Cần có giải pháp căn cơ để hạn chế nợ đóng BHXH
11/08/2022 05:07 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp nối chương trình làm việc, sáng 11/8, Đoàn khảo sát của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội Nguyễn Hoàng Mai làm Trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn 2016- 2021 và công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Đoàn khảo sát có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; đại diện Bộ LĐ-TB&XH và một số vụ, ban nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam.
Báo cáo Đoàn khảo sát, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc Lưu Văn Dũng cho biết, Nghị quyết số 30 của Quốc hội và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội luôn được Vĩnh Phúc quyết liệt chỉ đạo triển khai. Các giải pháp, chính sách, hoạt động liên quan đến công tác an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời với sự phối hợp của các cấp chính quyền, nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Qua đó đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. An sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương.
Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 5.027 hộ nghèo đa chiều, chiếm 1,51%; dự kiến cuối năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ là 1 trong 10 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước. Nguồn lực kinh phí thực thi các chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm, bố trí đầy đủ, kịp thời. Các chính sách, chế độ hỗ trợ các đối tượng được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở. Các đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh được quan tâm hưởng thụ cao hơn 1,24 lần so với mặt bằng chung chính sách do Trung ương ban hành. Các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, giải quyết việc làm đều được hoàn thành, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trong năm 2021 đã giải quyết việc làm cho 18.986 lao động, vượt kế hoạch đề ra; 6 tháng đầu năm 2022, giải quyết việc làm cho 12.331 lao động, đạt 72,5% kế hoạch đề ra. Dự kiến cuối năm 2022 sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động. “Quá trình triển khai nhiệm vụ, các cơ quan chức năng của Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng việc giải quyết kịp thời chế độ BHXH, BH thất nghiệp, các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị SDLĐ, NLĐ theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 116 của Chính phủ. Tính từ tháng 7/2021, BHXH tỉnh đã giảm trừ mức đóng vào quỹ BH TNLĐ- BNN đối với 4.055 đơn vị với tổng số tiền 64 tỷ đồng. Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 6 đơn vị với tổng số tiền 5,69 tỷ đồng. Hỗ trợ người SDLĐ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho 313 NLĐ của 2 doanh nghiệp với số tiền 1,408 tỷ đồng. Xác nhận vào danh sách tham gia BHXH để chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ cho 211 đơn vị với 9.773 lao động…”- ông Dũng thông tin.
Kết quả tích cực
Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH giai đoạn 2016- 2021, ông Dũng cho biết, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai các chính sách ở địa phương. Số người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm tăng lên đáng kể, từ đó tăng cơ hội được hưởng lương hưu cho hàng nghìn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 21.167 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 17.119 người so với thời điểm cuối năm 2015, đạt khoảng 3,2% lực lượng lao động, vượt 2,2% mục tiêu của Nghị quyết số 28.
Bên cạnh đó, năm 2019, Vĩnh Phúc có 4.176 đơn vị tham gia BHXH với 206.780 lao động; 3.473 đơn vị tham gia BH thất nghiệp với 199.369 lao động; 6.299 lao động tham gia BH tự nguyện. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 5.874 đơn vị tham gia BHXH với 224.134 lao động; 4.762 đơn vị tham gia BH thất nghiệp với 216.308 lao động và 17.489 lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Vĩnh Phúc Lê Đình Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Thông tin thêm về việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Vĩnh Phúc Lê Đình Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2016- 2021, BHXH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành 24 văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả công tác BHXH, BH thất nghiệp tại địa phương. Các văn bản của địa phương được ban hành kịp thời, tập trung chỉ đạo các lĩnh vực công tác trọng tâm, cấp bách trong thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp như: giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH cho UBND huyện; giảm nợ đọng; triển khai giao dịch điện tử; đẩy mạnh chi trả chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ ATM); triển khai rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ quản lý và triển khai cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT...
