BHXH tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt các giải pháp truyền thông phát triển người tham gia

15/02/2023 05:43 PM


Đây là chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh tại buổi làm việc với BHXH tỉnh Bình Thuận về giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2023, chiều ngày 15/2.

Tham dự buổi làm việc tại trụ sở BHXH tỉnh có: Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo BHXH tỉnh và các phòng chức năng, BHXH cấp huyện trên địa bàn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Xuân Toan cho biết, trong thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở. Toàn thể CCVC, người lao động BHXH tỉnh luôn đoàn  kết, gắn bó, nêu cao tinh thần thực thi đạo đức công vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2022, BHXH tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thu, giảm nợ đọng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành và xử lý công việc chuyên môn đã tạo ra bước đột phá trong thực hiện các chính sách.

Cụ thể, tính đến hết năm 2022, công tác phát triển người tham gia của BHXH tỉnh đều vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao với: 97.298 người tham gia BHXH bắt buộc, 88.647 người tham gia BHTN, 10.632 người tham gia BHXH tự nguyện, 1.113.146 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,52% dân số. Tổng thu BHXH, BHTN, BHYT năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 2.702 tỷ đồng, đạt 102,9% kế hoạch BHXH giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN chiếm 2,63% số phải thu (tỷ lệ nợ phải thu BHXH Việt Nam giao 3,94%).

Trong tháng 01/2023, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Các chỉ tiêu phát triển người tham gia, số thu, giảm nợ trên địa bàn tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh kết quả đạt được, tại buổi làm việc, lãnh đạo BHXH tỉnh và các phòng trực thuộc, BHXH cấp huyện đã tập trung đánh giá, nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Hiện Bình Thuận có cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; quy mô các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, sử dụng ít lao động. Tình hình dịch bệnh đến nay đã ổn định, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa khôi phục hoàn toàn. Số người tham gia BHXH còn thấp so với lực lượng trong độ tuổi lao động của tỉnh, độ bao phủ BHXH tăng chậm; nhiều lao động làm việc ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH bắt buộc. Công tác phát triển người tham gia BHYT chưa thật sự bền vững, tỷ lệ bao phủ BHYT của các xã nông thôn mới trên toàn tỉnh còn thấp, có xã đạt chỉ tiêu BHYT để về đích nông thôn mới, nhưng sau đó không duy trì được tỷ lệ bao phủ BHYT ở địa phương. Việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 01/01/2022 ít nhiều đã ảnh hưởng đến người tham gia BHXH tự nguyện. Đời sống kinh tế và thu nhập của người dân ở vùng biển, vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội, vùng bãi ngang ven biển, người lao động tự do vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương làm ra có giá cả thấp, không tiêu thụ được nên người dân không đủ khả năng để tiếp tục tham gia lại hoặc tham gia mới BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng. Hoạt động của các Tổ chức dịch vụ thu còn nhiều hạn chế; nhân viên thu của các Tổ chức dịch vụ thu chưa tích cực bám sát địa bàn để vận động, tuyên truyền tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện…

Sau khi nghe báo cáo, chia sẻ từ phía BHXH tỉnh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã đánh giá, thông tin thêm về công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; đồng thời cũng giải đáp một số kiến nghị của BHXH tỉnh về các lĩnh vực: Thu, phát triển người tham gia, chính sách BHYT, thanh tra - kiểm tra, tài chính - kế toán, công tác truyền thông...

Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào đánh giá, Bình Thuận đang có chuyển sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang hướng dịch vụ du lịch, phát sinh nhiều vấn đề mới về thị trường, quan hệ lao động, vì vậy, BHXH tỉnh cần tăng cường nắm bắt, phân tích, đánh giá thông tin để triển khai công tác truyền thông, vận động, công tác thu cho phù hợp. BHXH tỉnh cũng cần thu thập thông tin để xác định chính xác tình trạng của một số doanh nghiệp đã phá sản, giải thể trên địa bàn, số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHYT và tình trạng của người lao động đang đi đâu về đâu để kiến nghị, có giải pháp giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Hiện trên địa bàn, có tình trạng một số địa phương sau khi hoàn thành chương trình nông thôn mới thì tỷ lệ người tham gia BHYT giảm mạnh, BHXH tỉnh cần báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt. Năm 2023, BHXH cần tiếp tục chú trọng tổ chức, kiện toàn hệ thống tổ chức dịch vụ thu, nghiên cứu cơ chế mở rộng đội ngũ cộng tác viên cũng như có chương trình bồi dưỡng, tập huấn, phối hợp thông tin để hệ thống này thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để cập nhật, đồng bộ dữ liệu trên địa bàn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục tuyên truyền, vận động cài đặt VssID- BHXH số, phấn đấu đạt 100% người tham gia sử dụng ứng dụng này…

