?

2. Bìa sổ thiếu thông tin nơi cấp giấy khai sinh: có cần yêu cầu cơ quan BHXH cập nhật lại thông tin này không? Nếu tôi không thực hiện cập nhật lại các thông tin trên thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của tôi không?

BHXH Việt Nam trả lời:

Đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cơ quan BHXH đề thực hiện cập nhật các nội dung thay đổi về số chứng minh nhân dân trên cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH (không cần phải cấp lại bìa sổ BHXH). Mẫu sổ hiện nay không có thông tin về nơi cấp giấy khai sinh, tuy nhiên đây là một trong những thông tin để quản lý của cơ quan BHXH, tránh tình trạng trùng giữa 2 người tham gia. Vì vậy, khi lập tờ khai đề nghị bạn khai báo nơi đang ký khai sinh để cơ quan BHXH cập nhật vào cơ sở dữ liệu.

BHXH Việt Nam