Đặc biệt, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 được ban hành, quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2020- 2025; trong đó quy định toàn bộ người dân có hộ khẩu tại Vĩnh Phúc khi tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ kinh phí từ tháng 8/2020 với 3 mức hỗ trợ như quy định trong Luật BHXH (30% mức đóng đối với hộ nghèo; 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo và 10% mức đóng đối với đối tượng khác) góp phần thúc đẩy người dân Vĩnh Phúc tham gia BHXH tự nguyện.
Trong giai đoạn 2016- 2021, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phát triển người tham gia BHXH bằng nhiều giải pháp; thường xuyên rà soát dữ liệu của cơ quan Thuế, tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp sâu rộng đến từng hộ gia đình; tham mưu chính sách hỗ trợ cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện… Nhờ đó, lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đã gia tăng nhanh chóng, hàng năm chỉ tiêu người tham gia vượt kế hoạch từ 5- 10%. Tính đến hết năm 2021, tổng số người tham gia BHXH là 247.925 đạt 38% (tăng 20.192 người tương ứng 8,86% so với năm 2020; tăng 87.714 người tương ứng 54,75% so với năm 2016) và vượt 3% mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW (mục tiêu đạt 35%).
Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội Phạm Trọng Nghĩa nêu câu hỏi
Cũng theo ông Lê Đình Tuấn, qua công tác rà soát đối tượng tham gia BHXH trong những năm qua cho thấy những đơn vị thuộc khối vốn đầu tư ngước ngoài việc chấp hành luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhìn chung tốt. Những đơn vị thuộc khối hành chính nhà nước, Đảng đoàn thể lao động thuộc diện theo biên chế quy định có xuất hiện những NLĐ trả lương nhưng kiểm tra hồ sơ không thấy có giao kết HĐLĐ. Những đơn vị thuộc khối NQD có nhiều lao động được trả lương nhưng chưa tham gia BHXH do NLĐ được chủ SDLĐ thỏa thuận thuê khoán theo vụ việc hoặc theo thời vụ hoặc những NLĐ này đã tham gia BHXH tại đơn vị khác; lao động thuộc diện này chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp hoặc lao động mang tính giản đơn… Một số lao động ký HĐLĐ thử việc nhưng được trả lương nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH. Một số lao động khi kiểm tra rà soát có trả lương thù lao nhưng những lao động này thuộc đơn vị cung cấp lao động chuyên nhiệp khác ở tại đơn vị đó họ đã được tham gia BHXH bắt buộc.
Thông tin cụ thể hơn về câu hỏi liên quan đến tình hình nợ đọng BHXH tăng cao, số DN nợ và quy mô lao động đều tăng của Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội Phạm Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Thục Phương cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của người SDLĐ ở tất cả các nhóm ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, ảnh hưởng rõ nhất là việc khắc phục tình trạng chậm đóng, nợ BHXH, BH thất nghiệp của các DN ngày càng khó khăn. Cụ thể, năm 2019 Vĩnh Phúc có 438 đơn vị nợ BHXH với số tiền 40,811 tỷ đồng (396 DN nợ 39,6 tỷ đồng); 378 đơn vị nợ BH thất nghiệp với số tiền 1,345 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022 Vĩnh Phúc cũng có 2.031 đơn vị nợ BHXH với số tiền 169,450 tỷ đồng; 1.582 đơn vị nợ BH thất nghiệp với số tiền 3,608 tỷ đồng.
