BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động, bám sát thực tiễn hơn nữa để đưa ra phương án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

13/08/2022 12:37 PM


Ngày 13/8, tại TP.HCM, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác khám, chữa bệnh BHYT. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo BHXH 6 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Dương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn chung của tập thể BHXH các tỉnh, thành phố trong thời gian qua. Nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế trong một số lĩnh vực, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, mỗi vấn đề xảy ra đều có nguyên nhân cụ thể, đòi hỏi người đứng đầu đơn vị cần có trách nhiệm, tầm nhìn, sự chủ động trong việc đưa ra hướng giải quyết. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu các Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cần bám sát nội dung buổi làm việc để kịp thời đưa ra chỉ đạo tại địa phương mình một cách thống nhất.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo về tình hình công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Giám đốc BHXH TP.HCM Phan Văn Mến cho biết BHXH thành phố đã chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành tham mưu để kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của thành phố. Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT được đảm bảo. Ông Mến cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, BHXH Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch được giao. Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT được đảm bảo trong tình hình dịch bệnh.

07 tháng đầu năm 2022, TPHCM có gần 2,5 triệu người tham gia BHXH, tăng 4,12% so với năm 2021. Trong đó, BHXH bắt buộc là hơn 2,4 triệu người (đạt gần 90% kế hoạch được giao), BHXH tự nguyện là hơn 28.000 người (đạt 22,4% kế hoạch được giao). Có hơn 2,3 triệu người tham gia BHTN, hơn 7,7 triệu người tham gia BHYT. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đến nay ước đạt 41.894 tỷ đồng, tăng 7,74% so cùng kỳ. Số tiền chi BHXH, BHYT, BHTN là gần 24.700 tỷ đồng.

Tính đến ngày 10/8/2022, BHXH TP.HCM đã ban hành quyết định và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.563 đơn vị (đạt trên 68% kế hoạch). Cụ thể, thanh tra chuyên ngành 510 đơn vị SDLĐ; kiểm tra 1.419 đơn vị SDLĐ, 291 đại lý thu; 17 đơn vị trực thuộc, 16 cơ sở KCB; phối hợp thanh tra liên ngành 15 đơn vị SDLĐ; phối hợp kiểm tra liên ngành 90 đơn vị SDLĐ. Việc thanh tra, kiểm tra đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là triển khai thanh tra đột xuất đối với đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Qua thanh tra, số tiền chậm đóng của 408 đơn vị trước khi thanh tra là 117,59 tỷ đồng, số tiền đã khắc phục của 487 đơn vị đã được thanh tra là 52,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 44,85%.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mến, đáng ngại nhất là số người hưởng trợ cấp BHXH một lần ngày càng tăng cao. Cụ thể, năm 2018, toàn TPHCM giải quyết chế độ trợ cấp BHXH một lần cho 54.000 người thì năm 2019 lên tới 60.000 người, năm 2021 là gần 62.000 người. Số người có nhu cầu nhận trợ cấp BHXH một lần tăng cao đột biến trong tháng 3, tháng 4/2022.

Giám đốc BHXH TP HCM Phan Văn Mến báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ 07 tháng đầu năm 2022.

Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn thấp so với tiềm năng, người tham gia BHXH bắt buộc tuy có tăng nhưng tỷ lệ tăng chưa cao, chưa xứng với tốc độ phát triển của TP. Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, trong khi đó số người tham gia BHYT hộ gia đình chưa đạt yêu cầu.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, với đặc thù của một địa bàn phát triển công nghiệp mạnh, quá trình tham gia BHXH, BHYT của người lao động tại Đồng Nai vẫn tiềm ẩn yếu tố không ổn định, vẫn diễn ra xu hướng nhận BHXH một lần thay vì tiếp tục tham gia BHXH để nhận lương hưu sau này. Bên cạnh đó, vẫn chưa có biện pháp thực sự hiệu quả xử lý nợ đọng BHXH, BHYT và nhất là việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự trên địa bàn và quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu thực hiện năm cũng như chỉ tiêu được quán triệt tại Nghị quyết 28-NQ/TW. 

Khắc phục hạn chế trên, BHXH tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhóm giải giáp trọng tâm. Cụ thể, giao dự toán thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT ngay từ đầu năm để các đơn vị liên quan chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về chi phí KCB BHYT của các năm trước đang được BHXH tỉnh và Sở Y tế nỗ lực phối hợp giải quyết. 

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc dưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong thanh, quyết toán và phát triển người tham gia BHYT.

Tại hội nghị, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý đã báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm 2022. Theo đó, sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thị trường lao động đã dần phục hồi, số người lao động quay lại làm việc, có việc làm đã tăng lên, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Trong công tác phát triển đối tượng, BHXH tỉnh đã đa dạng, linh hoạt nhiều giải pháp; thực hiện rà soát, cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT và phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, các hội đoàn thể, trường học, đại lý thu nhắn tin, gọi điện thoại tư vấn, tổ chức tư vấn theo nhóm nhỏ tại nhà người dân, hoặc tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động. 

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Lý cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Trong đó có thay đổi chuẩn nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng cao nên khó khăn hơn trong tuyên truyền, vận động người tham gia; vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự các đơn vị vi phạm về BHXH, BHYT; vướng mắc trong thầu vật tư y tế; tình trạng rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhưng chưa bền vững.

