Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT

05/05/2022 08:45 PM


Đó là tiêu đề cuộc Hội thảo khoa học do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 5/5/2022 tại tỉnh Hoà Bình. Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chuyển đổi số Ngành BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Toàn, đại diện một số đơn vị nghiệp vụ BHXH Việt Nam và BHXH 5 tỉnh/thành phố Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Nguyên…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều nhóm giải pháp trong các ngành, lĩnh vực khác nhau để làm động lực phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số được xác định là then chốt. Cùng với cả hệ thống chính trị, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan và chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số như: chuyển đổi nhận thức, phát triển hạ tầng, phát triển nền tảng số, đảm bảo an toàn an ninh mạng, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số…Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã gặt hái được những thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số. Trong đó đáng chú ý là việc xây dựng thành công cơ sở quốc gia về Bảo hiểm, và được coi là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia. Với hệ thống dữ liệu quản lý đặc biệt lớn, lên tới hàng trăm triệu người tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm; với hàng triệu bản ghi dữ liệu mỗi ngày cho từng người dân, từng thời điểm điều chỉnh lương của người lao động; từng viên thuốc khi đi KCB;…, hệ thống thông tin giám định BHYT đang trở thành một trong những “kho vàng”, là sự dày công xây dựng, là niềm tự hào của BHXH Việt Nam...

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT là một trong những cấu phần quan trọng của chương trình chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT không phải là mới đối với Ngành BHXH Việt Nam, trong thời gian qua ngành BHXH Việt Nam đã làm được rất nhiều việc quan trọng, có tính chất nền tảng của quá trình chuyển đổi số, điển hình như: Xây dựng và đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống thông tin giám định BHYT, hệ thống này có kết nối với hơn 12.000 cơ sở KCB trên toàn quốc để thu thập dữ liệu về KCB BHYT, là công cụ có hiệu quả phục vụ cho công tác giám định, để kịp thời phát hiện những trường hợp trục lợi BHYT, giúp cho Ngành quản lý tốt hơn quỹ BHYT; Xây dựng và đưa vào vận hành thường xuyên hệ thống cấp mã số BHXH và Quản lý BHYT hộ gia đình. Hệ thống này đang quản lý trên 97 triệu nhân khẩu và cấp mã số BHXH duy nhất cho từng người dân. Mã số BHXH duy nhất này là “chìa khóa” để kết nối các CSDL với nhau, đảm bảo cho việc quản lý người tham gia không bị trùng lặp, chồng chéo, đồng thời nó cũng là “chìa khóa” để người dân khai thác các dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử Ngành và của Quốc gia; Xây dựng và đưa vào vận hành thường xuyên ứng dụng BHXH số (VssID) trên các thiết bị di động cầm tay để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giám sát thông tin đóng BHXH của mình và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh thay thẻ BHYT giấy. Hiện tại, đã có khoảng 25 triệu người dân đã cài đặt và sử dụng VssID trên thiết bị cầm tay của mình.

Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo ông Tuấn, những kết quả đạt được của ngành là những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng những khó khăn, thách thức và khối lượng công việc phía trước còn rất nhiều, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành quá trình chuyển đổi số của mình nói chung và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT nói riêng. Hội thảo ngày hôm nay nhằm cung cấp các phân tích, đánh giá khoa học về kết quả thực hiện trong thời gian qua, đồng thời nhận diện, đề xuất các mục tiêu, giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT của ngành BHXH Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo…

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Toàn đã nêu những kết quả trong công tác ứng dụng chuyển đổi số tại địa phương, đồng thời khẳng định: Năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hoá Chương trình chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Dữ liệu, Chiến lược Bưu chính, Chiến lược An toàn thông tin mạng, Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số…Vì vậy, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo là rất ý nghĩa, cần thiết để chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng các ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT… Nêu bật những kết quả đạt được về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT trên địa bàn tỉnh Hoà Bình trong những năm qua như ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giám định chi phí KCB BHYT, tạo lập CSDL quan trọng để thực hiện cấp mã số BHXH cho người tham gia BHYT, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT tại tỉnh Hoà Bình thực sự mang lại những lợi ích kép.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Toàn

Tính đến ngày 31/5/2022, tỉnh Hòa Bình đã có trên 160.000 người đăng ký cài đặt VSSID, đạt khoảng 20% tổng số người tham gia BHYT. Từ 1/6/2021, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID thay thế thế BHYT giấy tại 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Thực hiện Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD). tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện CCCD có gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh thông báo tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT để người dân dễ tiếp cận. Tính đến ngày 25/4/2022 tỉnh Hòa Bình đã có 175.006 CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp điện tử và đã có 61 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có thể tiếp nhận người đi khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp điện tử. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh Hòa Bình đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS do VNPT và Viettel cung cấp, bệnh án điện tử, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử... Chuyển đổi số trong vực y tế tại tỉnh Hòa Bình thực sự đã mang lại những lợi ích kép: vừa góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin (TTCNTT) Nguyễn Hoàng Phương cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 tới đây và các năm tiếp theo, ứng dụng CNTT của Ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục kế thừa, tận dụng triệt để các kết quả triển khai Chính phủ điện tử, bảo đảm An toàn thông tin mạng của BHXH Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020, khai thác tối đa hạ tầng, nền tảng dùng chung quốc gia, tránh đầu tư trùng lập để xây dựng hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng khách hàng, dịch vụ với quy trình nghiệp vụ tự động hoá mức độ cao được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia, phục vụ khách hàng toàn diện trong các lĩnh vực BHXH, BHYT. Hình thành hệ sinh thái số, xây dựng thành công ngành BHXH số. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với CCHC, trọng tâm là CCTTHC trong các hoạt động quản lý, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0…