“Để hạn chế nợ đóng BHXH, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Quốc hội sửa Luật BHXH cho phù hợp với thực tế, trong đó cần quy định cụ thể việc xử lý tiền nợ BHXH đối với các khoản nợ đọng BHXH kéo dài nhiều năm đối với các trường hợp người SDLĐ bỏ trốn, đi khỏi địa phương; xem xét, bổ sung quy định về việc tạm dừng sử dụng hoá đơn đối với các DN, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp từ 3 tháng trở lên. Đối với xử lý nợ BHXH kéo dài, chúng tôi mạnh dạn đưa nhóm này vào khoanh nợ, xoá nợ hoặc NSNN hỗ trợ đối với nhóm phá sản, chủ bỏ trốn và có hướng dẫn để NLĐ được chốt sổ BHXH và hưởng quyền lợi”- bà Phương đề xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Cường tham gia ý kiến
Liên quan đến vấn đề nợ đóng BHXH, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Cường nêu câu hỏi: Số liệu các đơn vị nợ BHXH trong năm 2022 tăng lên khá lớn với gần 2.000 đơn vị. Trong số này thì có bao nhiêu đơn vị nợ BHXH với thời gian dài và nếu không có giải pháp thì số đơn vị này tiếp tục nợ tăng lên, phá sản, ngừng hoạt động thì các ngành lại phải giải quyết hậu quả về sau? “Đảm bảo quyền lợi cho lao động trong DN phá sản, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp các bộ ngành nghiên cứu đề xuất báo cáo Chính phủ và đang bị vướng. Cụ thể, với đơn vị sau thanh lý vẫn nợ BHXH thì có phương án: tạm hoãn theo đúng nguyên tắc đóng hưởng (đóng đến đâu ghi nhận đến đó và giải quyết trên cơ sở thời gian ghi nhận) thì sẽ thiệt thòi cho NLĐ; ghi nhận quá trình đóng BHXH đến khi NLĐ nghỉ việc (thực hiện được thì nguồn tiền bù đắp lấy từ đâu, có 2 phương án là NSNN và từ quỹ BHXH- phương án NSNN) thì Bộ Tài chính cho rằng không phù hợp luật ngân sách; còn từ quỹ BHXH thì Bộ Tư pháp cho rằng không phù hợp với nguyên tắc luật BHXH. Trong quá trình nghiên cứu, các Bộ cũng đề xuất đến khi sửa luật BHXH sẽ có những đề xuất tổng thể cho vấn đề xử lý nợ BHXH tại các DN phá sản, giải thể, chủ DN bỏ trốn. Trước mắt, chúng ta giảm tình trạng nợ, giảm tối đa và đừng để nợ BHXH lâu dài”- ông Cường thông tin.
Tham gia ý kiến với đoàn khảo sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt trong việc phát triển người tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi NLĐ cũng như triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến BHXH. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc cũng, những tháng đầu năm, lực lượng lao động tham gia thị trường tại Vĩnh Phúc tăng 5,9% so với năm 2021 nhưng số người tham gia BHXH không tăng. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tạo việc làm cho 20.000 người thì cần tìm giải pháp để số lao động này tham gia đóng BHXH, nhất là lao động ảnh hưởng Covid-19..."…”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận định.
Mặt khác, tiền lương trung bình lao động hưởng thì cao nhưng tỷ lệ đóng BHXH lại rất thấp, bằng 60-70% mức lương và cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để NLĐ đóng BHXH theo đúng thu nhập thực tế... “Chậm đóng, trốn đóng BHXH không phải vấn đề mới, ngành BHXH có các giải pháp từ thông báo, đôn đốc đến thanh kiểm. Đặc biệt, không ai muốn DN phá sản mà vẫn nợ BHXH dù ngành BHXH đã xử lý, kiểm tra, thanh tra nhưng cuối cùng NLĐ chịu thiệt.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, về vấn đề nợ đóng BHXH hay những vấn đề đang vướng mắc, Chính phủ báo cáo Quốc hội để ra Nghị quyết xử lý bởi tiền DN nợ BHXH thì không thể thu hồi được thế nhưng NLĐ không được hưởng chế độ dù đã bị trừ lương… Hằng năm, Ủy ban xã hội đều tổ chức giám sát và nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, vấn đề DN chậm trễ trong khắc phục nợ đóng BHXH gây ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của NLĐ cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, để bảo vệ NLĐ, Bộ LĐ-TB&XH triển khai phối hợp BHXH Việt Nam báo cáo đánh giá cụ thể với số DN, số lao động của các DN phá sản… gửi Quốc hội để có giải pháp tốt nhất xử lý vấn đề này.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam tháng ...
BHXH Việt Nam: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, an ...
Hội nghị công chức, viên chức cơ quan BHXH Việt Nam năm ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?