Tại Long An gặp vướng mắc trong thanh toán KCB BHYT liên quan việc xã hội hóa máy móc, trang thiết bị mượn tại BVĐK tỉnh, nên BHXH tỉnh đang tích cực tham gia giải quyết vấn đề này. Tại Bình Dương, đến nay việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết cơ bản, song việc xử lý tồn đọng về KCB BHYT các năm trước rất phức tạp do một số BV vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá, vượt công suất giường và một số cơ sở y tế gia tăng chi phí bất thường…

Tại hội nghị, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố cũng nêu ra một khó khăn chung, đó là từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn…

Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ đưa ra một số giải pháp về phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Sau khi nghe ý kiến đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các vụ, ban nghiệp vụ đã đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025…

Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Cụ thể hơn, với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, cần thường cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đơn vị, số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc để xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển. Đồng thời, mở hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa đóng, chưa đóng đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động. Quán triệt, thông tin đến đơn vị sau 10 ngày kể từ ngày tham dự hội nghị nhưng cố tình không tham gia sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm.

Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu nhằm phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc. Tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định rõ số lượng doanh nghiệp và tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia BHXH; số doanh nghiệp đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, đã giải thể, chờ phá sản, đã phá sản. Xác định rõ số lượng lao động thuộc đối tượng phải tham gia, không thuộc đối tượng tham gia.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đối với lĩnh vực BHYT, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT ( BHXH Việt Nam), BHXH các tỉnh, thành phố cần sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở nguồn dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, cần giám sát việc đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người dân, tránh tình trạng yêu cầu người bệnh có thẻ BHYT phải mua ngoài, mua thêm những loại thuốc, vật tư y tế trong danh mục được quỹ BHYT thanh toán. Đồng thời, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác KCB, không để người bệnh tự chi trả chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng.

Ông Nguyễn Tất Thao – Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần rà soát, kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT tại tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến Trung ương. Toàn bộ dữ liệu đề nghị thanh toán KCB BHYT của cơ sở KCB gửi lên hệ thống cần được mã hóa, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, bí mật thông tin theo quy định. Dữ liệu đề nghị thanh toán được tự động giám định bằng bộ quy tắc dựa trên các quy định, quy trình kỹ thuật chuyên môn của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế.

Về công tác truyền thông, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, Giám đốc Trung tâm Truyền thông ( BHXH Việt Nam ) Nguyễn Thị Thanh Hương yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN , đẩy mạnh truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN đặc biệt là công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV. Đồng thời biểu dương những đơn vị sử dụng lao động tiêu biểu, nêu tên những đơn vị nợ đọng, quản lý lao động chưa tốt. Cùng với đó, truyền thông kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Về công tác thanh tra, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra Lò Quân Hiệp yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của BHXH Việt Nam; tăng cường hoàn thiện các phương pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra; xây dựng phần mềm hỗ trợ hoạt động thanh tra kiểm tra, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý và thảo luận, kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã quán triệt, làm rõ thêm các nội dung, điểm cốt lõi trong các văn bản chỉ đạo, quy định mới về thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức dịch vụ thu; tập trung đào tạo, tập huấn nhân viên thu; bàn giao dữ liệu để các tổ chức dịch vụ thu có cơ sở tiếp cận, vận động, tuyên truyền hiệu quả; cũng như đẩy mạnh tổ chức các hội nghị tư vấn, đối thoại với DN.

Trong bối cảnh thị trường lao động sau dịch, nhiều biến động, BHXH tỉnh, thành phố cần rà soát, đánh giá tổng thể lại các dữ liệu về lao động, nhóm người tham gia để đưa ra các giải pháp cụ thể; mỗi giải pháp sẽ mang lại hiệu quả là bao nhiêu người tham gia, từ đó phân công nhiệm vụ triển khai đến từng phòng, từng cán bộ.

Toàn cảnh Hội nghị Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, cần có những giải pháp cụ thể thu hút lực lượng lao động tham gia mới, để đến cuối năm 2022 phải đạt được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Riêng BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa, nhưng kết quả đạt chưa cao thì cũng cần theo dõi, thống kê để đánh giá cụ thể và có phương án phù hợp, Tổng Giám đốc lưu ý.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc; hoàn thiện các quy trình như quy trình giám định, quy trình hạch toán quỹ; đánh giá toàn diện về việc sử dụng vật tư y tế;... Đồng thời, phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương đẩy mạnh rà soát chi phí KCB BHYT đảm bảo quyết liệt, rõ ràng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh gợi ý, có thể triển khai một số chuyên đề về mức đóng, người tham gia tại một số địa phương có đông DN và NLĐ, để làm cơ sở cho việc thực hiện trên quy mô toàn quốc. Đồng thời, hằng tháng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ thời gian dài, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn, kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông, chú trọng trong công tác truyền thông theo nhóm, truyền thông trực tuyến trên mạng xã hội và các lễ ra quân. Đặc biệt, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc, bảo đảm giải quyết đúng và kịp thời các chế độ cho người tham gia và thụ hưởng…

PV