Toàn cảnh Hội thảo

Về thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Nguyễn Lan Hương đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đồng thời đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số trong thẩm định thanh quyết toán chi KCB BHYT; tổng hợp xây dựng dự toán chi KCB BHYT; trong tổng hợp xây dựng dự toán chi KCB BHYT; tổng hợp thông báo giá VTYT trúng thầu. Từ những thực trạng trên, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT đề xuất các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp để xây dựng, bổ sung các tính năng phần mềm liên quan đến thẩm định Cn; thẩm định quyết toán chi KCB BHYT hàng năm; phần mềm thẩm định đấu thầu thuốc và VTYT; đào tạo nâng cao kỹ năng ứng dựng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn của Ban CSYT. “Song song với đó, Bộ Y tế cần phối hợp xây dựng nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xác định tổng mức ”. Bà Hương nhấn mạnh

Tham luận tại Hội thảo về hệ thống thông tin giám định BHYT và giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động giám định BHYT, ông Tô Hồng Lương- Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT cho biết: Chuyển đổi số trong hoạt động giám định BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người bệnh, cơ sở y tế, cơ quan BHXH và cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với ngành BHXH Việt Nam đã giúp thay đổi cơ bản phương thức giám định, nâng cao hiệu suất, hiệu quả giám định BHYT, rút ngắn thời gian giám định chi phí KCB BHYT; Phát hiện ngay các yêu cầu thanh toán sai quy định, kịp thời phối hợp với cơ sở y tế kiểm tra, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả kiểm soát sử dụng quỹ BHYT. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Kết quả giám định tự động và chủ động năm 2017 đã có 100% hồ sơ điện tử được kiểm soát về thông tin người tham gia BHYT, mức hưởng, quyền lợi hưởng và các quy tắc đã xây dựng về điều kiện, mức thanh toán đối với thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế. Có cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, thông tin cụ thể phục vụ công tác quản lý, điều hành quỹ khám chữa bệnh BHYT và kịp thời đánh giá, kiến nghị điều chỉnh, xây dựng chính sách BHYT.

Để tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý KCB BHYT và thanh toán BHYT, sớm hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh quá trình xây dựng bệnh án điện tử; chuyển đổi số toàn bộ các thông tin y tế; ban hành quy định về giao dịch điện tử trong KCB; chỉ đạo các cơ sở y tế liên thông đầy đủ, kịp thời dữ liệu với cơ quan BHXH Việt Nam; liên thông các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân”, ông Tô Hồng Lương nhấn mạnh.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn- Giám đốc BHXH tỉnh Hoà Bình đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà BHXH tỉnh Hòa Bình đang phải đối mặt, bao gồm: Hệ thống dữ liệu danh mục dùng chung ngành Y tế còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện do các DVKT, thuốc, VTYT thường xuyên bổ sung, thay đổi, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Thị Tám cũng cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương có số thu, chi BHXH, BHYT lớn nhất cả nước. Số đơn vị và đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách lớn, thường xuyên biến động, đối tượng thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT hết sức đa dạng. Do đó, trong thời gian tới, BHXH TP.Hà Nội sẽ triển khai sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý nghiệp vụ của Ngành; rà soát và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, đơn giản TTHC; đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT và thực hiện DVC trực tuyến mức độ 4 trong tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. BHXH TP.Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt,  sử dụng ứng dụng VssID đến người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, sinh viên các trường cao đẳng, dạy nghề và đến các nhóm người tham gia BHYT khác trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án đến toàn thể CCVC, NLĐ, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết DVC, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Đề án 06...”

Kết luận tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Những tham luận tại Hội thảo hôm nay là những ý kiến rất quý báu và đáng ghi nhận. Với sự tham gia đầy đủ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan tại Hội thảo, chúng ta đã có những ý kiến từ các địa phương xung quanh vấn để chuyển đổi số. “Chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần tạo nên những góc nhìn mới, vị thế mới của toàn Ngành. Những nhận thức xác đáng tại Hội thảo ngày hôm nay về thực trạng, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, sẽ là những căn cứ để toàn ngành BHXH Việt Nam xác định hướng đi trong thời gian tới nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Ngành được giao phó”. Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

PV