Điểm sáng an sinh xã hội tháng 2/2023

28/02/2023 11:55 PM


Trong bối cảnh kinh tế xã hội tháng 2/2023 vẫn bộc lộ một số khó khăn, công tác ASXH vẫn được đảm bảo với những tín hiệu tích cực…

Theo cáo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, kết quả khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 2 năm 2023 cho thấy vẫn tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo đảm ASXH luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Để người dân không bị thiếu đói, trong tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 21/2/2023 hỗ trợ 256,7 tấn gạo cho khoảng 4.854 hộ với 17,1 nghìn khẩu có nguy cơ thiếu đói trong kỳ giáp hạt năm 2023.

Theo báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH, trong hai tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu, trong đó: hỗ trợ gạo cho người dân dịp Tết Nguyên đán là 16,9 nghìn tấn gạo; hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 hơn 1,3 nghìn tấn gạo.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các địa phương tại Việt Nam đã tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát dịch, đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, nhất là các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới.

Công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện. Từ ngày 8/3/2021 đến ngày 20/2/2023, tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 266,2 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,5 triệu liều; tiêm mũi 2 là 85,9 triệu liều; mũi bổ sung là 14,5 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 57,7 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,6 triệu liều…

Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế cũng cho thấy một số điểm sáng đáng ghi nhận: tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 96,06 tỷ USD. Tuy các số liệu này đã giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%), nhưng cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm 2023 đã duy trì đà xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, dù vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19, nhưng đã gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước…

Tuy nhiên, Việt Nam hiện là kinh tế có độ mở rất lớn, chịu tác động mạnh mẽ từ bên ngoài. Trong khi đó, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm… Thống kê cho thấy, hiện số DN gia nhập thị trường bình quân/tháng hiện đang thấp hơn số DN rút lui khỏi thị trường. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn DN, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Tình hình thu hút vốn đầu tư cũng tăng khá chậm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước…

Các chuyên gia khuyến nghị: thách thức và cơ hội cho nền kinh tế năm 2023 cần phải được nắm bắt và đánh giá thật kỹ lưỡng và khoa học. Các ban ngành các DN cần chuẩn bị và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội, đặc biệt là ngành dịch vụ, sản xuất, và xuất khẩu cho các thị trường truyền thống Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc…

PV