Đối với lĩnh vực BHYT, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT nhận định, tỷ lệ đa tuyến đi của Bình Thuận đang ở mức tương đối cao, BHXH tỉnh cần tăng cường phối hợp với ngành Y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn, giúp người dân không phải đến các địa phương khác trong khám chữa bệnh. Đội ngũ làm công tác giám định của tỉnh còn thiếu nên cần đẩy mạnh việc giám định điện tử. Trong công tác giám định cần lưu ý đến một số vấn đề về ngày điều trị nội trú, tỷ lệ chi tiền giường và ký hợp đồng với một số phòng khám đa khoa khu vực…

Về công tác Thanh tra, kiểm tra, ông Lò Quân Hiệp – Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra đề nghị, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành Công an đến cấp huyện, nhất là trong việc nắm thông tin về người lao động đến cư trú trên địa bàn phục vụ công việc dịch vụ du lịch và xây dựng trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế, trao đổi thông tin, dữ liệu theo quý để đảm bảo tính thời sự, hiệu quả. Năm 2023, BHXH tỉnh cần đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, thực hiện linh hoạt giữa thanh tra của cơ quan BHXH và thanh tra liên ngành nhất là phối hợp với ngành công an, lao động và thanh tra tỉnh; nghiên cứu sử dụng hình thức cưỡng chế xử phạt đối với các đơn vị cố tình chây ỳ, không chấp hành kết luận thanh tra.

Về công tác Truyền thông, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông lưu ý, BHXH tỉnh cần xây dựng kịch bản truyền thông phù hợp đặc thù của địa phương với 34 dân tộc và 12 tôn giáo để có cách tiếp cận riêng, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản và chức sắc tôn giáo trong công tác này; nhân rộng một số mô hình truyền thông hiệu quả tại huyện Tánh Linh và Tuy Phong…

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, Bình Thuận là một tỉnh có cơ cấu kinh tế đa dạng, tuy nhiên cơ bản vẫn là nông nghiệp và một số doanh nghiệp về du lịch dịch vụ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua. Bên cạnh đó, đa số thu nhập của người dân còn khó khăn, không ổn định, nhiều nhóm yếu thế. Tỉnh có vị trí địa lý gần các thành phố lớn nên lao động thường xuyên biến động. Trong bối cảnh đó, năm 2022, BHXH tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam và lãnh đạo tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Hiện tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN, công tác thu, giảm nợ trên địa bàn đều đạt kết rất tích cực. Quyền lợi người tham gia được đảm bảo kịp thời với thủ tục hành chính được cải cách, nhanh chóng. Công tác thanh tra, kiểm tra được được đẩy mạnh, phối hợp hiệu quả với cơ quan công an và các sở, ngành liên quan…

Thay mặt lãnh đạo Ngành, Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh biểu dương, ghi nhận những kết quả BHXH tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong năm 2022; đồng thời khẳng định, lãnh đạo BHXH Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để BHXH tỉnh thực hiện nhiệm vụ.

Về phương hướng, nhiệm vụ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, từ kết quả thực hiện trong năm 2022, BHXH tỉnh cần rà soát, đánh giá những tồn tại, hạn chế để đưa ra các giải pháp trong năm 2023. Trong đó, cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam; đồng thời chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, BHTN vào Nghị quyết của HĐND các cấp, đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN.

BHXH tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu, chú trọng việc bàn giao giữa hệ thống cũ và mới, không để sót, mất đối tượng; chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức hội nghị khách hàng vận động theo nhóm người tham gia tiềm năng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của nhân viên tổ chức dịch vụ thu theo đúng quy định để đảm bảo tuân thủ các quy trình; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu. Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc công khai các doanh nghiệp đang nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Tiếp tục giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng, đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, góp phần lan tỏa lợi ích, ý nghĩa của các chính sách, thuyết phục người dân tham gia; đồng thời cũng tăng cường công tác phòng chống lạm dụng, trục lợi chính sách.

Công tác truyền thông trên địa bàn đã có nhiều sáng tạo, phát huy được vai trò của một số mạng xã hội, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, không ngừng đổi mới, linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng, dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng cần tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng; chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến mang lại thuận lợi cho người dân. BHXH tỉnh cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đồng đều giữa các bộ phận và cơ sở để việc phân cấp nhiệm vụ hiệu quả; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính; phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm trong công việc, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu…

PV